Những nhà văn hóa xây bằng tình đoàn kết

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/2/2017 | 8:17:49 AM

YBĐT - Nhắc đến chuyện làm nhà văn hóa (NVH) ở một địa phương có đến gần nửa số thôn xây NVH mà người dân không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, tự nguyện đóng góp 100% để xây dựng thì có lẽ là rất ít.

Phong trào xây dựng nhà văn hóa thôn bằng nguồn vốn xã hội hóa ở huyện Yên Bình thời gian qua đã phát huy hiệu quả. (Ảnh minh hoạ)
Phong trào xây dựng nhà văn hóa thôn bằng nguồn vốn xã hội hóa ở huyện Yên Bình thời gian qua đã phát huy hiệu quả. (Ảnh minh hoạ)

Chuyện người dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền của, công sức cùng sự hỗ trợ của Nhà nước để xây nhà văn hóa (NVH) vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái. Nhưng nhắc đến chuyện làm NVH ở một địa phương có đến gần nửa số thôn xây NVH mà người dân không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, tự nguyện đóng góp 100% để xây dựng thì có lẽ là rất ít. Chúng tôi về xã Đại Minh, huyện Yên Bình - nơi nổi tiếng với vùng bưởi ngon, ngọt nằm bên dòng sông Chảy để được nghe chuyện người dân đoàn kết xây NVH.

Đoàn kết xây ngôi nhà chung

Là thôn có vị trí địa lý thuận lợi nên Cát Lem phát triển gần như thị tứ, phần lớn các hộ dân sống bằng kinh doanh dịch vụ, nhà xây san sát nhau. Không có ruộng, diện tích cây ăn quả ít, cuộc sống của 45 hộ dân trong thôn chủ yếu kinh doanh khiến quỹ đất ngày càng hạn hẹp, nhất là đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, công cộng. Vì thế, mong ước có quỹ đất đủ rộng để xây NVH, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng càng trở nên bức thiết.

Thực tế việc vận động bà con nhân dân góp tiền thì dễ chứ đất để xây hoàn toàn không dễ. Đất đai ở đây tuy chẳng có tiền tỷ nhưng tiền trăm triệu thì là chuyện thường. Cũng chính lý do này mà bao năm qua, thôn Cát Lem mơ ước có NVH nhưng chưa thực hiện được. Quyết tâm thực hiện mơ ước này, lãnh đạo Chi bộ, lãnh đạo thôn đã đi từng nhà kêu gọi, vận động, nói về ý nghĩa của NVH vừa là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới vừa là nơi để bà con đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hội họp... Hiểu đúng đắn và sâu sắc về điều đó, đã có 3 gia đình ở liền nhau tự nguyện hiến đất cho thôn xây NVH.

Có đất, thôn thành lập Ban Xây dựng đồng thời huy động nhân dân đóng góp công, của. Chỉ trong thời gian ngắn, 100% số hộ dân đã đóng góp đầy đủ, bình quân mỗi hộ 4,1 triệu đồng. Ngoài ra, các gia đình còn ủng hộ thêm tiền mặt, nội thất với tổng giá trị gần 100 triệu đồng. Sau 3 tháng khẩn trương xây dựng, tháng 5 năm 2015, NVH thôn Cát Lem đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cụ Nguyễn Văn Trọng năm nay 85 tuổi là 1 trong 3 hộ dân đã tự nguyện hiến gần 100 m2 đất xây dựng NVH tâm sự: “Đất có bán thì rồi cũng tiêu hết tiền mà nếu không ai hiến đất thì bao giờ thôn mới có NVH. Vì vậy, tôi đã quyết định hiến đất cho thôn xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng chung. Có NVH thì không những đời mình sử dụng mà còn cả đời con, đời cháu, chắt mình nữa chứ”.

Nhấp ngụm nước chè, tay đưa lên vuốt chòm râu dài đến ngực, ông cụ xúc động: “Buổi khánh thành hôm đó vui lắm, từ các cụ già, các em nhỏ đến những thanh niên nam nữ, những người trung tuổi đều tham dự đủ hết. Ai ai cũng vui mừng, phấn khởi vì lâu lắm rồi thôn mới có buổi sinh hoạt cộng đồng vui vẻ và ý nghĩa như thế. Trước đây, khi hội họp hay có bất cứ việc gì, bà con đều phải nhờ nhà dân, thậm chí ngồi ở góc chợ. Chật chội, nóng bức, ai cũng muốn xong việc sớm còn về cho nhanh. Hôm đó là lần đầu tiên mọi việc đã xong mà chưa ai muốn ra về”.

Nhà văn hóa thôn Đồng Nếp là nơi giao lưu thể thao mỗi buổi chiều của người dân trong thôn.

Dẫn chúng tôi đến tham quan NVH thôn, vừa mở cửa vào, ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng thôn Cát Lem khá bối rối khi trên bàn vẫn còn bánh, kẹo, hoa quả... “Chị thông cảm, tối 30 tết, thôn tổ chức đón giao thừa ở đây rồi suốt cả tết, ngày nào bà con cũng đến sinh hoạt văn nghệ, chuyện trò nên chưa thu dọn” - ông Thành giải thích.

Rồi ông Thành hào hứng chia sẻ: “Có NVH vui thế đấy chị ạ! Tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt, bà con phấn chấn đón năm mới, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, hy vọng một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, mọi điều như ý. Là NVH đầu tiên của xã được xây dựng bằng 100% nguồn xã hội hóa nên bà con trong thôn rất tự hào”.

Chỉ tay lên tấm bảng to treo cuối hội trường, ông Thành khoe: “Tình đoàn kết thể hiện ở đây chị này. Ngoài tiền mỗi hộ đóng góp thì hầu như hộ nào cũng ủng hộ thêm, có hộ tính ra ngót nghét 20 triệu đồng”.

Toại nguyện ước mơ “3 đủ”

Với thôn Đồng Nếp, niềm vui có NVH thật khó diễn tả. Chỉ biết rằng, từ hôm bắt đầu xây dựng NVH đến khi khánh thành, hầu như hôm nào bà con trong thôn cũng tự nguyện đóng góp lương thực, thực phẩm: nhà thì cân gạo, nhà thì con gà, nhà thì con vịt, nhà thì con cá, nhà thì rau xanh... để cùng nấu cơm ăn chung ngay tại công trường. Mặc dù đã đi vào hoạt động được hơn 2 năm nhưng 45 hộ dân với gần 200 nhân khẩu của Đồng Nếp vẫn chưa quên cái ngày người dân cả thôn phấn khởi chứng kiến và làm lễ động thổ xây dựng NVH. Là người được tín nhiệm chọn đặt gạch trong lễ động thổ, ông Cao Văn Đạt năm nay đã 83 tuổi hồ hởi:

- Vui lắm cô ạ! Ước mơ có NVH thôn từ lâu đến nay đã toại nguyện. Đây, cô thấy đấy, bàn ghế, phông bạt, tăng âm, loa đài, quạt điện đến bát đĩa, ấm chén... toàn bộ được người dân mua và mang đến ủng hộ! Riêng quạt điện, giờ chúng tôi không sử dụng hết. Bây giờ, NVH của chúng tôi đã có “3 đủ”: đủ không gian sinh hoạt cộng đồng, đủ cơ sở vật chất, đủ tình đoàn kết.

Đúng như lời ông Đạt nói, nhờ có “3 đủ” mà ngày nào sân NVH cũng sôi động các hoạt động thể dục, thể thao. Buổi chiều thì đám thanh niên chơi bóng chuyền da, cầu lông; buổi tối thì chị em phụ nữ, các ông trung tuổi chơi bóng chuyền hơi.

- Có nơi chơi thể thao vừa vui vẻ vừa khỏe người mà bà con cũng gần gũi nhau hơn, chia sẻ mọi công việc đồng ruộng, cách nuôi con lợn cho tốt, cách chăm sóc cây ăn quả... Tất cả được thế này là dựa vào tình đoàn kết của bà con cả đấy cô ạ! - bà Nguyễn Thị Minh - Bí thư Chi bộ thôn Đồng Nếp khẳng định.

NVH thôn Đồng Nếp được xây dựng bằng 100% nguồn vốn xã hội hóa của người dân với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng. Trong đó, người dân đóng góp 1,6 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, mỗi cá nhân ủng hộ thêm từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng tiền mặt.

Chủ thể xây dựng nông thôn mới

 

Ông Nguyễn Trung Thành giới thiệu danh sách các hộ dân tự nguyện góp tiền xây Nhà văn hóa thôn Cát Lem. 

Hiện nay, 15/15 thôn của xã Đại Minh đã có NVH. Tất cả các NVH đều được quy hoạch phù hợp với các khu dân cư, có diện tích từ 300 - 500 m2. Điều đặc biệt trong tổng số 15 NVH, có đến 7 nhà do nhân dân tự nguyện đóng góp, trị giá trên 2,1 tỷ đồng, hiến đất để xây dựng NVH là gần 1.200 m2.

Bà Nguyễn Thanh Huyền - Bí thư Đảng ủy xã Đại Minh cho biết: “Phong trào xây dựng NVH thôn, nhất là bằng 100% nguồn xã hội hóa ở địa phương thời gian qua rất hiệu quả nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đã khơi dậy và phát huy tốt vai trò của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đặc biệt đã phát huy được tinh thần đoàn kết trong toàn thể nhân dân. Một khi NVH trở thành mục tiêu, được mọi người quan tâm, có trách nhiệm thì nó sẽ trở thành động lực, sức mạnh tổng hợp cả về trí lực, vật lực, làm cho hệ thống thiết chế văn hóa không ngừng phát triển về số lượng lẫn chất lượng”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những người dân chính là chủ thể. Khi những người nông dân chân lấm tay bùn ở xã thuần nông nằm bên dòng sông Chảy tự nguyện đóng góp tiền của, công sức, đất đai, cùng nhau đoàn kết xây dựng NVH cho thấy, họ đã nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chung sức xây dựng nông thôn mới. Chính họ đang nuôi dưỡng, duy trì và phát triển những nét đẹp văn hóa vốn là truyền thống quý báu của dân tộc trong chính ngôi nhà họ đã xây nên bằng tình đoàn kết.

Hồng Duyên 

Các tin khác
Nông Văn Phấn (thứ hai bên trái) giới thiệu với cán bộ Huyện đoàn Lục Yên và Đoàn xã Mường Lai về kỹ thuật nuôi thỏ.

YBĐT - Tôi đã từng gặp rất nhiều triệu phú trẻ và biết không ít những tấm gương thanh niên nghèo vượt khó, quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng bằng sức lao động của chính mình, nhưng phải đến khi gặp Nông Văn Phấn tại thôn Thâm Bưa, xã Mường Lai, huyện Lục Yên tôi mới thực sự thấm thía câu nói “có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Làng bản Lìm Mông thanh bình.

YBĐT - Con đường ngược núi vào Lìm Mông trước lún thụt đất đá là thế mà nay đã rộng mở thênh thang. Những em nhỏ người Mông đi học về tung tăng chiếc cặp trên tay, đùa nhau ríu rít. Những cô gái Mông duyên dáng trong trang phục với những gam màu nhiều họa tiết, đôi má ửng hồng cười vui, sau lưng là những gùi ngô, thực phẩm để chuẩn bị đón tết.

Anh Phạm Văn Thắng nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2016 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

YBĐT -   Thành lập 18 năm nay, Câu lạc bộ Trang trại Thanh niên thị trấn Nông trường Trần Phú năm 2016 nguyên cây cam, các thành viên thu xấp xỉ một ngàn tấn, tính rẻ cũng có hơn 5 tỷ đồng. Là Bí thư Đoàn thị trấn kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Phạm Văn Thắng chính là gương mặt duy nhất của tỉnh Yên Bái giành Giải thưởng Lương Định Của năm 2016 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

Lũ trẻ tung tăng trên con đường bê tông về bản.

YBĐT - Những câu chuyện về một Làng Lao xa tít, biệt lập với thế giới bên ngoài và căn bệnh lạ, chuyện chạy “ma” mùa nứa khuy ở thôn người Mông xa nhất, khó khăn nhất xã Cát Thịnh, mới đó vài chục năm thôi mà giờ đã nghe như cổ tích. Người Mông thôn Làng Lao đã thực sự đổi đời từ sau cuộc “cách mạng” hạ sơn năm 2011 của huyện Văn Chấn. Cuộc sống đang hồi sinh nơi bản định cư mới và cuộc đời bao người Mông ở Làng Lao cũng đổi thay từ đây...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục