Đồng chí Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Thị xã thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách vùng dân tộc, nắm chắc diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng và giải quyết tốt những vấn đề bức xúc, nảy sinh trong đời sống của đồng bào dân tộc ngay từ cơ sở; đồng thời chủ động phát huy và khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương; phát huy có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án; đầu tư có trọng điểm, có chiều sâu, giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu”.
Thương mại dịch vụ, du lịch tiếp tục được Nghĩa Lộ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng trên 60%. Trong những qua năm, hoạt động du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục phát triển.
Từ chỗ lúc đầu chỉ có 1 vài hộ người Thái làm du lịch cộng đồng, đến nay, trên địa bàn đã có trên 20 hộ cả người Kinh và người Thái làm du lịch cộng đồng.
Tiêu biểu như xã Nghĩa An có hộ bà Hoàng Thị Phượng dân tộc Mường, ông Lường Văn Mộc dân tộc Thái, ông Lường Thanh Cương dân tộc Thái, ông Hà Văn Hồng dân tộc Thái, bà Hoàng Thị Dược dân tộc Thái, ông Chu Văn Dậu dân tộc Thái; xã Nghĩa Lợi có hộ bà Hoàng Thị Loan dân tộc Thái, bà Lường Thị Hồng Chung dân tộc Thái, ông Lò Văn Bình dân tộc Thái, bà Hoàng Thị Quyết dân tộc Thái, ông Điêu Văn Ngọc dân tộc Thái, bà Trần Thị Thái dân tộc Kinh; phường Tân An có hộ bà Phạm Thị Tuyết dân tộc Kinh; phường Pú Trạng có bà Trần Thị Nghĩa dân tộc Kinh...
Từ chỗ chưa có bản văn hóa nào, đến nay đã quy hoạch xây dựng 2 bản văn hóa là bản Đêu 4 và bản Xà Rèn. Hoạt động thương mại dịch vụ của thị xã ngày càng phát triển mạnh mẽ, hoạt động du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc được nhiều du khách yêu thích tìm hiểu, khám phá.
Hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở được thị xã đầu tư xây dựng khang trang đã giảm bớt những khó khăn cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, trường lớp học, y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường, hệ thống thông tin xã... với tổng nguồn vốn 5 năm gần đây đạt trên 60 tỷ đồng; trong đó: Nhà nước đầu tư gần 50 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 300 hộ, 30 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ máy móc nông cụ sản xuất theo Quyết định 775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí trên 550 triệu đồng. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa, Nghĩa Lộ đã vận động nhân dân tự giải phóng mặt bằng, đóng góp trên 5 nghìn ngày công, hiến trên 5 ha đất, hàng nghìn cây ăn quả, cây xanh có giá trị kinh tế để làm đường giao thông, xây dựng kênh mương, trường học, nhà văn hóa...
Tiêu biểu là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phanh dân tộc Thái, hộ ông Lò Văn Thương dân tộc Thái xã Nghĩa Lợi; hộ ông Hà Văn Oai dân tộc Thái, hộ bà Hà Thị Chiến dân tộc Thái, hộ bà Bùi Thị Nghĩa dân tộc Mường, hộ ông Đồng Văn Quyết dân tộc Thái, hộ bà Lường Thị Pụa dân tộc Thái xã Nghĩa An; hộ ông Đinh Công Ích dân tộc Mường, hộ ông Lò Văn Thanh dân tộc Thái, hộ ông Hà Văn Dim dân tộc Tày xã Nghĩa Phúc.
Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ có 7 đơn vị hành chính, dân số gần 3 vạn người; có 71 tổ dân phố, thôn, bản với 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, 59% là đồng bào DTTS. Trong đó: dân tộc Thái 48%, dân tộc Kinh 41%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác: Mường, Tày, Nùng, Dao, Khơ Mú.... Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được quan tâm, thị xã giảm bình quân mỗi năm 4% hộ nghèo... |
Thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là những công trình trọng điểm, kết cấu hạ tầng và đường giao thông khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, du lịch bản sắc, khôi phục ngành nghề truyền thống, hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo lao động, cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, giúp đỡ các xã, phường chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm dần số lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội, trọng tâm là thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc thù gắn với phát triển du lịch; phát triển du lịch cộng đồng do chính các hộ dân người DTTS thực hiện, kết nối tuor, tuyến du lịch trong vùng, trong tỉnh, xây dựng mô hình du lịch mang bản sắc của vùng Mường Lò...
Thành Trung