Bước tiến mới trong cải cách tư pháp ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/1/2016 | 8:16:50 PM
YBĐT - Sau 10 năm triển khai, nhiều nội dung của Chiến lược CCTP đã được Ban chỉ đạo CCTP tỉnh Yên Bái tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả quan trọng.
Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh (thứ ba, phải sang) trao đổi công tác cải cách tư pháp với các hội viên Hội Luật gia tỉnh Yên Bái.
|
Chủ trương cải cách tư pháp (CCTP) đã được đề ra từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, đến nay tiếp tục được quán triệt trong Nghị quyết Đại hội Đảng các khóa VIII, IX, X, XI và nhiều nghị quyết chuyên đề về CCTP của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Đặc biệt, ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 49NQ/TW về Chiến lược CCTP đến năm 2020.
Sau 10 năm triển khai, nhiều nội dung của Chiến lược CCTP đã được Ban chỉ đạo CCTP tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, nhân dân về vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và sự cần thiết của việc đẩy mạnh CCTP đã được nâng lên một bước đáng kể.
Hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tư pháp bước đầu được hoàn thiện, đặc biệt, từ khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua, nguyên tắc “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” đã được quán triệt trong quá trình hoàn thiện thể chế tư pháp; các Bộ luật Hình sự, Dân sự; Tố tụng Hình sự, Tố tụng Dân sự; Luật Tổ chức và hoạt động Điều tra hình sự, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Thi hành án Hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Thi hành án Dân sự đã và đang được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện theo hướng tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; tạo điều kiện để người dân tiếp cận công lý tốt hơn.
Trên địa bàn tỉnh đã có Trung tâm Trợ giúp pháp lý (thuộc Sở Tư pháp) tổ chức tốt các hoạt động trợ giúp pháp lý, trợ giúp pháp lý lưu động, cử trợ giúp viên, luật sư tham gia tố tụng. Đồng thời, tăng cường cơ chế trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người thuộc diện đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số theo Luật Trợ giúp pháp lý.
Dịch vụ công chứng phát triển khá với 3 văn phòng công chứng đăng ký hoạt động theo pháp luật. Đoàn luật sư tỉnh có 10 luật sư hoạt động đúng quy định tại 6 văn phòng luật sư và tích cực tham gia quá trình tố tụng, bào chữa trong các phiên tòa bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân. Những đổi mới này đã thúc đẩy việc mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng các dịch vụ pháp luật, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của cá nhân, tổ chức trong chấp hành pháp luật.
Đồng thời, góp phần hỗ trợ các cơ quan tư pháp tăng cường dân chủ, nghiêm minh, công khai, minh bạch trong hoạt động, giảm tải dần công việc, biên chế và chi phí hành chính của các cơ quan Nhà nước liên quan, phù hợp với yêu cầu CCTP, cải cách hành chính.
Hệ thống tổ chức các cơ quan tư pháp, nhất là hệ thống tổ chức của Tòa án, Viện Kiểm sát đã được củng cố; các cơ quan điều tra, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự các cấp được kiện toàn; hoạt động bổ trợ tư pháp, giám định tư pháp, hành chính tư pháp được tăng cường; công tác đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, kỹ năng hoạt động và đạo đức nghề nghiệp được chú trọng; chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp được nâng lên một bước đáng kể, đáp ứng yêu cầu CCTP và nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với hoạt động tư pháp được tăng cường. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và chế độ chính sách đối với tổ chức và người hoạt động tư pháp được Nhà nước quan tâm và đáp ứng ở mức đáng kể, đảm bảo cho việc thực hiện Chiến lược CCTP đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tính độc lập, tuân thủ pháp luật của các cơ quan tư pháp nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và các hoạt động bổ trợ tư pháp ở tỉnh Yên Bái đã có bước phát triển đáng kể.
Từ năm 2011 đến nay, cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh điều tra, xử lý các loại tội phạm bảo đảm đúng quy định pháp luật. Tỷ lệ điều tra khám phá án đạt trung bình 89%, trong đó tỷ lệ điều tra khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 98%.
Hầu hết các vụ án mạng điều tra, khám phá nhanh, được Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao.
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án hình sự đã ra quyết định truy tố trên 1.900 vụ án, trong đó, số đã giải quyết đạt trên 90%, số truy tố và đề nghị xét xử đạt từ 95% trở lên.
Tòa án nhân dân hai cấp đã giải quyết 7.991 vụ việc các loại, từng bước mở rộng việc tranh tụng tại phiên tòa, tổ chức được 478 phiên tòa lưu động.
Thi hành án dân sự các cấp thụ lý, giải quyết trên 15.000 vụ việc, tỷ lệ giải quyết xong đạt 95%. Hoạt động của luật sư và trợ giúp viên pháp lý được tăng cường; quyền của luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong các hoạt động tố tụng được bảo đảm, chất lượng tranh tụng tại các phiên xét xử được nâng lên đáng kể.
Công tác đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị được đẩy mạnh, góp phần tích cực vào quá trình chuẩn hóa từng bước đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên cũng như những người hành nghề luật sư, công chứng cả về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tư pháp.
Những kết quả đạt được trong CCTP đã tạo tiền đề thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm CCTP năm 2016 và các năm tiếp theo là: tiếp tục phổ biến, quán triệt các quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước về CCTP đến năm 2020. Triển khai học tập, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật mới về hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; bảo đảm thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động tư pháp và quy định của Hiến pháp năm 2013.
Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trong công tác tư pháp. Tổ chức thực hiện tốt chương trình giám sát hoạt động tư pháp của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác tư pháp. Hoàn thiện các chế định luật sư, bổ trợ tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với cơ quan tư pháp.
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCTP ở địa phương, trọng tâm là quá trình hoàn thiện và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp mới ban hành; hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử và vai trò giám sát của nhân dân đối với cơ quan tư pháp; phổ biến, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích trong CCTP ở địa phương.
Nhiệm vụ trọng tâm CCTP giai đoạn 2016 - 2020 của Ban chỉ đạo CCTP trung ương: Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP; chỉ đạo nghiên cứu cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến việc tổ chức thực hiện quyền tư pháp của TAND; khẩn trương quán triệt, hướng dẫn triển khai thi hành các luật, bộ luật về tổ chức, hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua. Hoàn thiện rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp; hoàn thiện chế định luật sư và bổ trợ tư pháp. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với cơ quan tư pháp. Tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp; bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp... |
Quỳnh Nga
Các tin khác
YBĐT - Các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn đã niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại trụ sở làm việc để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu, thực hiện.
Bộ Tài chính vừa có quyết định công bố thủ tục hành chính mới/thủ tục hành chính thay thế/thủ tục hành chính bãi bỏ/thủ tục hành chính giữ nguyên trong lĩnh vực hải quan thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, gồm 167 thủ tục hành chính.
YBĐT - Thực hiện cải cách hành chính (CCHC), năm 2015, một trong những nội dung Yên Bái đẩy mạnh là việc sắp xếp bộ máy cơ quan quản lý nhà nước, coi đây là một khâu đột phá trong CCHC.
YBĐT - Bảo hiểm xã hội (BHXH) là cơ quan thường xuyên có các hoạt động tiếp xúc, giao dịch với tổ chức và cá nhân tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Vì vậy, công tác cải cách hành chính (CCHC) được đơn vị đặc biệt quan tâm.