Tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại
- Cập nhật: Chủ nhật, 15/11/2015 | 11:55:15 AM
Dự thảo Báo cáo Chính trị viết: “Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã không đạt được” (mục 1, phần “I. Đánh giá tổng quát...”).
Nhiều tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 đã không đạt được.
|
Qua đó, đối chiếu với thực tế cho thấy có 2 vấn đề lớn:
Một là, mục tiêu ấy đã được đề ra suốt mười năm qua (qua hai kỳ Đại hội Đảng và vẫn được nhấn mạnh tại những kỳ họp của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI). Xin kiến nghị việc tiếp tục kiểm điểm sâu sắc về vấn đề này.
Trong một bài viết vào năm 2009, chúng tôi có so sánh giữa hai nền kinh tế VN và Malaysia. Người Malaysia đã có một nền công nghiệp và dịch vụ khá vững vàng và thu nhập bình quân tính theo đầu người gấp 4 lần chúng ta vào thời điểm khi hai nước cùng đề ra mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Có thể khẳng định rằng dù nhịp độ tăng trưởng không bị chậm lại, chúng ta vẫn còn phải làm rất nhiều việc, vượt qua rất nhiều thử thách để đạt được mục tiêu chừng như duy ý chí ấy.
Hai là, mục tiêu được đề ra nhưng chưa có nội dung đề cập cụ thể đến những tiêu chí, tiêu chuẩn cho mục tiêu ấy - một quốc gia “công nghiệp theo hướng hiện đại”. Cần có các tiêu chí phấn đấu để toàn Đảng, toàn dân được nhận thức rõ và giám sát việc thực hiện. Chính Dự thảo Báo cáo Chính trị cũng đã nêu ra việc phải: “Xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (mục 2, phần “III. Đổi mới mô hình tăng trưởng....”).
Trong mục 2, phần “II. Mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát...” có đoạn: “Xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Thay vì “đến năm 2020” thì bây giờ là “sớm”. “Sớm” là một khái niệm co giãn cho phép một dư địa thời gian không xác định (và có thể tùy hiểu) khác với thời điểm cụ thể “đến năm 2020”. Do vậy, cũng cần có thêm nội dung giải thích việc này.
Dự thảo Báo cáo Chính trị viết: “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế, năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ” (mục 2, phần “I. Đánh giá tổng quát ...”). Vấn đề “đổi mới chính trị chưa đồng bộ” hoặc “chưa theo kịp với đổi mới kinh tế” đã được nêu ra lần đầu cách đây gần 10 năm, tại Đại hội Đảng lần thứ X, cho thấy được sự cần thiết phải đổi mới về mặt chính trị, nhất là khi sự hội nhập của VN ngày càng sâu, càng rộng vào cộng đồng quốc tế. Rất hoan nghênh chúng ta đã tích cực tham gia vào việc hình thành “Cộng đồng kinh tế ASEAN” (AEC) cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mặt khác, sự hội nhập sâu này cho phép và buộc chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn cả về mặt kinh tế và chính trị. Kinh tế quyết định, điều đó đã rõ. Chúng ta đã nói và làm được nhiều việc trong đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế thì cũng không nên ngại nói về đổi mới chính trị. Sự đổi mới hệ trọng ấy như thế nào và làm thế nào để đổi mới thì thiết nghĩ đó là việc cần được đem ra thảo luận kỹ tại Đại hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng.
(Theo TNO)
Các tin khác
YBĐT - Góp ý vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, nhiều đảng viên trong tỉnh Yên Bái đã nhiệt tình hưởng ứng. Sau đây là một số ý kiến tham gia vào Dự thảo:
YBĐT - Góp ý vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, đồng chí Nguyễn Trung Hiếu - Bí thư Đảng ủy xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình tham gia như sau:
YBĐT - Đó là ý kiến đóng góp vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, đồng chí Trịnh Thế Bình - Chánh văn phòng Huyện ủy Mù Cang Chải. Sau đây là nội dung ý kiến đóng góp.
68 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã bầu được 3.504 cấp ủy viên khóa mới, tỷ lệ cấp ủy là người dân tộc và nữ đều tăng so với nhiệm kỳ trước.