Hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Yên Bình lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Yên Bình: Tự hào truyền thống, vững bước tương lai

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/6/2020 | 8:06:21 AM

YênBái - Trong không khí phấn khởi, tin tưởng vào đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình không khỏi tự hào trước những thành tựu và bước trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của Đảng bộ trong suốt 73 năm qua kể từ ngày thành lập (20/6/1947 - 20/6/2020).

Bí thư Huyện ủy Đoàn Hữu Phung (thứ 3 từ phải sang) trao đổi với cán bộ, đảng viên xã Đại Đồng, huyện Yên Bình.
Bí thư Huyện ủy Đoàn Hữu Phung (thứ 3 từ phải sang) trao đổi với cán bộ, đảng viên xã Đại Đồng, huyện Yên Bình.

Truyền thống hào hùng

Lật giở từng trang vàng lịch sử của Đảng bộ huyện Yên Bình là bấy nhiêu sự kiện cùng những thành tựu nổi bật. Chi bộ xã An Vinh (sau đổi tên là Chi bộ Bình Mục) gồm 22 đảng viên là chi bộ đảng đầu tiên của huyện Yên Bình. Sự phát triển của Chi bộ Bình Mục và một số chi bộ vùng thượng huyện sau đó đã trở thành cơ sở quan trọng để Tỉnh ủy quyết định thành lập Đảng bộ huyện Yên Bình vào ngày 20/6/1947. 

Đây là một bước ngoặt trọng đại đối với phong trào cách mạng địa phương lúc bấy giờ, đưa phong trào cách mạng của huyện hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc, hướng theo mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 

Trải qua muôn vàn khó khăn thử thách từ khi mới thành lập, song với ý chí quật cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ huyện Yên Bình đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền, xây dựng hậu phương vững mạnh, cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. 

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, huyện Yên Bình đã đóng góp trên 2.000 dân công tham gia mở con đường Uông từ chợ Đồng ra Km10, đảm bảo bí mật an toàn và rút ngắn đường ra mặt trận phục vụ kháng chiến. Đồng thời, huy động trên 20 tấn thực phẩm, 1.200 tấn thóc vận chuyển ra tiền tuyến, góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Tiếp đó là cuộc cách mạng trên đồng ruộng, đẩy lùi nạn đói kinh niên, tạo tiền đề cho một nền sản xuất mới hình thành trên địa bàn huyện Yên Bình diễn ra vào năm 1956 - 1957 và cuộc "đại chuyển dân” với gần 2 vạn dân của 37/39 xã sang vùng quê mới, gần 3.000/ 5.000 ha ruộng nước vốn được coi là "bờ xôi, ruộng mật” và nhiều công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc bị chìm sâu dưới lòng hồ để nhường chỗ cho thi công công trình thủy điện Thác Bà - cánh chim đầu đàn của thủy điện Việt Nam - một công trình trọng điểm để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội đã tiếp tục khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ huyện. 

Đến quê mới, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tích cực xây dựng nhà cửa, khai hoang ruộng nước, tăng gia sản xuất, ổn định đời sống. Với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ đã đề ra được các giải pháp đúng đắn lãnh đạo nhân dân vừa chiến đấu, vừa sản xuất, góp sức đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ cũng như tích cực chi viện cho cách mạng miền Nam giành được thắng lợi hoàn toàn, thống nhất Tổ quốc bằng chiến dịch lịch sử mùa xuân năm 1975. 

Thành tựu và niềm tin trên chặng đường mới

Hòa bình lập lại, non sông thu về một mối, Yên Bình có 7 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, gần 600 liệt sỹ, 351 thương binh. Huyện Yên Bình, xã Yên Bình và Nhà máy Thủy điện Thác Bà (nay là Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà) được phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; gần 6.000 tập thể, cá nhân được trao, truy tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba... 

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Đảng bộ, nhân dân huyện Yên Bình đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, sáng tạo, không ngừng đổi mới trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. 

Tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với Chủ đề: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát triển công nghiệp, khai thác tiềm năng vùng hồ Thác Bà, xây dựng huyện Yên Bình phát triển toàn diện”. 

Hôm nay, những mục tiêu ấy đã và đang trở thành hiện thực. Dễ nhìn thấy diện mạo khang trang và đầy sức sống mới của Yên Bình qua hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, từ điện, đường, trường, trạm cho tới nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa ngày càng được hoàn thiện đã góp phần trực tiếp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. 

Nhiều mô hình sản xuất, cách làm kinh tế hay, mới đã giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu. Đến nay, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 18,8%, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 36 triệu đồng. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản. Ước năm 2020, tỷ trọng giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm 51,3%, tăng 6,9%; dịch vụ 24,45%; nông - lâm nghiệp, thủy sản 24,3% giảm 7,4% so với năm 2015. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 ước đạt 300 tỷ đồng, vượt 25% mục tiêu Nghị quyết, tăng gấp 2,4 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm trên 4% trở lên. 

Sự nghiệp giáo dục được quan tâm đúng mức; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện ngày càng tốt hơn, các chương trình y tế quốc gia được triển khai đầy đủ và có hiệu quả, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… 

Hệ thống chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn được củng cố, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả. Song song với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được huyện triển khai quyết liệt, đồng bộ. Những nét phác họa về sự phát triển của huyện trong thời gian qua minh chứng Yên Bình đã thực sự đổi thay. 

Đó chính là kết tinh của bao mồ hôi, công sức mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện trong suốt thời gian xây dựng và phát triển. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh sống động của mảnh đất cửa ngõ đang từng ngày vươn mình trỗi dậy. 

Bí thư Huyện ủy Yên Bình, Đoàn Hữu Phung cho biết: "73 năm với 22 kỳ Đại hội, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện của tỉnh, đạt nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội. 

Yên Bình hôm nay đã, đang và sẽ nối tiếp truyền thống anh hùng cách mạng, vững vàng vươn lên phát triển mạnh mẽ, viết tiếp trang sử vẻ vang trong thời kỳ đổi mới, thực hiện nghiêm túc phương châm kế thừa, ổn định, sáng tạo và phát triển với tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, Đảng bộ huyện tiếp tục chú trọng xây dựng đảng bộ vững mạnh trên cả ba mặt: tư tưởng, chính trị và tổ chức; khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững gắn với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong đó chú trọng triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá và 5 chương trình, dự án trọng điểm, phấn đấu xây dựng huyện Yên Bình sớm trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh”. 

Các kỳ đại hội Đảng bộ huyện Yên Bình

- Đại hội lần thứ I diễn ra tháng 11/1947 với sự tham dự của 27 đại biểu thay mặt cho 67 đảng viên của 4 chi bộ cơ sở.

- Đại hội lần thứ II, lần thứ III lần lượt diễn ra vào tháng 6/1949 và tháng 6/1951 với nhiều tổ chức cơ sở đảng được thành lập.

- Trong các kỳ Đại hội từ lần thứ IV- XII đã tập trung củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công tác cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

- Đại hội lần thứ XIII, XIV, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân từng bước vượt qua khó khăn để bước vào thực hiện công cuộc đổi mới quê hương, đất nước.

- Đại hội lần thứ XV, XVI diễn ra từ năm 1986-1989 đã khắc phục những khó khăn còn tồn tại trên mọi mặt công tác.

- Đại hội lần thứ XVII tổ chức tháng 12/1991 đề ra phương hướng chung cho giai đoạn 1991-1995.

- Đại hội lần thứ XVIII diễn ra tháng 3/1996, đã xây dựng phương hướng, giải pháp đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển đến năm 2000. 

- Đại hội lần thứ XIX diễn ra tháng 11/2000 với quyết tâm chính trị cao ngay khi bước vào thế kỷ mới. 

- Đại hội lần thứ XX vào tháng 10/2005, đề ra mục tiêu đưa Yên Bình sớm trở thành một trong những huyện phát triển nhất của tỉnh.

- Đại hội lần thứ XXI diễn ra tháng 8/2010 xác định mục tiêu đưa Yên Bình trở thành huyện phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh.

- Tháng 7/2015, Đại hội lần thứ XXII đề ra mục tiêu phát triển của huyện giai đoạn 2015 - 2020, phấn đấu xây dựng Yên Bình phát triển toàn diện. 

Thanh Chi

Tags Yên Bình

Các tin khác
Lãnh đạo xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên kiểm tra mô hình trồng cam sành của hội viên Hội Cựu chiến binh xã.

Giai đoạn 2019 - 2020, toàn huyện có 198 mô hình tập thể, 106 mô hình cá nhân tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra công trình đường giao thông nông thôn tại xã Đại Đồng.

Bên cạnh việc đẩy mạnh bê tông hóa giao thông nông thôn, huyện cũng tập trung nguồn lực đầu tư vào các công trình thủy lợi, giao thông đường thủy.

Sáng 12/6, Thị ủy Nghĩa Lộ đã tổ chức Hội nghị đánh giá tiến độ công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Ảnh minh họa

Ngay sau khi Báo Yên Bái đăng tải Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã có nhiều ý kiến của ccas tầng lớp nhân dân tham gia. Sau đây là một số ý kiến của các doanh nghiệp, doanh nhân góp ý vào Dự thảo:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục