Về miền du lịch tâm linh
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 5:25:09 PM
YBĐT - Là tỉnh miền núi có nhiều tiềm năng về du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh, những năm qua, Yên Bái đã đặc biệt quan tâm tới công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa vật thể, tạo điểm nhấn trong hoạt động du lịch tâm linh, ngày càng thu hút du khách thập phương mỗi độ tết đến xuân về.
Lễ Thượng Nguyên ở đền Tuần Quán.
|
Đền Tuần Quán tọa lạc tại bờ phải cửa ngòi Tuần Quán chảy ra tả ngạn sông Hồng thuộc tổ Bách Lẫm, phường Yên Ninh thành phố Yên Bái. Theo sách Hưng Hoá Phong Thổ Lục triều Lê và Đại Nam Nhất thống chí triều Nguyễn thì đền Tuần Quán có tên gọi "Đền thần Diệp Phu Nhân Bách Lẫm".
Từ cuối thế kỷ 19 đến nay, đền chính thức có tên là "Đền Tuần Quán". Vào mùa xuân, đền Tuần Quán tổ chức lễ Thượng Nguyên 15/1 (âm lịch). Ngày 3/3 (âm lịch) - chính tiệc, còn gọi là Hội mẹ.
Vào mùa hạ, ngày 15/5 (âm lịch), đền tổ chức lễ giỗ quan lớn Tuần Chanh (tiệc vừa). Mùa thu, có tiệc Đức Thánh Trần, còn gọi tiệc Cha ngày 20/8 (âm lịch) và mùa đông có lễ tất niên 25/12 (âm lịch). Hiện nay, lễ tiết vẫn như trước nhưng lễ hội có điều kiện triển khai phong phú. Hàng năm, đền thu hút nhiều khách nội tỉnh và các tỉnh, thành khác trong cả nước đến chiêm bái.
Chùa Ngọc Am - từ khi hình thành, chùa đón nhận cùng lúc hai tên: nhân dân nói chung và phật tử nói riêng thường dùng tên dân gian để đặt cho ngôi chùa thiêng kính của mình là "Chùa Am"; còn nhà chùa, sư, tiểu và thầy cung văn lại sử dụng pháp danh "Tùng Lâm Tự" một cách trân trọng. Ngày xuất sinh, chùa tọa lạc bên bờ sông Hồng, phía Tây làng Yên Bái thuộc tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, phủ Yên Hóa, tỉnh Hưng Hóa.
Hiện nay, chùa vẫn ở nơi cũ nhưng mang tên địa điểm mới: phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. Chùa Ngọc Am được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật tôn giáo theo Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 6/2/2007 của UBND tỉnh Yên Bái.
Du khách tới chiêm bái ở chùa Ngọc Am.
Đền Đông Cuông là một trong hai đền lớn ở thượng lưu sông Hồng, đã tồn tại từ lâu đời, tọa lạc tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đền có khuôn viên lý tưởng: tiền diện là sông Hồng và nản đá Ghềnh Ngai, sau lưng là đồng ruộng xen đồi bát úp. Ngoài tuần rằm, mùng một, tứ thời bát tiết, đền Đông Cuông có hai lễ chính: ngày Mão tháng Giêng mổ trâu trắng, ngày Mão tháng Chín mổ trâu đen.
Ngày 3/2/2009, đền Đông Cuông đã đón nhận bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Có vị trí lý tưởng, thuận tiện về giao thông, đền Đông Cuông ngày càng hấp dẫn du khách thập phương mỗi độ xuân về.
Lễ rước Mẫu ở đền Đông Cuông.
Đền Thác Bà còn gọi là đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số 701/2004 QĐ-UB ngày 28/12/2004 của UBND tỉnh. Khi chưa có Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, đền Thác Bà định vị tại điểm cân bằng phía đông xã Minh Phú, huyện Yên Bình, cách thị trấn huyện lỵ cũ 15 km và cách thành phố Yên Bái 35 km về phía Đông Nam.
Hiện nay, nhìn về xuôi, đền Thác Bà tọa lạc bên hữu ngạn sông Chảy. Thế đứng của đền vừa hứng thụ khí địa linh ứng của trời đất, vừa tiếp đón khách thập phương chiêm bái thuận tiện. Đầu năm, ngày 8 và 9 thángGiêng (âm lịch), đền Thác Bà tổ chức tiệc mẫu; cuối năm, lễ thường vào ngày 10/10 (âm lịch).
Một nghi lễ trong Lễ hội đền Mẫu Thác Bà.
Đền Đại Cại là một trong chuỗi hạt di sản văn hoá Hắc Y - Đại Cại quý giá. Đền nằm trên địa phận thôn Sâng, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Đền Đại Cại thờ Phật và chư thánh như nhiều đền khác. Riêng tiệc Chúa bà Vũ Thị Ỏn và hai bà Hầu ấn định vào ngày 25/2 (âm lịch) hàng năm.
Cách thành phố Yên Bái 73 km theo đường bộ Yên Bái - Lục Yên, cách thị trấn huyện lỵ Lục Yên 11 km theo đường Lục Yên - Yên Bái, có vị trí thuận lợi cho du khách ghé thăm. Đến chiêm bái đền Đại Cại, khách hành hương sẽ được ngắm cảnh sơn lâm hùng vĩ, tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán bản địa. Nhiều điều vừa bí ẩn, vừa mới mẻ của quần thể di tích Hắc Y - Đại Cại đang chờ du khách khám phá.
Rước lễ trong Lễ hội đền Đại Cại (Lục Yên).
Thành Trung - Minh Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Nằm hiền hòa bên dòng suối Ngòi Nhì, Bản Hốc xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn từ lâu đã được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến là điểm du lịch văn hóa cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc.
YBĐT - Chỉ mới mở cửa đón khách được khoảng 10 ngày nhưng trảng hoa tam giác mạch của gia đình anh Vàng A Khua, thôn Bản Mới, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã đón tới trên 20.000 lượt khách trong tỉnh cũng như các tỉnh Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ... đến tham quan, thưởng ngoạn.
YBĐT - Những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất Yên Bái đều cảm thấy hài lòng bởi những trải nghiệm ấn tượng nơi mảnh đất đa sắc màu văn hóa này. Phải chăng, thiên nhiên, nét độc đáo trong văn hóa của các dân tộc cùng sự chân chất, nồng hậu mến khách của những con người nơi đây chính là sức hút đưa chân nhiều du khách đến với mảnh đất cửa ngõ miền Tây Bắc Tổ quốc?
YBĐT - Đến với Mù Cang Chải vào mùa gặt, bạn không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên ngút ngàn hay thả hồn trên những triền ruộng bậc thang tít tắp đến tận lưng trời mà còn được tham dự, tìm hiểu lễ cúng cơm mới của người Mông. Lễ cúng cơm mới tiếng Mông gọi là “Nào máo blề xa”. Đây là nghi lễ nhằm cảm ơn tổ tiên, trời đất cho mưa thuận gió hòa, tránh được dịch bệnh, gia đình có được vụ mùa bội thu, cả năm no đủ, mọi người khỏe mạnh...