Bản sắc Mường Lò hấp dẫn du khách
- Cập nhật: Thứ năm, 1/9/2016 | 8:38:42 AM
YênBái - YBĐT - Ông Renavd cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và cũng lần đầu tiên tôi đến Nghĩa Lộ. Tôi rất thích vì cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, con người thân thiện, chỗ nghỉ sạch sẽ, gia đình tôi rất thích”.
Du khách nước ngoài trải nghiệm chế biến các món ăn ở Mường Lò.
|
Sau chuyến đi bằng xe máy từ Hà Nội lúc sáng sớm, đến 4 giờ chiều, gia đình ông Renavd - du khách người Bỉ đã đặt chân đến điểm du lịch cộng đồng của ông Chu Văn Luật, thôn Đêu 3, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ. Ngỡ ngàng trước không gian bình dị, khác hẳn những khu nghỉ dưỡng sang trọng mà vợ chồng ông từng đến, nhưng gia đình ai cũng thấy vui vẻ, muốn khám phá ngay cảnh đẹp nơi này.
Ông Renavd cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và cũng lần đầu tiên tôi đến Nghĩa Lộ. Tôi rất thích vì cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, con người thân thiện, chỗ nghỉ sạch sẽ, gia đình tôi rất thích”.
Vừa hấp dẫn, lôi cuốn, vừa muốn tìm hiểu những cách chế biến món ăn truyền thống của người Việt, người dân tộc Thái ở trong vùng, cô bé Hortense nhanh chóng cùng cả gia đình bắt tay làm cuốn nem, vịt om. Những món ăn này em chưa từng nhìn thấy, nhưng hôm nay được làm và ăn thử với những gia vị lạ miệng, em cảm thấy rất ngon.
Hortense cho hay: "Em rất thích vì được trải nghiệm thật lý thú. Về nước em sẽ kể lại cho bạn bè về một Việt Nam thân thiện với bao điều mới lạ".
Hầu hết khách du lịch đến với Nghĩa Lộ đều thích trải nghiệm, thăm quan cánh đồng Mường Lò rộng lớn; nghe kể về lịch sử, văn hóa, hay cùng với chủ nhà làm những công việc hàng ngày như: nấu các món ăn truyền thống, quay sợi, dệt vải… Nắm bắt được nhu cầu của du khách, gia đình ông Chu Văn Luật đã đầu tư làm mới nhà cửa, khuôn viên, trang trí không gian nơi nghỉ dưỡng.
Hiện nay, với 12 phòng nghỉ, khu nghỉ dưỡng homestay của gia đình ông có thể đón tiếp khoảng hơn 20 người khách nước ngoài/ngày và từ 40 - 50 khách Việt với giá từ 60 - 70 nghìn/người/ngày. Ngoài ra, ông Luật còn tổ chức nhiều hoạt động tham quan giới thiệu về vùng đất Mường Lò, Nghĩa Lộ; giới thiệu những phong tục, tập quán của đồng bào Thái đen, làm cho du khách rất thích thú.
Ông Laurent Soulié - du khách người Pháp cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam và đó là chuyến đi mơ ước của gia đình tôi. Thông qua Công ty Amica Travel, tôi đã được trải nghiệm một chuyến đi thú vị. Phong cảnh miền núi Tây Bắc thật đẹp. Tôi đã được gặp những người dân rất thân thiện và có cơ hội tìm hiểu phong tục, tập quán Việt Nam”.
Ông Chu Văn Luật chia sẻ: “Gia đình tôi nhiều năm làm du lịch cộng đồng, nhưng chúng tôi luôn chủ động tìm hiểu và học hỏi thêm kinh nghiệm qua nhiều mô hình du lịch cộng đồng ở các địa phương mạnh về du lịch như: Bản Lác, tỉnh Hòa Bình; Mộc Châu, tỉnh Sơn La; Sa Pa, tỉnh Lào Cai… sau đó làm phong phú thêm mô hình của nhà mình. Thời gian gần đây, chúng tôi đã có người dẫn các đoàn du khách đi tìm hiểu phong tục, tập quán, nét sinh hoạt của người Thái đen, Thái trắng trong vùng Mường Lò; chú trọng giới thiệu các di tích lịch sử trên địa bàn để tạo sự hứng thú, kích thích sự khám phá của du khách.
Cùng với các hộ làm du lịch cộng đồng trong bản Xà Rèn, xã Nghĩa Lợi, gia đình bà Hoàng Thị Loan những năm gần đây cũng đã mở rộng quy mô với 8 phòng nghỉ, mỗi tối đón từ 20 - 30 khách Việt và khoảng 10 khách nước ngoài. Một năm, bà Loan trung bình đón khoảng 80 đoàn khách, nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, đã đón 120 đoàn. Bà Loan cho biết: “Mới làm được 2 năm, nhưng nhờ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thực đơn ẩm thực phong phú và nhiều hoạt động trải nghiệm như cùng làm, cùng ăn ở với người bản địa nên gia đình tôi được rất nhiều công ty lữ hành giới thiệu và đưa khách đến”.
Hiện nay, thị xã có 16 cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn, với trên 700 phòng. Đã hình thành hai điểm du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa An và Nghĩa Lợi với trên 20 hộ dân tham gia. Thị xã đã thu hút gần 50 công ty lữ hành trong nước và quốc tế đưa khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Xây dựng liên kết các địa phương trong tỉnh thành các tuyến du lịch như: Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải là nơi có Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang; liên kết du lịch Nghĩa Lộ - Văn Chấn, trong đó, điểm nhấn là vùng chè cổ thụ Suối Giàng; liên kết du lịch Nghĩa Lộ - Văn Yên...
Đồng thời, mở rộng liên kết các tỉnh khu vực Tây Bắc để xây dựng các tour tuyến gắn với các điểm du lịch nổi tiếng: Sa Pa, Bắc Hà, tỉnh Lào Cai; Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, thành phố Sơn La, Mộc Châu, tỉnh Sơn La ...
Về tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương, bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: thị xã có cơ sở hạ tầng, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đạt chuẩn của cơ sở lưu trú du lịch và đã làm hài lòng du khách. Nhưng điều quan trọng hơn mà thị xã hướng đến đó là làm cho bản sắc văn hóa truyền thống vừa là thế mạnh của thị xã cũng vừa là nhu cầu tìm hiểu khám phá của du khách.
Bên cạnh đó, môi trường sinh thái ở các xã phường vẫn còn gìn giữ được nhiều nét hoang sơ, đây cũng là điều kiện tốt để phát triển du lịch trải nghiệm. Thị xã cũng xác định các sản phẩm du lịch cộng đồng vừa phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của các hộ dân.
Nguyễn Thư (Đài TT- TH Nghĩa Lộ)
Các tin khác
YBĐT - Là tỉnh miền núi có nhiều tiềm năng về du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh, những năm qua, Yên Bái đã đặc biệt quan tâm tới công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa vật thể, tạo điểm nhấn trong hoạt động du lịch tâm linh, ngày càng thu hút du khách thập phương mỗi độ tết đến xuân về.
YBĐT - Nằm hiền hòa bên dòng suối Ngòi Nhì, Bản Hốc xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn từ lâu đã được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến là điểm du lịch văn hóa cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc.
YBĐT - Chỉ mới mở cửa đón khách được khoảng 10 ngày nhưng trảng hoa tam giác mạch của gia đình anh Vàng A Khua, thôn Bản Mới, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã đón tới trên 20.000 lượt khách trong tỉnh cũng như các tỉnh Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ... đến tham quan, thưởng ngoạn.
YBĐT - Những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất Yên Bái đều cảm thấy hài lòng bởi những trải nghiệm ấn tượng nơi mảnh đất đa sắc màu văn hóa này. Phải chăng, thiên nhiên, nét độc đáo trong văn hóa của các dân tộc cùng sự chân chất, nồng hậu mến khách của những con người nơi đây chính là sức hút đưa chân nhiều du khách đến với mảnh đất cửa ngõ miền Tây Bắc Tổ quốc?