Về đình Cả - làng Chiềng Cường Thịnh
- Cập nhật: Thứ năm, 2/2/2012 | 9:04:00 PM
YBĐT - Đình Cả nằm trong khu Di tích lịch sử cách mạng Gò Cọ làng Chiềng, nay là thôn Trung Mỹ xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Vùng đất này thời Hùng Vương thuộc bộ Tân Hưng nước Văn Lang. Năm Minh Mạng thứ 17 đặt lưu quan là trang Cường Nỗ thuộc tổng Bách Lẫm, phủ Quy Hóa.
Đã trở thành thông lễ, cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm, người dân Cường Thịnh và nhân dân trong vùng lại tụ hội về đình để kính dâng lễ vật tưởng nhớ công ơn của những bậc tiền nhân đã có công khai ấp, lập làng; tưởng nhớ những người con của quê hương đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc, thể hiện đạo lý sống thủy chung “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.
Làng Chiềng theo tích xưa có tên là làng Thành. Vì phạm vào từ húy của tên người khai lập làng nên người dân địa phương không ai dám đặt tên con là Thành và làng Thành được đổi tên thành làng Chiềng từ đó. Trong lễ đình hàng năm, việc sắm sửa mâm lễ vật dâng cúng Thành Hoàng làng được coi là trọng trách của cả thôn nên mâm lễ của các thôn đều được chuẩn bị rất đủ đầy, tươm tất.
Gửi gắm bao ước nguyện tốt đẹp của nhân dân về một năm mới sung túc, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, bởi thế mâm lễ phải do đích danh trưởng các thôn – người đại diện cho bà con thành tâm dâng cúng.
Không mang nặng màu sắc tôn giáo như nhiều lễ hội khác, lễ hội Đình Cả Cường Thịnh là sinh hoạt văn hóa đầu xuân của cả cộng đồng, mang đậm nét văn hóa làng xã của người dân Việt. Người ta tụ hội về đình làng không chỉ để được thể hiện tấm lòng thành kính với các bậc hiền tài đã có công khai ấp lập làng mà còn để được phát nguyện công đức, tỏ lòng tri ân với tiên tổ và được vui với những trò chơi dân gian mộc mạc, đậm chất quê.
Những trò chơi dân gian mộc mạc, đậm chất quê luôn được tái hiện trong lễ hội.
Đình Cả mới được phục dựng theo kiến trúc xưa lối chữ Nhất, gồm 4 gian đại bái và 1 gian hậu cung hoàn toàn bằng tiền phát nguyện công đức và công lao đóng góp của nhân dân địa phương. Đình thờ Đệ nhất Cao sơn Hùng Thắng, húy là Hoàng Viết và Đệ nhị Cao sơn đại vương, húy là Nguyễn Viết. Đình Cả gắn với Di tích lịch sử cách mạng Gò Cọ - làng Chiềng còn là nơi ghi dấu ấn lịch sử hội nghị Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ hai, tháng 1/1949.
Di tích lịch sử Gò Cọ - làng Chiềng còn rất hoang sơ, cần được đầu tư tôn tạo.
Giá trị lịch sử của di tích là không thể phủ nhận. Và dù đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng từ tháng 6 năm 2007, song Di tích lịch sử Gò Cọ - làng Chiềng, trong đó có Đình Cả hiện còn rất hoang sơ, cần được gìn giữ, đầu tư tôn tạo cho xứng với giá trị di tích lịch sử cách mạng của địa phương và của tỉnh Yên Bái.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Tôi đã bị Suối Giàng quyến rũ ngay từ lần đầu đặt chân đến. Nơi mà từ cánh đồng Mường Lò nhìn lên ẩn khuất trong bạt ngàn mây trắng là màu xanh bàng bạc của chè Shan tuyết.
YBDDT - Không biết từ bao giờ, mỗi khi xuân về tết đến, nam thanh, nữ tú dân tộc Mông Mù Cang Chải (Yên Bái) lại tụ họp nhau để chơi ném pao - một trò chơi dân gian, một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.
YBĐT - Tôi đón xe lên Yên Bái vào một buổi sáng mùa xuân, khi dưới xuôi cái rét đã chuyển “ngọt” dần, bám nhẹ trên những vạt áo xuân mỏng mịn, khẽ khàng. Xe lao nhanh trong nắng sớm, bỗng thấy lòng mình chộn rộn.
YBĐT - Mỗi khu vực trong những khu rừng cấm thường gắn với những truyền thuyết, giai thoại, mang tính huyền bí… mỗi người, mỗi bản, mường đều tôn thờ như một tín ngưỡng.