Trời lất phất mưa càng làm tăng cái rét xuân ở Mường Lò, chị Hà Thị Chinh - chủ Homestay Cương Chinh, thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ vẫn "mặc áo cỏm, thắt đáy lưng ong” vào bếp, chế biến "Pa pỉnh tộp” và "tôm bay” đãi khách.
Với đôi bàn tay khéo léo, chị Chinh vừa mổ cá, vừa trao đổi với chúng tôi về cách chế biến món ăn. Món "pa pỉnh tộp” tiếng Thái là món cá nướng. Để làm được món này ngon, chị Chinh đã phải đi chợ từ sáng sớm, chọn cá chép ngon, trọng lượng từ 1,5 - 2 kg. Cá làm "pa pỉnh tộp” phải mổ lưng chứ không mổ bụng như thông thường để dễ dàng gấp đôi con cá lại, cho vào vỉ nướng.
Món "pa pỉnh tộp” được phụ nữ Thái chế biến với rất nhiều loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Gia vị đặc trưng của người Thái để chế biến "pa pỉnh tộp” là phải có rau "hắc nam” - một gia vị đặc trưng của vùng đất Mường Lò, hạt sẻn cho vào cá nướng có mùi thơm đặc trưng, không còn mùi tanh của cá.
Theo chị Chinh, nướng cá là khâu quan trọng nhất để món ăn thơm ngon. Lửa than phải đều và nhỏ để cá chín đều và ngấm. Thời gian nướng cá từ 30 - 40 phút, trong quá trình nướng phải lật thường xuyên để cá chín đều, vàng ruộm, tỏa mùi thơm ngào ngạt.
Với món "tôm bay”, chị Chinh giải thích: "Tôm bay” là món châu chấu chiên giòn. Loài côn trùng này thường kéo nhau về hàng đàn phá hoại mùa màng mỗi dịp lúa chín tháng 9, tháng 10 hàng năm. Nay, thứ côn trùng phá hoại đã trở thành đặc sản, xuất hiện hàng đầu trong thực đơn đãi khách của người Thái Mường Lò.
Chị Chinh chia sẻ: Chế biến món này cũng rất đơn giản, sau khi vặt cánh, rút ruột cẩn thận thì cho vào đun với nước măng chua để giảm bớt vị tanh, tăng thêm độ chua, ngọt, độ ngậy của món ăn. Sau khi đun với nước măng chua, châu chấu được đổ ra một chiếc rổ nhỏ để cho ráo nước.
Trong tiếng xèo xèo của dầu sôi, châu chấu được đổ vào chảo, đảo đều tay. Khi châu chấu ngả sang màu vàng cánh gián, chị Chinh cẩn thận cho từng loại gia vị như: ớt, hạt tiêu, hạt sẻn vào rồi đảo tiếp khi châu chấu có màu nâu bóng, thơm giòn thì cho vào ít lá chanh thái nhỏ. Món ăn dậy mùi thơm nức mũi, giòn tan, béo béo, bùi bùi đậm đà hương vị khiến thực khách đã một lần thưởng thức không thể nào quên.
Anh Nguyễn Tiến Lộc - du khách đến từ Quảng Ninh cảm thấy vô cùng ấn tượng với hương vị ẩm thực đặc sắc của vùng đất Mường Lò. Anh hào hứng chia sẻ: "Cá nướng ngon, chắc thịt, thơm nức mũi, hòa quyện đủ các vị thơm nhờ sự pha trộn tinh tế các loại gia vị mà không làm mất đi vị cá. "Tôm bay” thì có vị rất lạ, không giống như món ăn này mà chúng tôi đã từng thưởng thức khi còn thủa nhỏ. Chúng tôi đến với Mường Lò không chỉ thưởng thức món ăn mà còn được thưởng thức cả văn hóa đặc trưng của vùng đất này, nhất là những thứ gia vị của rừng được các cô gái Thái khéo léo lựa chọn đưa vào từng món ăn”.
Không riêng anh Lộc, rất nhiều du khách đến với mảnh đất Mường Lò đều cảm nhận được sự thân thiện, mến khách và cả những nét văn hóa đặc trưng mà người dân địa phương đã chăm chút gửi vào từng món ăn.
Anh Dương Văn Đức, du khách đến từ tỉnh Bắc Giang tâm sự: Đến với vùng đất Mường Lò nổi tiếng với "gạo trắng, nước trong”, tôi thực sự ấn tượng với những hương vị đặc sắc, rất riêng của vùng đất này; ấn tượng với sự kết hợp tinh tế, khéo léo trong cách chế biến các món ăn dân tộc của phụ nữ Thái.
Qua văn hóa, nghệ thuật ẩm thực cho thấy hình ảnh về một lịch sử lâu đời, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, giàu tiềm năng, nhất là con người mộc mạc, hồn hậu, phóng khoáng là những yếu tố khiến Mường Lò thêm hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Mường Lò đã chiều lòng bao du khách khi lần đầu đặt chân đến vùng đất này, không chỉ say trong những điệu xòe bất tận đã được Unesco ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà còn là những món ẩm thực khó quên.
Bài: Mạnh Cường
Đồ họa : Thành Trung