Tổng Cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon khẳng định rằng, làn sóng lây lan đầu tiên đã suy giảm rất nhiều. Trong khi đó, Đức là nước đầu tiên ở châu Âu khẳng định rằng bệnh dịch đã được kiểm soát ở nước này.
Một số thành phố ở Pháp đã ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tuy nhiên ngày 17-4, Hội đồng Nhà nước Pháp thông báo rằng, các biện pháp của chính quyền địa phương phải trong khuôn khổ của tình trạng y tế khấn cấp quốc gia. (Ảnh: Reuters)
Trong 24 giờ qua, Pháp xác nhận thêm 761 ca tử vong trong đó có 418 ca ở bệnh viện, còn lại là ở các nhà dưỡng lão và các cơ sở y tế-xã hội. Tổng số tử vong do Covid-19 đã lên tới 19.681 trường hợp. Tuy nhiên, "làn sóng hy vọng" tiếp diễn ở các bệnh viện khi số người nhập viện giảm trong ngày thứ ba liên tiếp, ít hơn 115 trường hợp so với ngày 16-4. Số người cần chăm sóc đặc biệt cũng ít hơn 221 trường hợp, giảm liên tiếp trong suốt chín ngày qua.
Ông Jérôme Salomon nhận định rằng, làn sóng lây lan đầu tiên của dịch bệnh suy giảm rất nhiều vì người dân đã tuân thủ nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội, rào cản chống dịch. Như vậy, đà lây lan khủng khiếp của virus Covid-19 đã bị ngăn chặn. Một tháng phong tỏa vừa qua đang mang lại những kết quả tích cực.
Theo ông Jérôme Salomon, các biện pháp ngăn chặn phải được duy trì vì bệnh dịch vẫn còn hiện diện ở châu Âu. Hơn nữa, có sự khác biệt trong diễn biến của bệnh dịch ở mỗi nước châu Âu và hiện chưa có cơ sở để lý giải. Một số nước như Bỉ hay Hà Lan ghi nhận sự bùng phát của dịch muộn hơn Pháp nhưng lại bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.
Theo đánh giá dịch tễ của Cơ quan Y tế công cộng Pháp công bố ngày 17-4, đa số các ca tử vong do Covid-19 ở nước này là người cao tuổi, dễ bị tổn thương nhất nếu bị nhiễm virus. Từ ngày 1-3 đến 14-4, có tới 71% trường hợp tử vong là ở độ tuổi từ 75 trở lên, hơn 18% ở độ tuổi 65-74, còn lại từ 44 tuổi trở xuống. Có một trường hợp 16 tuổi ở Paris.
Có hơn 80% ca tử vong bị ít nhất một bệnh mạn tính. Trong số các trường hợp tử vong ở bệnh viện, có 36% bị bệnh tim, 30% bị bệnh tiểu đường và 23% bị bệnh hô hấp. Có 9% trường hợp liên quan bệnh béo phì. Có tới 1/3 trong tổng số ca tử vong ở Pháp là những người già yếu ở các nhà dưỡng lão. Riêng trong thời gian từ ngày 1 đến 14-4, có một nửa số tử vong là ở các nhà dưỡng lão. Còn số ca tử vong là nam giới chiếm 57% so với tỷ lệ 61% trên thế giới.
Về sự lây lan trên đội tàu sân bay Charles de Gaulle, Bộ trưởng Quân đội Pháp Florence Parly cho biết, có 2.010 xét nghiệm đã được tiến hành, phát hiện 1.081 trường hợp dương tính với Covid-19 trong tổng số 2.300 thành viên của đội tàu.
Phát biểu tại phiên điều trần ở Quốc hội ngày 17-4, bà Florence Parly nói rằng, 545 người có triệu chứng nhiễm bệnh và 24 người phải nhập viện. Một cuộc điều tra dịch tế đang được tiến hành để xác định nguồn lây nhiễm. Còn ông Christian Cambon, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng và Lực lượng vũ trang của Thượng viện, cho biết, ông sẽ yêu cầu Bộ trưởng Quân đội Florence Parly tiến hành cuộc sàng lọc toàn bộ binh lính trước khi đưa đi làm nhiêm vụ.
Liên quan biện pháp phòng ngừa lây nhiễm sau khi nới lỏng lệnh phong tỏa, Quốc vụ khanh phụ trách kỹ thuật số của Pháp, ông Cédric O cho biết, ứng dụng "Stopcovid" chưa sẵn sàng để trình Quốc hội xem xét vào cuối tháng này. Đây là một giải pháp giúp người sử dụng có thể biết nguy cơ tiếp xúc với người mắc Covid-19 và hiện đang được các nước châu Âu xem xét và đưa vào áp dụng để ngăn ngừa nguy cơ tái bùng phát dịch.
Cũng trong ngày 17-4, một số bệnh viện ở vùng thủ đô Ile-de-France đưa vào thử nghiệm một hệ thống theo dõi cho những bệnh nhân không có triệu chứng nghiêm trọng với điều kiện ở khách sạn để tránh lây nhiễm. Kể từ khi có lệnh phong tỏa, số ca mắc Covid-19 ở vùng thủ đô, ổ dịch lớn nhất ở Pháp hiện nay, đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn ở mức rất cao. Giảm đốc Cơ quan Y tế vùng thủ đô Aurélien Rousseau cho biết, còn 2.341 người đang được chăm sóc đặc biệt. Mục đích của thiết bị này là "kiểm soát các chuỗi lây nhiễm tiềm tàng."
Dự kiến ngày 19-4, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe và Bộ trưởng Y tế Olivier Veran sẽ thông báo cụ thể về tình hình bệnh dịch cũng như các giải pháp cho việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa sau bốn tuần nữa.
* Ngày 17-4, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thông báo rằng, nước này đã kiểm soát được sự lây lan của bệnh dịch sau một tháng áp dụng biện pháp hạn chế người dân ra khỏi nhà. Sau nhiều ngày có các ca mắc và tử vong do Covid-19 ở mức cao, tình hình hiện đã bớt nghiêm trọng từng ngày. Từ ngày 12-4, số người được chữa khỏi mỗi ngày cao hơn số nhập viện. Việc kiểm soát hiệu quả sự lây lan của bệnh dịch ngay từ khi mới bùng phát đã giúp hệ thống y tế của Đức không bị quá tải.
Ông Jens Spahn cũng cho biết, từ tháng 8 tới, các công ty của Đức sẽ có thể sản xuất hàng chục triệu khẩu trang mỗi tuần, trong đó có 10 triệu chiếc đáp ứng tiêu chuẩn FFP2 và 40 triệu khẩu trang y tế. Sắp tới, Đức cũng sẽ triển khai một ứng dụng trên điện thoại di động để xác định và cảnh báo nguy cơ lây nhiễm sau khi các biện pháp hạn chế di chuyển được nới lỏng.
Chủ tịch Viện dịch tễ RKI Lothar Wieler cho biết, mức độ lây nhiễm hằng ngày đã chậm lại và hiện ở mức 0,7% và đây là chỉ số quan trọng nhất để nới lỏng dần các biện pháp hạn chế tiếp xúc. Tuy nhiên bệnh dịch vẫn còn, phải được theo dõi sát sao để ứng phó nguy cơ xuất hiện sự lây lan mới.
Theo các chuyên gia y tế Đức, một số thử nghiệm lâm sàng tiềm năng đang được tiếp tục để có thể công bố kết quả trong ba tháng tới. Còn việc phát triển vaccine cần nhiều thời gian hơn nữa.
Đức là nước có khả năng tiến hành số lượng xét nghiệm lớn nhất châu Âu, tới hơn 1,7 triệu xét nghiệm, mang lại hiệu quả rất cao trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh nhân mắc Covid-19. Có số người nhiễm cao thứ năm thế giới, tuy nhiên tỷ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực như Italy, Tây Ban Nha, Pháp hay Bỉ.
Đầu tháng tới Đức sẽ nởi lỏng các biện pháp hạn chế, theo các bước rất thận trọng dù bệnh dịch có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Từ ngày 20-4, các cửa hàng dưới 800m2 có thể mở cửa trở lại, tiếp đó là trường học từ ngày 4-5. Biện pháp hạn chế tiếp xúc vẫn được duy trì như cấm tụ tập quá hai người nơi công cộng và các sự kiện cộng đồng lớn.
(Theo NDĐT)