Trong những ngày toàn miền Nam căng mình chống dịch và thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhân dân nhiều địa phương trên cả nước đã hướng về miền Nam ruột thịt với tình cảm chia ngọt, sẻ bùi, thể hiện cao nhất về nghĩa đồng bào. Đó cũng là điều được ê-kíp sản xuất series ký sự Đi qua miền có dịch gửi tới khán giả trong tập 4 mang tên "Vì miền Nam yêu thương".
"Tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt" có lẽ là câu nói được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày này. Trong lúc nguy nan, tình dân tộc - nghĩa đồng bào đã trở thành sức mạnh hiệu triệu muôn trái tim con người Việt Nam.
Lâu nay, TP Hồ Chí Minh vốn dĩ là mảnh đất ân tình được lưu chảy từ trong hơi thở của những lưu dân theo dòng mở cõi và tiếp tục hòa kết, sinh sôi, làm nên phẩm chất tốt đẹp của người dân Nam Bộ. Và nay, mảnh đất này lại đón nhận biết bao yêu thương, nghĩa tình từ mọi miền đất nước.
Trong những ngày này, các nhóm thiện nguyện ở Đà Nẵng, Quảng Nam đều chung sức đồng lòng hướng về miền Nam yêu thương. Trong đó phải kể đến sự gắn kết giữa quỹ "Chuyến xe vạn tình", nhóm Hiếu Hạnh và nhà hàng Riêu Việt mà đại diện là những chàng trai xông xáo, nhiệt tình. Họ đã tạm gác lại việc riêng, cùng hợp sức để vận động thu mua được 20 tấn cá nục tươi. Số cá này phần lớn được cấp đông và họ trích ra 500kg để kho keo rồi được đóng gói và vận chuyển an toàn cùng với cá tươi đến tận tay đồng bào miền Nam.
Mỗi thành viên tham gia trong các nhóm thiện nguyện này đều mong muốn nỗ lực của mình sẽ được lan tỏa, có nhiều hơn nữa những hoạt động tương trợ hướng về miền Nam trong những ngày này.
Đại dịch COVID-19 rồi sẽ qua đi và tình người, nghĩa đồng bào thì còn mãi. Giữa lúc cuộc chiến với dịch bệnh vẫn cam go, những hình ảnh đẹp về tinh thần tương thân tương ái, đồng cam chia sẻ lại càng khiến cho niềm tin chiến thắng trở nên mãnh liệt hơn đối với những ê-kíp thực hiện series ký sự Đi qua miền có dịch.
Theo mệnh lệnh của trái tim, trong các đợt vào miền Nam chi viện, ngoài nhiệm vụ hỗ trợ y tế, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng còn đảm nhiệm việc thiết lập các bệnh viện dã chiến. Mỗi đợt ra quân chi viện, các chiến sĩ áo trắng đều vừa tham gia chống dịch vừa tiền trạm xây dựng cơ sở đón các đoàn y, bác sĩ tiếp theo chia lửa với miền Nam.
Nhiệm vụ chồng nhiệm vụ, khó khăn nối tiếp khó khăn nhưng không điều gì có thể ngăn cản tinh thần xung kích và bầu nhiệt huyết của những "thiên thần áo trắng". Các lực lượng chi viện cho miền Nam ở tuyến đầu chống dịch, những tình nguyện viên đăng ký đi hỗ trợ tại các điểm cách ly hay bệnh viện dã chiến đều là những anh hùng, những chiến binh thực thụ. Họ bước vào cuộc chiến đấu với COVID-19 bằng nghị lực phi thường và trái tim quả cảm.
Hơn 11.000 y, bác sĩ tình nguyện từ các tỉnh, thành phía Bắc đã hành quân vào "chia lửa" với miền Nam. Hàng nghìn đơn vị máu, hàng trăm tấn nhu yếu phẩm và nông sản của đồng bào các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Yên Bái… cũng liên tiếp chuyển vào ủng hộ tâm dịch miền Nam.
Cả hệ thống chính trị và nhân dân trên mọi miền đất nước đều hướng về miền Nam ruột thịt, với tinh thần sẵn sàng "chia lửa", hỗ trợ lúc gian nguy. Sự chi viện sức người sức của này đã và đang viết nên những "bản tình ca" về nghĩa đồng bào trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
"Vì miền Nam chẳng chút phân vân
Góp sức người từ những điều nhỏ nhất
Những món quà thảo thơm chân chất
Ân tình trao trọn nghĩa đồng bào
Miền Nam ơi, lời hồi đáp dâng trào
Đâu thể ngồi yên khi nghe tiếng gọi
Nhịp đập trái tim hoà chung mong đợi
Ngày bình yên, đẩy đại dịch lùi xa".
Suốt dọc dải đất miền Trung thương khó, người dân cứ miệt mài gom góp hàng trăm tấn nông sản và nhu yếu phẩm để gửi vào ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt.
"Nhiều chuyến hàng từ khắp miền quê
Gửi ân tình đến miền Nam hối hả
Gạt sang bên gánh âu lo vất vả
Vì mọi người, ta biết sống cho nhau".
Chương trình "Chuyến xe yêu thương" do đoàn thanh niên và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát động đã được đông đảo người dân hưởng ứng, có sức lan tỏa sâu rộng. Những chuyến xe yêu thương này không chỉ đến TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ mà còn chia sẻ cho các tỉnh, thành đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chuyên chở thực phẩm thiết yếu và nhu yếu phẩm, các chuyến xe nghĩa tình này đã góp phần nâng cao chất lượng các suất ăn phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch, bệnh nhân tại các khu cách ly và đồng bào đang gặp khó khăn.
Trong suốt hành trình thực hiện ký sự Đi qua miền có dịch, phía sau những khuôn hình, ê-kíp sản xuất hy vọng đã phần nào chuyển tải được thông điệp về sự kết nối ân tình. Không chỉ giữa những con người ở vùng đất này mà sợi dây kết nối đó còn lan tỏa xa hơn đến mọi miền Tổ quốc để những con người vốn xa lạ cũng xích lại gần nhau, cùng trao nhau mối dây yêu thương, tất cả vì miền Nam yêu thương.
"Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi
Vượt thác cheo leo, tay ta vượt đèo
Từ quê nghèo lên phố lớn, nắm tay nối liền
Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam".
(Lời ca khúc "Nối vòng tay lớn" - cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)
(Theo VTV)