Phụ nữ mang thai đang ở vùng bị phong tỏa do dịch Covid-19 nên tăng cường thăm khám qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Đối với phụ nữ mang thai bị mắc Covid-19 thực hiện việc chăm sóc, theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến hoặc tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
|
Các cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ sản khoa cần hướng dẫn người bệnh các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)
|
Bộ Y tế vừa có Hướng dẫn tạm thời dự phòng và xử trí Covid-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Trong hướng dẫn, Bộ Y tế nêu rõ, nguy cơ mắc bệnh nặng ở phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 có triệu chứng cao hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai.
Đối với thai nhi, các nghiên cứu về Covid-19, cũng như những nghiên cứu trước đây về SARS-CoV-2 và MERS-CoV cho thấy không có bằng chứng nào chứng minh có mối liên quan giữa những bệnh này và các dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, có bằng chứng cho rằng viêm phổi do virus ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh cần hướng dẫn người bệnh và người nhà đến khám đeo khẩu trang, sát khuẩn bằng dung dịch rửa tay nhanh; giữ khoảng cách tối thiểu là 2m; hạn chế di chuyển trong cơ sở y tế.
Cán bộ y tế nên tư vấn cho phụ nữ mang thai về các nguy cơ của nhiễm Covid-19 và biện pháp dự phòng, bao gồm: Tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong thai kỳ (thai ≥ 13 tuần) hoặc trong giai đoạn hậu sản, kể cả khi nuôi con bằng sữa mẹ. Thực hiện các biện pháp dự phòng như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc với người khác.
Riêng phụ nữ mang thai đang ở vùng bị phong tỏa do dịch Covid-19 giảm số lần thăm khám trực tiếp, giảm thời lượng của mỗi lần khám thai, nên tăng cường thăm khám qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Phân nhóm các thai kỳ có cùng tuổi thai để hẹn khám và thực hiện các xét nghiệm trong cùng một thời gian, nhằm giảm sự tiếp xúc với nhiều nhân viên y tế. Hạn chế các xét nghiệm, chỉ thực hiện những chỉ định thực sự cần thiết. Đặc biệt phụ nữ mang thai hay trong giai đoạn hậu sản vẫn tiếp tục tiêm phòng uốn ván theo lịch tiêm chủng.
Đối với phụ nữ mang thai mắc Covid-19, thực hiện việc chăm sóc, theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến hoặc tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ưu tiên điều trị Covid-19 trước, chỉ can thiệp sản khoa khi có triệu chứng cấp cứu về sản khoa hoặc khi tình trạng mẹ nặng cần hội chẩn các chuyên khoa liên quan. Cân nhắc sử dụng thuốc kháng virus và các loại thuốc khác cho thai phụ nhiễm Covid-19.
"Nếu dùng thuốc kháng virus cần theo dõi chức năng gan, thận và nếu có kế hoạch mổ lấy thai, ngừng sử dụng thuốc kháng đông trước 12 - 24 giờ"- Bộ Y tế lưu ý.
Cùng với đó, thai phụ mắc Covid-19 (kể cả đã khỏi) cần được quản lý thai 2 - 4 tuần/lần nhằm phát hiện sớm những trường hợp tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung, nguy cơ đẻ non.
(Theo SGGP)
Nhân dân nhiều địa phương trên cả nước đang hướng về miền Nam yêu thương với tình cảm chia ngọt, sẻ bùi, thể hiện cao nhất nghĩa đồng bào trong đại dịch COVID-19.
Sáng nay - 20/8, tại Sở Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã tổ chức buổi gặp mặt đoàn công tác gồm 30 bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ lên đường hỗ trợ tỉnh Đồng Nai phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã đến dự, động viên các thầy thuốc.
Tối 19/8, Bộ Y tế cho biết AstraZeneca đã chuyển thêm 1,2 triệu liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam. Lô hàng được đưa về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh.
Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế rà soát nhu cầu mua sắm, thực hiện quản lý, sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất tại các bệnh viện, khu cách ly, điều trị, cơ sở giam giữ…