Nguy cơ gia tăng số ca nhập viện trở lại
Ngày 21.2, Bộ Y tế đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo Bộ Y tế, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, TP trong 2 tuần qua.
Bộ Y tế dự báo, trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số ca nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch, Chủ tịch UNBD các tỉnh, TP cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Quyết định 218 ngày 27.1.2022 của Bộ Y tế. Theo đó, các địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị...) liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân đảm bảo khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Chấp nhận F0 trong cộng đồng
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn hiện nay, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng VN, đánh giá hiện nay chúng ta đã tiêm vắc xin với tỷ lệ cao trên cả nước; năng lực y tế đã thích ứng tốt hơn; kiến thức phòng bệnh của người dân cũng tốt hơn, do đó đã chấp nhận không "Zero F0”, nghĩa là chấp nhận F0 trong cộng đồng, nhưng vẫn cần kiểm soát, khống chế các ca mắc mới, không để ca mắc tăng cao quá gây quá tải hệ thống y tế; không để người F0 tăng nặng, tử vong do không được tiếp cận dịch vụ y tế.
Chúng ta xác định chuyển từ "Zero F0” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 có hiệu quả, chúng ta cũng chuyển từ ngăn cấm sang kiểm soát rủi ro. Do đó, một số biện pháp được "nới lỏng” chứ không phải buông lỏng
PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) |
Ông Phu nêu thách thức: "Hiện nay có nguy cơ dịch diễn biến phức tạp, khó lường với trung bình khoảng 80 ca tử vong/ngày. Chúng ta xác định chuyển từ "Zero F0” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 có hiệu quả, chúng ta cũng chuyển từ ngăn cấm sang kiểm soát rủi ro. Do đó, một số biện pháp được "nới lỏng” chứ không phải buông lỏng”.
Ông Phu cho rằng với phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn hiện nay, trước hết, về dự phòng, người dân phải thực hiện 5K, nếu cứ coi tiêm vắc xin rồi mà không thực hiện 5K thì dịch vẫn có thể bùng lên mạnh mẽ, dẫn đến quá tải hệ thống y tế và không kiểm soát được dịch. Đáng lưu ý, theo PGS Phu: "Cần luôn luôn đáp ứng hệ thống y tế; hệ thống y tế cần đảm bảo năng lực kiểm soát dịch bệnh cũng như về vấn đề tiếp cận bệnh nhân, đảm bảo các bệnh nhân Covid-19 liên lạc với ngành y tế đều được tư vấn. Ví dụ như y tế cơ sở, trạm y tế lưu động, thầy thuốc đồng hành qua các kênh tư vấn online với mục đích số mắc không tăng cao, số chuyển nặng không tăng cao, số tử vong ở mức thấp nhất có thể, không để hệ thống y tế quá tải”.
Chú trọng y tế cơ sở, công tác tổ chức
Nhìn nhận về công tác điều trị trong phòng chống dịch khi số ca tử vong đã giảm nhiều, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý các địa phương cần thực hiện điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu.
Nghiên cứu cơ chế tiêm dịch vụ vắc xin Covid-19
Theo Bộ Y tế, đến chiều 22.2, gần 192 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm trên cả nước, trong đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 175,2 triệu liều và 16,7 triệu liều tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Về triển khai tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế cũng cho biết, trước mắt tiêm vắc xin miễn phí cho người dân; sau khi tiêm đủ liều bổ sung, từng bước nghiên cứu cơ chế tiêm vắc xin dịch vụ sau khi tiêm đủ 3 mũi. |
Trong khi đó, một chuyên gia trong hội đồng điều trị ca mắc Covid-19 cũng lưu ý: "Hiện bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đã thu hẹp tại một số địa phương, tuy nhiên chúng ta xác định dịch chưa thể sớm chấm dứt và đặc biệt là việc mở rộng điều trị F0 nhẹ tại cộng đồng, tại nhà với sự giám sát, hỗ trợ của nhân viên y tế, do đó vấn đề nâng cao năng lực hệ thống y tế, tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở cần đặc biệt chú trọng”.
Trước sự kiện gây tranh cãi về việc một tòa nhà chung cư bị phong tỏa sau khi phát hiện các ca F0 tại một địa phương mới đây, một chuyên gia về y tế dự phòng lưu ý, các tình huống tương tự có thể sẽ còn xảy ra. "Việc tạm thời đề nghị người dân tạm dừng việc đi lại, để tạm "phong tỏa” phục vụ xét nghiệm, đánh giá nguy cơ là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần làm nhanh gọn hơn, để các F0 được phát hiện sớm, đồng thời các trường hợp không nhiễm bệnh nhanh chóng được trở lại sinh hoạt bình thường. Do đó, các địa phương cần củng cố công tác tổ chức ứng phó với các tình huống phòng, chống dịch, đảm bảo đúng tinh thần ứng phó linh hoạt”, chuyên gia này nêu ý kiến.
(Theo TNO)