Chị L.T.N 37 tuổi và con gái là cháu Đ.P.T 6 tuổi ở tổ 1, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái bị nhiễm Covid-19 từ ngày 17/1/2022 và được điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh. Sau khi khỏi bệnh, chị N và cháu P trở lại công việc, sinh hoạt bình thường của mình. Khoảng 3 tháng sau, 2 mẹ con chị thấy có dấu hiệu mệt mỏi, ho sốt.
Ngày 4/4/2022, mẹ con chị N đến Trạm Y tế phường Đồng Tâm xét nghiệm thì kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Mặc dù luôn ý thức phòng, chống dịch bệnh song chị N không nghĩ mình lại tái nhiễm Covid-19 trong thời gian ngắn như vậy.
Chị N cho biết: "Tôi nghĩ mình mới bị nên sẽ không bị lại. Quá trình làm việc, tiếp xúc với nhiều người nên bị tái nhiễm lúc nào cũng không biết, chỉ khi thấy có những biểu hiện như nhiễm Covid-19 lần đầu, đi xét nghiệm tôi mới biết mình bị tái nhiễm. Vì đã tiêm đủ 3 mũi nên việc tái nhiễm của tôi cũng nhẹ hơn và nhanh khỏi hơn lần trước”.
Trường hợp của anh N.V.D 49 tuổi ở tổ 12, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cũng vậy. Anh bị nhiễm Covid-19 lần đầu vào ngày 14/12/2021. Vì đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và được cách ly tập trung nên sau khi khỏi bệnh, anh trở lại công việc bình thường.
Tuy nhiên, đầu tháng 4 anh thấy người đau mỏi, ho sốt và có những triệu chứng của người mắc Covid-19 nên ngày 4/4/2022, anh đến Trạm Y tế phường làm xét nghiệm test nhanh thì cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Thực tế những trường hợp tái nhiễm như chị N, cháu P, anh D đã xảy ra trong thời gian qua. Không ít người cho rằng, nếu đã mắc Covid-19 sẽ không bị lại nên đã có tâm lý chủ quan, ý thức phòng dịch có sự lơ là.
Nhưng thực tế, dù đã bị mắc Covid-19 và cơ thể đã có kháng thể kháng lại virus thì vẫn có nguy cơ tái nhiễm nếu nhiễm phải biến chủng khác hoặc lượng kháng thể trong cơ thể chưa đủ mạnh. Những người có nguy cơ tái nhiễm cao là người già bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, trẻ em và người chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc-xin.
Theo nhận định của ngành y tế, tái nhiễm là trường hợp người bệnh mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, sau đó lại nhiễm lại. Thông thường sau 1 đến 2 tháng từ khi khỏi Covid-19, người bệnh có khả năng tái nhiễm và nguy cơ tái nhiễm sẽ cao hơn sau khoảng 3 tháng do nồng độ kháng thể sẽ suy giảm theo thời gian.
Thời gian tái nhiễm càng ngắn, bệnh nhân càng mệt mỏi, triệu chứng có thể nặng hơn so với lần nhiễm trước bởi biến chủng liên tục thay hình đổi dạng, thay đổi tính chất miễn dịch, cơ thể không nhận diện được sẽ nhiễm lại. Đã có trường hợp lần 1 nhiễm biến chủng Delta, lần 2 nhiễm Omicron.
Do đó, họ vẫn phát tán virus bình thường và vẫn có khả năng lây nhiễm cho những người khác nếu không có biện pháp phòng lây nhiễm hiệu quả. Ai cũng có khả năng tái nhiễm Covid-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh.
Virus SARS-CoV-2 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó trong cơ thể người bệnh.
Dù tỷ lệ tái nhiễm Covid-19 không cao và thường có triệu chứng nhẹ hơn nhưng không được chủ quan, xem thường vì những người bị tái nhiễm là người có cơ địa miễn dịch giảm, tuổi cao, nhiều bệnh nền. Đây là cơ hội để các bệnh này tái phát gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 biến đổi không ngừng, những người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh cũng không được chủ quan, âm tính không có nghĩa là đã tạo được miễn dịch suốt đời; tỷ lệ tái nhiễm, tái dương tính vẫn có thể xảy ra. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể vẫn cần hồi phục sau đợt tấn công của virus. Do đó, cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, theo dõi và thăm khám sớm khi có triệu chứng hậu Covid-19 và đặc biệt là cần tuân thủ nguyên tắc 5K để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội”.
Thanh Tân