2 người tử vong, 2 người nhập viện nghi do mắc viêm não do não mô cầu

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/6/2024 | 2:16:34 PM

Chỉ trong vòng 5 ngày, 2 người trong gia đình anh Đ.V.D tử vong với triệu chứng nghi viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Anh D. và con cũng vừa nhập viện ngày 11/6 với triệu chứng này.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang tiếp nhận điều trị cho 2 người bệnh.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang tiếp nhận điều trị cho 2 người bệnh.

Ngày 11/6, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 2 bệnh nhân đến từ Bắc Kạn. Đó là 2 bố con cùng được chẩn đoán viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Trước đó ít ngày, mẹ và con gái anh đã tử vong cùng triệu chứng ban đầu.

Bệnh nhân Đ.V.D (38 tuổi) cho biết, chỉ trong vòng 5 ngày, 2 người trong gia đình anh đều tử vong. Đầu tiên là con gái (22 tháng tuổi) xuất hiện sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng liên tục, kèm theo nổi ban xuất huyết vùng gối và mặt sau lan ra toàn thân, lơ mơ, ăn uống kém.

Gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế gần nhà khám và điều trị. Sau đó em bé được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, đã tử vong sau đó. 3 ngày sau, mẹ bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đi ngoài phân lỏng nhiều lần kèm theo nổi ban xuất huyết. Bà nhập viện và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn và tử vong sau vài giờ vào viện.

Sau cái chết của mẹ và con gái, bệnh nhân và con trai (11 tuổi) cũng xuất hiện biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn sau ăn, không đại tiện phân lỏng.

Ngày 10/6, bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn được chẩn đoán Viêm màng não. Bệnh nhân và con trai được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp Cứu cho biết, cho đến trưa nay (ngày 12/6), 2 bệnh nhân đều đã được chọc dịch não tủy, cho thấy dịch đục. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não do não mô cầu.

Sau khi điều trị kháng sinh thích hợp, 2 bệnh nhân tạm thời ổn định, tỉnh táo, ăn được, tiếp tục được theo dõi và điều trị.

Theo Bác sĩ Bắc, đối với 2 người trong gia đình bệnh nhân D. đã tử vong đều chưa xác định được căn nguyên nhưng nguy cơ cao có thể do nhiễm não mô cầu.

"Khi có mẫu bệnh phẩm của hai bệnh nhân, chúng tôi đã tiến hành làm xét nghiệm bằng phương pháp Sinh học phân tử (PCR đa mồi) cho kết quả ban đầu dương tính với não mô cầu”, Tiến sĩ Văn Đình Tráng, Trưởng khoa Vi sinh và sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin.

Bác sĩ Trần Quang Đại, phòng tiêm chủng Vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viêm màng não do não mô cầu không phải là một bệnh hiếm gặp nhưng hậu quả rất nghiêm trọng. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis.

Não mô cầu được chia thành 6 nhóm: A, B, C, W-135, X và Y. Cả 6 nhóm này đều có khả năng gây dịch. Bệnh do não mô cầu gây ra cũng rất đa dạng như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm phổi, viêm khớp, viêm tai giữa, viêm nắp thanh môn…

Tuy nhiên, bệnh viêm màng não là hay gặp nhất và để lại hậu quả nghiêm trọng nhất. Tại Việt Nam, nhóm B và A là 2 tuýp hay gây bệnh dịch.

Viêm màng não mô cầu lây truyền từ người sang người, lây qua đường hô hấp. Bệnh viêm màng não do não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường khó chẩn đoán sớm và tiến triển nhanh. Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, không điển hình: Sốt, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, đau họng. Bệnh có đặc trưng phát ban xuất huyết, cứng cổ, sợ ánh sáng. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ hôn mê, mê sảng, co giật mất ý thức; có thể tử vong.

Bệnh có thể chữa khỏi được hoàn toàn nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Để phòng bệnh viêm màng não mô cầu, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và nơi ở; đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh; dự phòng bằng thuốc. Và quan trọng nhất là tiêm vaccine để phòng bệnh.
(Theo NDO)

Các tin khác
Cán bộ y tế xã Mậu Đông, huyện Văn Yên tiêm chủng cho trẻ trên địa bàn xã theo Chương trình TCMR.

Từ tháng 1/2024, các đơn vị y tế trên địa bàn Yên Bái đã thực hiện tiêm chủng thường xuyên theo lịch và chủ động tăng số buổi tiêm nhằm tiêm bù mũi cho những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian gián đoạn vắc-xin.

Món tiết canh vẫn tồn tại trên mâm cỗ của nhiều gia đình.

Nguy cơ nhiễm bệnh khi ăn các loại tiết canh hay thực phẩm tái, sống đã được cảnh báo nhiều song dường như nhiều người vẫn rất chủ quan.

Cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành gần 700 loại thuốc trong nước.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa ký 2 quyết định công bố cấp mới và gia hạn giấy đăng ký lưu hành gần 700 loại thuốc sản xuất trong nước phục vụ nhu cầu đấu thầu, mua sắm cho điều trị, phòng chống dịch.

Sau thời gian điều trị tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã cắt sốt và không phải thở ô-xy.

Sau mắc sốt xuất huyết 7 ngày, người bệnh bị đồng nhiễm vi khuẩn, dẫn tới tình trạng sốt cao liên tục, phổi có nhiều ổ áp xe.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục