Ngày 21-1, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) chính thức phát động Chương trình Giải thưởng Sao Khuê 2021.
Đây là giải thưởng uy tín và danh giá nhất của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, được VINASA tổ chức lần đầu tiên năm 2003 với mục đích tôn vinh, biểu dương các doanh nghiệp, cơ quan, tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm và CNTT Việt Nam.
Từ năm 2005, để tăng cường hỗ trợ, định hướng cho ngành, phạm vi đối tượng giải thưởng được mở rộng tới các sản phẩm và dịch vụ của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Từ đó đến nay, nhằm cập nhật các xu thế công nghệ mới nhất, định hướng thị trường ứng dụng CNTT Việt Nam, Giải thưởng Sao Khuê đã liên tục được cập nhật, cải tiến qua các thời kỳ và trở thành một kênh truyền thông, quảng bá, định hướng thị trường hiệu quả, một nhân tố không thể thiếu thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam.
Qua 17 năm tổ chức, 1.089 Giải thưởng Sao Khuê đã được vinh danh. Qua đó, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, khẳng định uy tín sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của các doanh nghiệp và tổ chức, góp phần thiết thực khuyến khích người Việt Nam sử dụng các sản phẩm, giải pháp phần mềm do Việt Nam sáng tạo và phát triển.
Từ sự vinh danh và các hoạt động quảng bá, truyền thông của giải thưởng, nhiều doanh nghiệp CNTT đã ghi nhận doanh thu đột phá, tạo đà cho sự tăng trưởng dài hơi về quy mô, mở rộng thị phần qua các năm, có thể kể đến những tên tuổi như: Viettel, FPT, VNPT, MISA, Bravo, KMS Technology, VNG, Rikkeisoft…
Tiếp tục sứ mệnh quảng bá, xây dựng thương hiệu cho ngành Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, khẳng định vai trò tiên phong của VINASA với khẩu hiệu "Xung kích chuyển đổi số - Chia sẻ và Kết nối”, đồng thời thể hiện sự ủng hộ và đồng hành với "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng như chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ "Make in Vietnam” do Bộ TT-TT đề ra, Giải thưởng Sao Khuê 2021 sẽ có những đổi mới quan trọng để đáp ứng các nhu cầu thực tiễn cũng như nhận diện và dẫn dắt các xu hướng mới.
Trong bối cảnh trên của đất nước và ngành CNTT, trong năm thứ 18 được tổ chức, Giải thưởng Sao Khuê 2021 tự đặt cho mình sứ mệnh quan trọng đó là "Thúc đẩy nền tảng giải pháp số - Tiên phong phát triển các hệ sinh thái số”. Với định hướng này, nhóm "Các nền tảng chuyển đổi số” sẽ được bổ sung vào các nhóm đối tượng bình chọn và công nhận Giải thưởng Sao Khuê 2021.
Đây là sự thay đổi thiết thực nhằm khuyến khích các doanh nghiệp CNTT đặt biệt là các doanh nghiệp lớn tiên phong đầu tư phát triển các nền tảng số (bao gồm cả cả nền tảng dành cho các nhà phát triển và nền tảng dùng chung) kết hợp cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp số nhanh chóng tạo dựng các hệ sinh thái số cho Việt Nam đặc biệt trong các ngành trọng điểm ưu tiên chuyển đổi số.
Nhận định về những đổi mới của Giải thưởng Sao Khuê 2021, TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, người đã giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Bình chọn Sao Khuê qua nhiều năm cho biết: "Qua từng năm tổ chức, Giải thưởng Sao Khuê đều có những đổi mới: từ việc điều chỉnh về lĩnh vực, đối tượng… hay hệ thống tiêu chí đánh giá, rồi cập nhật đội ngũ các chuyên gia công nghệ. Điều này không chỉ thể hiện tâm huyết của Ban tổ chức, mà còn cho thấy quá trình không ngừng tự hoàn thiện của giải thưởng. Chúng ta đang hướng tới kiến tạo những không gian số, trên nền tảng các hệ sinh thái số. Với những thay đổi từ Giải thưởng Sao Khuê 2021, tôi kỳ vọng các doanh nghiệp CNTT Việt Nam sẽ hợp tác cùng nhau, tận dụng tối đa sức mạnh của nhau để nhanh chóng hình thành những hệ sinh thái số hoàn chỉnh của người Việt và cho người Việt, giúp đẩy nhanh tiền trình chuyển đổi số quốc gia, nhanh chóng đưa Việt Nam thành một quốc gia hùng cường”.
Đối tượng bình chọn và công nhận Giải thưởng Sao Khuê 2021 bao gồm 6 nhóm:
Nhóm 1: Các sản phẩm, giải pháp số (bình xét theo 21 lĩnh vực ứng dụng chuyên ngành).
Nhóm 2: Các nền tảng chuyển đổi số cho mọi lĩnh vực.
Nhóm 3: Các giải pháp công nghệ mới cho mọi lĩnh vực, có ứng dụng các công nghệ AI, IoT, Big Data, Cloud, BlockChain, RPA, VR, AR, XR, in 3D...
Nhóm 4: Các sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp số (không phân biệt lĩnh vực ứng dụng, được thương mại hóa chưa quá 3 năm.
Nhóm 5: Các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới: không phân biệt lĩnh vực ứng dụng, đã chính thức phát hành ra thị trường nhưng chưa quá 12 tháng tính đến ngày đăng ký tham gia, đã có doanh thu và hoặc đã có người sử dụng.
Nhóm 6: Các dịch vụ CNTT, chia theo 9 lĩnh vực dịch vụ chuyên ngành.
(Theo SGGP)