Món quà quý giá
- Cập nhật: Thứ năm, 17/7/2014 | 9:38:33 AM
Có lẽ sẽ chẳng bao giờ có ai yêu thương và chăm sóc chúng ta như những người thân trong gia đình. Bạn có thể có một tình yêu đẹp, một người sẵn sàng đến bên bạn những lúc bạn buồn, vui, nhưng chắc chắn họ sẽ không thể thay thế vị trí của những người thân trong gia đình.
Nhớ những ngày thơ bé. (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)
|
Từ bé tôi đã luôn nhận được sự yêu thương, chăm sóc từ người thân và bạn bè, ốm đau đều được mọi người quan tâm, lo lắng. Thế nên tôi cứ mặc nhiên coi những yêu thương và quan tâm đó là mình đáng được nhận và có lẽ tôi sẽ giữ mãi những suy nghĩ ấy nếu như không có chuyện của cụ tôi.
Người ta thường nói, khi có mọi thứ con người không hề biết trân trọng cho đến khi mất đi họ mới thật sự nhận ra nó quan trọng với mình biết nhường nào. Có nhiều người sinh ra khi cụ họ đã không còn nữa hoặc rất yếu và mất khi họ còn rất nhỏ. Tôi thì may mắn hơn khi lớn lên trong tình yêu thương của cụ.
Ngày tôi còn bé, cụ tôi có một hàng bánh nhỏ bày bán ở đầu đường với những thứ bánh tự tay cụ làm. Mỗi sáng thức dậy, thấy một túi bánh nhỏ treo bên cửa thì không niềm vui nào sánh bằng, những thứ bánh ấy đã theo suốt tuổi thơ tôi và cùng tôi lớn lên từng ngày.
Những thức quà tưởng như quen thuộc ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Không chỉ vậy, mỗi tối cụ còn kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích về ông Bụt, bà Tiên, về cô Tấm thảo hiền, về chàng hoàng tử dũng mãnh, về Sọ Dừa, Thạch Sanh,… những câu chuyện cổ tích cùng giọng kể ấm áp đầy yêu thương đã đưa tôi vào giấc ngủ yên bình với những ước mơ thật đẹp.
Hồi đó, cụ tôi vẫn luôn nói rằng: "Cháu là một món quà quý giá mà ông trời đã ban tặng cho bố mẹ cháu và gia đình này". Ngày đó, tôi chẳng hiểu thế nào là một món quà quý giá và cứ thắc mắc tại sao cụ lại ví tôi như một món đồ. Tôi lớn lên và cụ tôi cũng già yếu dần, đã không còn đủ sức để tự làm những thứ bánh quen thuộc, không còn những câu chuyện cổ tích trẻ con, cũng lâu không còn nghe thấy cụ nói câu nói đầy yêu thương đó nữa. Tôi cũng dần quên đi cái thói quen hồi nào và coi nó như quá khứ. Tôi đã vô tâm đến như thế cho đến một ngày tôi nhận một cuộc điện thoại từ mẹ, mẹ báo cụ tôi đã mất lúc sáng hôm ấy.
Tôi thật sự bàng hoàng khi nghe thấy tin đó. Lúc đó, tôi thấy lòng mình quặn thắt. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm tôi lại nghe lòng mình rõ đến như vậy. Nước mắt chảy ra trong vô thức như một quả chanh bị ai bóp mạnh, tôi khóc như một đứa trẻ con mặc kệ người ta nhìn mình như thế nào. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự quan trọng của một người thân trong lòng mình.
Tôi muốn bay ngay về nhà để gặp cụ lần cuối, để nói với cụ tôi yêu cụ như thế nào, câu nói mà từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ nói được. Ngày đưa tiễn cụ, tôi đã khóc rất nhiều. Mẹ ôm tôi vào lòng an ủi. Bố cho tôi dựa vào bờ vai to lớn. Anh chị thì an ủi phải mạnh mẽ lên dù tôi biết họ đều đang rất buồn, rất đau đớn.
Nhưng rồi chuyện gì cũng sẽ qua, đau buồn rồi cũng vơi đi và mọi người lại quay lại với nhịp sống hằng ngày. Tôi lại quay lại với guồng quay học tập, xếp lại chuyện buồn kia vào một góc nhỏ trong tim. Tôi lớn dần và cũng trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn nhiều. Ngày giỗ cụ lần thứ hai, tôi đã không còn là con bé khóc sướt mướt, đã biết an ủi những người xung quanh, đã biết yêu thương những người thân trong gia đình hơn. Tôi lên thắp hương cho cụ, báo cáo với cụ về những thành tích mình đã đạt được.
Nhìn vào tấm ảnh trên bàn thờ, cụ tôi đang ở đó với nụ cười hiền từ và ánh mắt hài lòng, tôi tự thầm thì: "Cháu cảm ơn cụ và yêu cụ rất nhiều vì những thứ bánh ngọt lành suốt tuổi thơ cháu, vì những câu chuyện cổ tích đã nuôi dưỡng tâm hồn cháu và vì nụ cười hiền từ, vì tình yêu bao la, vì rất nhiều điều mà cháu không bao giờ có thể nói hết. Cháu cảm ơn cụ đã cho cháu nhận ra vai trò của gia đình trong trái tim cháu, giờ thì cháu hiểu gia đình quan trọng hơn tất cả mọi thứ. Cháu xin hứa sẽ trân trọng những gì mình đang có như một món quà quý giá mà ông trời đã ban cho cháu trong cuộc đời này!”.
Phạm Thị Thúy Hạnh (Số nhà 38, khu phố 7, thị trấn Cổ Phúc, Trấn Yên)
Các tin khác
Ngày đầu tiên, thầy bước vào lớp với bộ quần áo giản dị, tay cầm thước, nét mặt nghiêm nghị và dáng đi khoan thai, tác phong y chang một ông đồ dạy học thời xưa. Cả lớp A8 hiếu động có vẻ dè dặt và cẩn trọng hơn với thầy vì thầy vốn "khét tiếng" là nghiêm khắc và kỷ luật, nào là học sinh vi phạm an toàn giao thông, học sinh không mặc đồng phục, học sinh đi học muộn … tất cả đều không qua được mắt thầy.
Đã bao giờ bạn tự hỏi mình rằng bạn có những người bạn luôn bên mình? Bạn có biết rằng bạn bè sẽ không đến với chúng ta một cách tự nhiên hay may mắn nào đó! Nếu có người hoang tưởng rằng bạn bè như những món đồ chơi thì người đó thật kém hiểu biết.
Mỗi lần đi bán vé số ngang qua trường THCS, nó đứng lại đôi chút, nhìn vào sân trường - nơi có từng tốp học trò đang nô đùa dưới bóng cây. Nó nhìn say sưa với cặp mắt háo hức. Nó cũng muốn được nhảy múa hát hò như những bạn ấy…
Tuổi thơ tôi lớn lên từ bờ ao gốc rạ, từ những que kẹo bông, kẹo kéo ngọt ngào… Tôi mang theo chúng vào trong từng giấc ngủ và tôi trưởng thành từ mùi bùn đất quê hương.