Mảnh ghép yêu thương

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/7/2014 | 9:26:15 AM

Tuổi thơ tôi lớn lên từ bờ ao gốc rạ, từ những que kẹo bông, kẹo kéo ngọt ngào… Tôi mang theo chúng vào trong từng giấc ngủ và tôi trưởng thành từ mùi bùn đất quê hương.

Giúp bạn. (Ảnh: Đặng Phương Lan)
Giúp bạn. (Ảnh: Đặng Phương Lan)

Có đôi lần tôi lục lại ký ức của mình mong tìm lại chút gì đó thân thương nơi miền quê nghèo một thuở. Ký ức tôi là những mảnh ghép, nó làm cho cuộc sống của tôi thêm ý nghĩa, vẹn tròn. Một ngày mưa, tôi nhớ về mảnh ghép với hình ảnh người đàn ông lam lũ, tất bật, lưng áo đẫm mồ hôi mà vẫn không kêu ca nửa lời - đó là cha tôi!

Tôi cảm giác như cha không có thời gian rảnh rỗi, cũng có thể cha tự tạo sự bận rộn cho mình. Dưới con mắt của một đứa trẻ, tôi nghĩ người cha nào cũng thế, những người trụ cột gia đình đều là người bận rộn. Thế nhưng mãi sau này tôi mới hiểu, nhà tôi nghèo nên cha phải tranh thủ làm thêm giờ để có thêm tiền cải thiện bữa ăn cho cả gia đình.

Cha tôi làm nghề phụ hồ - cái nghề vất vả, cơ cực đến nhường nào! Ngày nắng cũng như mưa, cha đều ra khỏi nhà từ rất sớm, có khi đến tối mịt mới về. Những cái xẻng, cái xô, xi măng, cát sỏi và đôi bàn tay cha đã nuôi chị em tôi khôn lớn. Tôi thường xuyên ngửi thấy mùi vôi vữa trên người cha. Lúc đầu chưa quen thấy nồng nồng rất khó chịu nhưng sau đó quen dần tôi lại thấy thân thương.

Nhiều hôm đi làm về cha chỉ ăn vội lưng cơm, chẳng kịp nghỉ ngơi đã lại đi làm tiếp. Tấm áo cha mặc đã sờn chỉ, bạc màu theo năm tháng nhưng cha chẳng bao giờ để ý đến điều đó, cha vẫn làm lụng, chắt chiu để chị em tôi có áo mới đến trường.

Nhìn màu áo trắng tinh khôi của mình, tôi thầm ước cha tôi cũng được mặc một chiếc áo mới như vậy. Có thời gian nhà tôi nuôi lợn, trên người cha còn vương cả mùi cám, mùi ngô. Mấy thứ mùi ấy quyện lại với nhau mà lòng tôi đau như cắt. Cha không cho chị em tôi làm việc nặng nhọc khiến chúng tôi thấy mình vô dụng quá, chẳng giúp gì được cho cha.

Gạt nước mắt, chị em tôi bảo nhau cố gắng học hành, sau này cho cha bớt khổ… Một hôm dành dụm được hai nghìn đồng, tôi ra quán tạp hóa đầu ngõ mua một gói nước xả vải cho cha. Về nhà, tôi giặt quần áo đã lén bỏ vài giọt vào áo của cha, tôi thấy lòng vui lắm! Thế nhưng mọi chuyện không như tôi nghỉ, cha tôi biết chuyện đã rất buồn, cha bảo lần sau đừng làm như vậy, cha không cần quần áo ướp hương thơm đâu, nghề của cha bụi bặm bươn trải quen rồi…

Giờ đây, nhà tôi đã khá giả hơn nhưng mỗi lần nghĩ về tháng ngày khó khăn, vất vả của cha trước đây mà tôi không cầm lòng được. Mỗi khi đi đến nơi nào đang xây dựng, bắt gặp hình ảnh người đàn ông trộn cát sỏi, xi măng đổ vào những chiếc xô tôi lại thấy nhói lòng…

Đào Thu Hương (Tú Lệ, Văn Chấn, Yên Bái)

Các tin khác

Đá có buồn không nhỉ?/ Khi năm tháng trôi qua/ Cảnh vật xưa đã xa/ Thời gian đâu trở lại.

Tôi được nghỉ học mấy ngày, cũng là mấy ngày mẹ tôi nằm trên giường bệnh. Tôi và cha thương mẹ nhưng cũng không biết làm gì vì có thể làm được gì đây? Cha tôi cũng đã rất cố gắng, giờ chỉ còn đợi mẹ hồi phục sức khỏe.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ. Nhà tôi cách trung tâm thị trấn khoảng 15 phút đạp xe. Căn nhà tôi đang ở là căn nhà có từ thời ông nội tôi và có lẽ đã được xây dựng cách đây từ lâu lắm. Nhà rộng, quang đãng, trước cửa nhà tôi bốn mùa đều rực rỡ sắc màu của những bông hoa xinh đẹp ông nội tôi trồng.

Tiếng trống trường vừa dứt, nó vớ ngay lấy cái cặp, đạp xe thật nhanh. Guồng quay càng nhanh thì tiếng khóc của nó cũng càng lúc càng to. Nó không tin, nó vẫn không thể tin! Một cán sự bộ môn, một cô học sinh luôn đứng đầu khối về điểm phẩy môn Văn mà lại rớt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục