Lời em muốn nói
- Cập nhật: Thứ năm, 13/11/2014 | 9:05:42 AM
Năm tháng trôi qua đong đầy kỉ niệm vào từng ô trống thời gian, đưa đẩy bao niềm vui, nỗi buồn và ẩn giấu bao tâm tư chưa nói.
Ngày ấy, em - cô bé lớp 10 chân ướt chân ráo bước vào trường đã từng “tiu nghỉu” khi biết tin thầy được phân công dạy lớp em. Em đã là đứa đành hanh rủ rê chúng bạn viết đơn xin đổi giáo viên ngay từ tiết học đầu tiên vì chẳng mấy ấn tượng với giọng giảng của thầy. Em cũng là đứa sinh ra vào giờ "tôm" nên cứ "bật tanh tách", hay cãi, thích thể hiện bản thân. Nhưng rồi em nhận ra mình đã sai khi có những suy nghĩ ấy.
Trong ngôi nhà "Sinh học" này, thầy vừa là người cha vừa là người bạn luôn ở bên quan tâm, động viên, lo lắng cho chúng em. Với em, thầy không phải là người đầu tiên cho em tình yêu với môn học nhưng là người bồi đắp trong em sự hăng say, niềm đam mê dành cho môn Sinh không bao giờ tắt. Tình cảm của thầy như cơn gió mát, làm êm dịu tâm hồn học trò nhỏ, là ngọn lửa ấm áp, rực rỡ giúp bùng mãi lên sự nhiệt huyết.
Thầy như người bạn đồng hành cùng em bước đi trên con đường đầy chông gai, thử thách. Có lẽ em chỉ hiểu được một phần sự nhiệt tình, quan tâm thầy dành cho chúng em khi đêm đêm thầy miệt mài bên trang giáo án, khi mỗi chuyến công tác thầy lại dành thời gian đi vòng vòng chọn những cuốn sách hay cho đám trò nhỏ. Em chỉ biết được một phần sự lo lắng, yêu thương nơi thầy qua những tin nhắn hỏi han khi em ốm, qua ánh mắt chờ đợi, trông mong khi chúng em trải qua các kì thi.
Thầy có biết em cảm thấy ấm áp, gần gũi, được yêu thương đến thế nào không khi trông thấy cái bóng cao, gầy của thầy nơi cổng trường lúc em hoàn thành xong bài thi mệt mỏi. Cô học trò nhỏ sau bao tháng ngày ôn tập, học hành vất vả, làm bài căng thẳng, kìm nén bao xúc cảm chỉ chực chờ đến phút giây này là vỡ òa, hớn hở chạy đến bên thầy để tìm hơi ấm của một người thân trong gia đình thân thương, nằm trong vòng tay vỗ về, dỗ dành cho thỏa sự “mít ướt”, nũng nịu.
Em yêu quý, kính trọng thầy từ những điều giản dị nhất. Qua cái sự phóng khoáng, thoải mái theo đúng quan niệm "anh hùng không câu nệ tiểu tiết" mà em yêu thích. Yêu từ những phút giây thầy cùng "lũ trẻ trâu" chúng em "chém gió". Yêu cả những cách phát âm không chuẩn của thầy mà chúng em vẫn thường mang ra làm đề tài bàn tán.
Em - con bé 18 tuổi ngây ngô chưa hiểu chuyện lúc nào cũng nghịch ngợm, toe toét, hay bày trò trêu trọc thầy giáo, dùng cái sự ngu ngơ mà không ít lần làm mọi thứ rối tung lên khiến thầy đau đầu, hay có một trí tưởng tượng quá mức, xa rời hiện thực, nói ra nhiều câu làm thầy thêm buồn lòng, nghĩ ngợi. Và em cũng là đứa vẫn “ngây ngô” không chạm tay tới những điều sâu sắc và tâm tư thầm kín, chỉ biết dùng thanh kẹo béo để xoa dịu những nỗi buồn. Vì theo cái lý thuyết của "Sinh vật hội" mà em đã từng đọc được ở đâu đó, kẹo mang cho ta cảm giác ngọt ngào và tâm hồn thư thái.
Có lẽ khi đọc bài báo này, thầy sẽ lại một lần nữa ngạc nhiên về cái "văn phong sến sẩm" của em, khi mà thầy vẫn thường nói em không hợp với văn chương ủy mị. Và quả thật, cái sự "văn vẻ bóng bẩy" này quá khác lạ so với hình ảnh nghịch ngợm, đấm đá "huỳnh huỵch" của em thường ngày. Có thể thầy sẽ ngạc nhiên vì những điều em viết, vì những điều đó em chưa từng nói ra. Có thể là do em xấu hổ, là do em luôn tỏ ra là đứa hay phá phách, sở hữu cái điệu cười "phù thuỷ" trước thầy hơn là nói những câu "ướt át", cũng có thể do những tâm tư, tình cảm thiêng liêng xuất phát từ trái tim ấy luôn là những điều khó bày tỏ nhất.
Nguyễn Ngọc Phương Mai (Lớp 12A, Trường THPT Chu Văn An, Văn Yên)
Các tin khác
Thời gian trôi đi thật nhanh, mới đây thôi vậy mà đã hơn 2 năm từ khi con trọ học xa nhà, xa bố mẹ, xa vòng tay yêu thương, che chở, vỗ về mỗi ngày.
Nó là một đứa con gái ban A nhưng lại là một cô gái có tâm hồn thơ mộng. Nó rất yêu Văn và dường như văn chương đã trở thành một phần trong cuộc sống của nó, là dòng suối tươi mát nuôi dưỡng tâm hồn nó.
Đã lâu lắm rồi nó không về lại ngôi trường cấp 2, về sau ngày tổng kết năm cuối cấp, nó và bạn bè mỗi đứa một nơi. Đứa thì học tại huyện, đứa xuống thành phố học, có đứa lại chuyển đi tỉnh khác. Có lẽ, nếu không vì lấy bằng tốt nghiệp thì chắc còn lâu lắm nó mới có dịp quay lại trường xưa.