Tôi biết chị N.H Đ. Khanh (26 tuổi) qua lời giới thiệu của một người bạn. Cô gái trẻ lạc quan, yêu đời đã đồng hành, san sẻ khó khăn với người dân mùa dịch bệnh thì nay phải tự chiến đấu với Covid-19. Chị Khanh là F0 đang được điều trị ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Bỗng dưng thành F0
Chị Khanh công tác tại UBND một phường ở TP.HCM. Dịch bệnh bùng phát, chị tham gia chống dịch với nhiều công việc khác nhau. Chị hỗ trợ bưng bê rau củ, nhu yếu phẩm của mạnh thường quân phân phát cho bà con khu vực cách ly, phong tỏa. Bên cạnh đó, người dân có nhu cầu đi chợ sẽ được phát phiếu và đăng ký số lượng hàng hóa. Chị là người đi chợ giúp dân. Khi khu vực cần xét nghiệm tầm soát, chị và đồng đội hỗ trợ nhập liệu, điều phối tại các điểm xét nghiệm đó.
"Chúng tôi vẫn hay nói với nhau là không biết ai sẽ nhiễm bệnh lúc nào. Vì không ai biết được những người mình tiếp xúc có phải là bệnh nhân hay không? Chúng tôi chỉ có thể cố gắng bảo vệ chính mình hết sức có thể, nhưng rủi ro thì bọn mình vẫn phải nghĩ tới”, chị Khanh chia sẻ.
Sau thời gian hỗ trợ người dân, chị Khanh được xét nghiệm Covid-19 cho kết quả âm tính. Nghĩ rằng mọi thứ đều ổn, chị về nhà nghỉ ngơi, giữ sức khoẻ để tuần mới xét nghiệm lại và bắt đầu công việc. Tuy nhiên, thời gian này, chị có biểu hiện sốt. Linh tính mách bảo, chị vội chạy ra Trung tâm Y tế Q.Bình Thạnh để xét nghiệm nhanh. Kết quả dương tính.
Tham gia tình nguyện trên địa bàn, chị Khanh (người thứ 3 từ trái qua) chuẩn bị sẵn tâm lý mình sẽ nhiễm bệnh
"Tôi phát hiện nhiễm Covid-19 vào sáng chủ nhật tuần trước, đúng ngày mở đầu của tháng mới. Nhìn những con số về Covid-19 tăng giảm mỗi ngày, tôi luôn nghĩ nếu 1 ngày nào đó mình cũng nhiễm thì như thế nào. Và ngày hôm nay đúng thế, tôi cũng là bệnh nhân. Khi nhận kết quả, tôi vẫn cười với bác sĩ và bảo: "Em biết rồi, em cũng nghi thế”, chị Khanh kể lại.
Điều nuối tiếc nhất với chị là khi kết quả xét nghiệm âm tính, chị về nhà, tiếp xúc với gia đình. Nhưng giờ bố mẹ, em trai và người thân trong nhà thành F1, cách ly tại nhà.
Covid-19 cũng sẽ vượt qua
Vào khu điều trị, chị Khanh bất ngờ bởi không khí và tinh thần của các F0 khác. Họ lạc quan, tích cực đối diện thực tế. Không chỉ vậy, họ còn động viên, san sẻ với nhau áp lực tinh thần.
"Khu của tôi có một bé nhỏ xíu, mới 2 tuổi nhưng rất ngoan, theo mẹ đi điều trị. Mọi người tích cực đến mức khi xét nghiệm nhanh xem có ai được về không, thì không ai được về cả. Nhưng mọi người không buồn, còn chọc nhau là đá penalty chưa vào rồi. Có mấy hôm ăn xong, mọi người kêu Khanh ơi xuống ca đi em”, chị hào hứng chia sẻ.
Đặc thù công việc tình nguyện của chị là đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người trong khu cách ly, phong tỏa
Nhìn thấy mọi người chiến đấu, chị bắt đầu thay đổi suy nghĩ của mình. Nếu cứ mãi lo lắng, buồn phiền vì việc này thì sức khoẻ của chị sẽ tiếp tục xuống dốc. Rất nhiều bệnh nhân F0 đã khỏi bệnh và về nhà. Việc đón nhận và điều trị tích cực là giải pháp tốt nhất để cứu chính mình lúc này.
Nhờ vậy, sức khỏe của chị đã ổn định sau 4-5 ngày điều trị. Chị có mệt cũng cố gắng ngồi dậy để tập thể dục và đi vòng vòng trong phòng. Bên cạnh đó, chị còn lan tỏa những năng lượng tích cực mình trên mạng xã hội để người thân, bạn bè thấy chị vẫn ổn.
"Bệnh thì cũng đã bệnh rồi, buồn bã lo lắng chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn mà thôi. Mỗi ngày ở chỗ điều trị tôi đều cố gắng ăn đủ bữa, tập thể dục, phơi nắng, làm những điều vui vẻ tại khu cách ly. Tôi cũng mong mọi người hãy tích cực đối diện với nó, giữ sức khỏe và đừng sợ hãi. Hãy bình tĩnh đối mặt và vượt qua nó, như cái cách tôi đang vượt qua nó mỗi ngày”, chị tâm sự.
Chị Khanh hỗ trợ vận chuyển và phân phát rau củ, nhu yếu phẩm đến bà con.
Người thân cách ly tại nhà cũng thường xuyên gọi điện, động viên chị. Gia đình ủng hộ chị tham gia các hoạt động tình nguyện. Hiểu tính chất công việc của con, khi biết tin, các thành viên đều bình thản đón nhận.
Trong thời gian điều trị, chị Khanh vẫn điều hành nhóm tình nguyện của phường. Chị còn vận động nguồn lực chăm lo cho các bạn sinh viên không thể về quê và tổ chức các hoạt động online cho các bạn trẻ, thiếu nhi ở phường. Dường như nỗi sợ Covid-19 đã biến đi đâu mất, chỉ còn lại một Đ.Khanh vui vẻ, lạc quan chiến đấu.
Chị nói thêm: "Làm tình nguyện viên thật sự là những ngày tháng khó quên và ý nghĩa nhất trong tuổi trẻ. Tôi thấy tuổi trẻ của mình có ích khi đã được cùng thành phố vượt qua đại dịch. Dẫu có rất nhiều rủi ro mà tôi phải đối mặt. Tuy nhiên, Covid-19 thật sự không phải là điều gì quá đáng sợ đâu. Giờ tôi chỉ mong mình sớm khỏi bệnh, được về nhà để tiếp tục những nhiệm vụ còn dang dở”.
(Theo TNO)