Cuộc thi quan trọng nhất của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 diễn ra lúc 8h30 ngày 14/11 với sự tranh tài của bốn thí sinh: Nguyễn Hoàng Khánh (THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh), Nguyễn Việt Thái (THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Thiện Hải An (THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) và Nguyễn Đình Duy Anh (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An). Đây là những thí sinh xuất sắc đã vượt qua 140 bạn khác để đến trận đấu cuối cùng.
Điểm số của 4 thí sinh ở cuộc thi tuần, tháng và quý
Nguyễn Hoàng Khánh là nam sinh duy nhất trong bốn thí sinh không học trường chuyên và là người đầu tiên giành vé dự trận chung kết, sau khi về nhất cuộc thi quý I với 375 điểm.
Khánh gây ấn tượng ngay ở cuộc thi tuần. Tự tin giới thiệu có sở trường đọc rất nhanh, "thường một trang sách chỉ mất 7-8 giây để đọc", Khánh từng khiến nhiều người trầm trồ. Chính khả năng đọc nhanh đó đã giúp em lập kỷ lục của Đường lên đỉnh Olympia khi trải qua tất cả 17 câu hỏi trong vòng 60 giây của phần thi Khởi động. Trong tuần đầu tham gia đó, em giành tổng 320 điểm, phải tham gia phần thi câu hỏi phụ trước khi nhận được vòng nguyệt quế.
Ở cuộc thi tháng, "ông vua tốc độ" về nhì với 270 điểm. Em trở thành thí sinh có điểm nhì cao nhất, nhận tấm vé "vớt" vào cuộc thi quý. Tuy nhiên, Khánh thể hiện bản lĩnh khi giành tới 375 điểm ở trận đấu mang tính quyết định vào trận chung kết.
Với khả năng đọc nhanh, kiến thức chắc chắn, Khánh được kỳ vọng đem về ngôi quán quân lần thứ ba cho tỉnh Quảng Ninh. Trước đó, địa phương này có ba thí sinh vào tới trận chung kết. Hai trong số đó vô địch vào năm 2012 và 2018.
Nguyễn Việt Thái, học sinh chuyên tiếng Đức của trường THPT chuyên Ngoại ngữ, là thí sinh giành tấm vé thứ hai vào chung kết Olympia với 295 điểm ở cuộc thi quý II.
Được mệnh danh là "thần đồng", bắt đầu biết đọc từ khi mới hơn 2 tuổi, lên tiểu học, Việt Thái còn tự đứng ra tổ chức các cuộc thi mô phỏng Đường lên đỉnh Olympia để tranh tài với các bạn đồng trang lứa. Vì vậy, nam sinh cho rằng được tham gia Đường lên đỉnh Olympia đã như một giấc mơ trở thành hiện thực chứ chưa nói đến việc vào tới trận chung kết.
Giống như Hoàng Khánh, Thái có một trận thi đấu chỉ về nhì nhưng là ở thi tuần với số điểm 280. Nam sinh càng chơi càng hay ở hai trận sau, đặc biệt là phần thi Tăng tốc và Vượt chướng ngại vật, qua đó giành vòng nguyệt quế hai lần liên tiếp ở trận tháng và quý với số điểm lần lượt là 255 và 295. Em trở thành niềm tự hào của trường chuyên Ngoại ngữ khi mang được cầu truyền hình về trường sau 17 năm chờ đợi.
Cũng đến từ một trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Thiện Hải An, học sinh chuyên Hóa trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, được ví như "kỷ lục gia". Ngay từ vòng thi tuần, nam sinh đã thiết lập hai kỷ lục khi giành nhiều điểm nhất phần thi Khởi động (150 điểm) và đạt tổng điểm cao nhất Olympia năm thứ 21 (410).
Đến cuộc thi tháng, An chỉ giành 260 điểm, mức khá khiếm tốn so với những gì em làm được ở cuộc thi tuần nhưng đủ để giúp em vào cuộc thi quý với tư cách là thí sinh có điểm nhì cao nhất.
Ở cuộc thi quý, nam sinh có một trận đấu kịch tính tới phút cuối. Em chỉ biết mình chiến thắng sau khi nhấn chuông giành quyền trả lời câu hỏi cuối cùng trong gói câu hỏi của thí sinh khác. Giành 325 điểm một cách "nghẹt thở", An vỡ òa trong hạnh phúc.
Có thế mạnh ở phần Khởi động, Hải An cho rằng cần cải thiện tính chính xác trong phần Vượt chướng ngại vật và tốc độ ở phần Tăng tốc để tận dụng cơ hội gia tăng điểm số trong trận cuối cùng. "Vào đến vòng cuối cùng, em chắc chắn làm hết sức để không tiếc nuối điều gì và cũng để hành trình của mình tại Olympia khép lại một cách trọn vẹn", An nói.
Thí sinh cuối cùng giành tấm vé vào chung kết là Nguyễn Đình Duy Anh. Chàng trai từng là thủ khoa lớp chuyên Lý của trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An giành được lần lượt 320, 250 và 250 điểm ở ba cuộc thi tuần, tháng, quý để trở thành thí sinh thứ hai của Nghệ An vào được chung kết năm.
Người trước đó từng vào chung kết năm và trở thành nhà vô địch Olympia năm thứ 19 là đàn anh cùng trường Trần Thế Trung. Điều này mang tới cho Duy Anh một chút áp lực.
Tự đánh giá có thế mạnh về Vật lý và điểm yếu là Sinh học, Địa lý, Ngữ văn, Duy Anh đã cố gắng cải thiện trong hai tháng chuẩn bị cho trận chung kết. Ba trận đấu trước cho thấy Duy Anh không tốt đều ở bất kỳ phần thi nào nhưng luôn có sự đột phá, bùng nổ ở những khoảnh khắc quyết định. Em sẽ là nhân tố có thể gây bất ngờ trong trận đấu quyết định vào ngày 14/11 tới.
Cả bốn thí sinh từng trải qua cảm giác thấp thỏm khi chỉ về nhì ở cuộc thi tuần hoặc tháng và rồi cả bốn đều đạt phong độ tốt ở những trận thi đấu mang tính quyết định để đến được vòng chung kết. Đều đánh giá cao lẫn nhau, các thí sinh hứa hẹn tạo ra màn tranh tài hấp dẫn vào sáng chủ nhật tới.
(Theo VnExpress)