Những cuộc tranh tài
- Cập nhật: Thứ hai, 27/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tuấn và tôi đang trên đường xuống thành phố Yên Bái thì nhìn thấy Trang – cô bạn gái cùng lớp - đi ngược chiều. Tuấn gọi to:
Đường đến tương lai.
(Ảnh: Thanh Hương)
|
-Ê! Sếp đi đâu đấy?
-À! Mình… mình đi thăm… bác ruột… bị ốm ấy mà - Trang lúng túng rồi ngập ngừng trả lời.
Tuấn bèn ghé tai tôi thì thầm: “Sếp Trang đi học thêm ở thành phố đấy, tớ còn lạ gì. Trang sợ tụi mình biết là có đi học thêm rồi cũng lại đi học thêm như thế thì giỏi bằng sếp mất”. Ngừng một chút, Tuấn hạ giọng: “Mà ngay kể cả mình đây này, mình cũng chẳng muốn bạn nào biết là mình có đi học thêm học nếm đâu. Nhỡ có ai hỏi thì cậu cũng đừng có “nghĩa lộ” đấy nhá!”.
Tôi chưa hết sự ngạc nhiên về những điều Tuấn vừa nói thì lại được chứng kiến một chuyện khác còn có phần lạ lùng hơn…
Vừa bước chân vào cửa nhà người cô, tôi đã nghe thấy tiếng chí chóe ở trong. Tiếng cái Bích, em họ tôi và vài đứa bạn nó có vẻ rất nặng nề, đầy trách móc:
-Lúc tớ hỏi bài thì cậu bảo không làm được. Ấy thế mà bây giờ trả bài, cậu lại được những 9 điểm. Lạ thật! Hay là cô giáo cho cậu nhầm điểm?
Một phút im lặng đáng sợ trôi qua, lát sau, có giọng con gái thanh minh:
-Tớ nói không làm được vì cứ tưởng mình làm sai, ai ngờ đúng cả, sai mỗi một tẹo. May ơi là may!
“Tưởng bài mình bị điểm kém mà lại được điểm cao, cứ tin tưởng mình được điểm cao thì “xơi” ngay điểm kém là chuyện bình thường. Có gì đâu mà phải quan trọng hóa vấn đề thế nhỉ?” – tôi mang suy nghĩ này nói với Bích.
Nó phản ứng ngay:
-Anh không biết thì thôi, lớp em có mấy bạn “chuyên gia” giả vờ mình làm bài sai, không học bài, không làm bài… để lòe bạn bè đấy!
Một cậu bạn của Bích xen ngang:
-Trong giờ học, có bạn còn giả vờ nói chuyện riêng, ngủ gật, không nghe giảng để rồi về nhà học như thụi. Cuối cùng thì điểm của các bạn ấy vẫn cao.
Mục đích của những bạn như vậy thì đã rõ rồi, họ chỉ muốn người khác lười học đi để một mình mình chiếm vị trí “tối cao” ở lớp. Giá như, tất cả mọi người đều sáng suốt nhận ra điều ấy thì chẳng nói làm gì, nhưng đằng này…
Một người bạn của tôi học ở thành phố Yên Bái ấm ức:
-Chẳng gì thì mình với hắn cũng ngồi gần một năm trời cùng bàn, chung với nhau bao nhiêu trò nghịch ngợm. Nghe lời khuyên của hắn: “Hai đứa mình đều thông minh nên chỉ cần học vừa vừa thôi là được rồi, tội gì học chăm cho đầu to mắt cận”. Mình học tằng tằng và tất nhiên là điểm số cũng chỉ… tằng tằng. Còn hắn, lần nào bài kiểm tra cũng được điểm cao. Mình hỏi thì hắn bảo là do chữ đẹp, trình bày rõ ràng và… số may nên được điểm cao.
Lại còn có cả chuyện, một cô bạn là lớp phó học tập, luôn xui bạn bè thân thiết của mình chỉ nên học “tủ”, còn cô ấy thì học trên cả diện rộng. Và thế là, trong khi bạn bè khóc dở mếu dở vì “tủ lệch” thì cô giành trọn những điểm 9, điểm 10.
Những cuộc tranh tài lành mạnh sẽ tạo động lực để tất cả bạn bè cùng cố gắng phấn đấu, đạt kết quả học tập tốt. Còn những kiểu tranh tài như trên thì thật chẳng nên chút nào. Người chiến thắng phải thực sự được những người thua cuộc cảm phục và vị nể. Bạn có cùng chung ý kiến với tôi không?
Đào Xuân Chung - (Lớp 12B2, Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên)
Các tin khác
YBĐT - Khi tôi còn nhỏ, tôi mong được thành công, như trở thành một bác sĩ giỏi, một nhà văn giỏi... và thật nổi tiếng. Với tôi, đó là thành công.
YBĐT - Vậy là chúng ta đã đi gần hết chặng đường trung học phổ thông rồi phải không, lớp mình? Ba năm là khoảng thời gian để gặp gỡ, quen biết, học cùng nhau, chia sẻ với nhau mọi buồn vui và khó khăn. Tập thể 12K đã trở thành một gia đình đầm ấm dưới mái nhà chung: Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Đó là một niềm vinh dự lớn không chỉ đối với riêng tớ mà đối với tất cả các cậu nữa đấy.
YBĐT - Đối mặt với những điều khó khăn, với tôi, đó quả thực là những “chướng ngại vật”. Tôi luôn cảm thấy buồn và tuyệt vọng mỗi khi thất bại. Những lúc như vậy, tôi thấy mình không còn động lực để phấn đấu, cứ luôn nhìn lại thất bại rồi than thở, lo lắng... Điều đó đã khiến tôi không đủ sức lực để vượt qua những “chướng ngại vật” ấy.