Hãy xem vấp ngã là một cơ hội!

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/4/2013 | 2:58:54 PM

Quan sát ba tôi trồng cây là niềm thích thú của tôi. Cái cách trồng cây của ông khiến tôi thực sự chú ý.

 Ba nuôi một ước mơ muốn biến khu vườn sau nhà thành một “khu rừng” nhỏ toàn những cây keo cao lớn. Nhưng thay vì chăm sóc và tưới tiêu cho cây, ba tôi mặc kệ chúng với mưa gió. Rồi cứ sau một ngày, ông kiểm tra xem nếu cây con nào không chịu được sẽ thay thế luôn bằng cây con khác. Hàng ngày, ba vẫn tự nhiên dẫm đạp lên chúng. Muốn sống hay chết, phát triển hay bị ruồng bỏ là tùy thuộc vào sức mạnh của mỗi cây keo con. Không dưới chục lần quan sát ba tôi, tôi đã trách ông chăm sóc cây không tốt, rồi ông sao mà kỳ lạ thế. Nhưng đáp lại thái độ đó ba chỉ cười hiền và xoa đầu tôi: “Con yêu, lớn lên con sẽ hiểu”.

Mười lăm tuổi, tôi cũng bắt đầu trồng hai cây chanh ở sau vườn. Hàng ngày, tôi nâng niu và chăm sóc chúng như báu vật. Đọc thật nhiều sách báo để bảo đảm rằng tôi đã chăm sóc hai cây chanh thật tốt. Đáp trả lại sự cần cù của tôi, chúng lớn lên khỏe mạnh trông thấy, đơm hoa và cho những trái đầu tiên. Nhưng sau một đêm gió bão lớn, tôi hụt hẫng ngắm nhìn, hai cây chanh của tôi co quắp vào nhau. Chúng đổ nghiêng xiêu vẹo, ngắc ngoải giữa sự sống và cái chết. Bất giác đưa mắt về rừng keo của ba tôi, chúng ngày một lớn lên, tươi tốt và tràn trề sức sống. Không giống 2 cây chanh tôi bỏ bao công sức ra chăm chút. Chỉ sau một lần gió bão, chúng đã không còn có thể kháng cự được nữa.

Tôi mười sáu. Tôi có một người thầy giáo hết mực tâm huyết với học sinh. Đối với thầy, quan niệm về trách nhiệm của người thầy giáo không chỉ dừng lại ở việc truyền dạy kiến thức sâu rộng mà còn dạy cho học sinh cách làm người bản lĩnh. Thầy từng nói rằng: “Các em giờ đây rất phụ thuộc vào người khác. Không chịu nhận trách nhiệm và lỗi lầm. Sở dĩ là ngay khi còn bé, các em có bị ngã, có bị đau thì ba mẹ cũng đổ hết lỗi là do cục đá, do cánh cửa… chứ không phải do bản thân các em. Chính ba mẹ cũng góp phần tạo dựng cho các em những suy nghĩ sai lệch từ bé. Còn lại là do chính bản thân các em, không biết đứng lên sau khi bước hụt”.

Câu nói này cứ ám ảnh tôi mãi. Thực sự đúng như vậy, chúng ta đã quá ỉ lại. Nhưng không phải vì thích, mà vì sợ. Chúng ta sợ mình sẽ không chịu đựng được sau những cú ngã, chúng ta sợ sẽ không thể mạnh mẽ bước tiếp. Vì thế đã chọn cách dựa dẫm thay vì đối mặt. Con người đã quen được bao bọc và nâng niu từ bé, điều đó trở thành thói quen phụ thuộc, khi để họ một mình dưới hố sâu, họ sẽ ở đó chờ người đến cứu chứ không tự cứu lấy bản thân mình.

Tôi là An và tôi 16. Ba tôi không còn có thể dắt tay tôi đi dạo rồi kể cho tôi nghe những câu chuyện được nữa. Ông đã ra đi mãi mãi và để lại trong tôi sự thương nhớ và nỗi đau không thể xóa hết. Nó sẽ nhòa đi theo thời gian nhưng những lời dạy của ba tôi thì không thể nhòa. Sau từng ấy năm tháng không có ba ở bên, tôi thay ba theo dõi “rừng keo” lớn từng ngày.

Tôi đã đủ lớn để hiểu những gì mà ba tôi muốn tôi hiểu. Đó là việc hãy chọn cách nhận lỗi và sửa lỗi. Hãy đứng lên thay vì gục ngã! Và rằng con người ta phải mạnh mẽ đối mặt với sóng gió thì bản thân mới trở nên kiên cường. Cũng như hai cây chanh của tôi, do chúng được tôi che chắn và bảo vệ từ bé, nên chỉ sau một trận mưa gió, chúng đã bị khuất phục và lùi bước.

Nhỏ nhoi và yếu đuối quá phải không? Những cây keo của ba tôi lại khác, chúng đã quen đối mặt với khó khăn ngay từ khi còn nhỏ bởi cái kỷ luật hà khắc của ba. Chắc hẳn không ít lần chúng có suy nghĩ đầu hàng và lùi bước. Chúng cũng “ngã” nhiều chứ, chặng đường khôn lớn đâu có dễ dàng gì. Nhưng những cây keo con đó chọn cho mình một con đường khác: Vượt qua những vấp ngã để đứng dậy sống tiếp. Có được rèn luyện như vậy, chúng mới sống tốt và bền bỉ như bây giờ.

Hãy tưởng tượng cuộc sống của chúng ta là một khu phố, nơi đó có thật nhiều con đường. Những con đường có điểm xuất phát nhưng không có điểm tận cùng. Chúng có thể đưa ta đến thành công hoặc thất bại. Tùy thuộc vào chúng ta sẽ đi trên nó như thế nào. Ai cũng đã từng lao vào những đường cụt nhưng không phải ai cũng mạnh mẽ quay đầu lại bước tiếp. Hãy kiên cường lên nhé! Ý chí đừng chỉ đặt trong đầu, hãy đặt nó trong tim. Hãy làm hết sức mình có thể để thoát khỏi bóng tối và tìm đến những ánh mặt trời ấm áp. Cuộc sống mỗi người một khác. Và khó khăn người chịu hơn, người chịu kém. Luôn không công bằng. Vậy thì đừng để nó thỏa mãn cái sự bất công đó!

Tôi là An và tôi 16… Người ta vẫn thường nói cuộc sống như một dòng chảy, được hiền hòa và bình lặng là tốt nhất. Nhưng là người trẻ, tôi không cho phép cuộc sống của mình như vậy. Tôi muốn nó phải có chút sóng, chút gió. Rồi tôi sẽ không để cho nó nhấn chìm tôi. Tôi sẽ không sợ đâu, sẽ tìm đủ mọi cách đương đầu. Mà nếu có lúc nào tôi yếu đuối, những con sóng đó, nheo mắt nhìn bầu trời xanh. Thâm tâm tôi sẽ suy nghĩ về ba tôi, gia đình tôi, bạn bè tôi và cuộc sống nhỏ này.

“Hãy xem việc vấp ngã là một cơ hội mở ra cho chính mình vì thành công lớn nhất là đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã”.

Tôi là An và tôi 16...

Lê Tú An (Lớp 10 Lý, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)

Các tin khác

Cả nhà yêu quý! Vậy năm nay con đã 15 tuổi. Mười lăm năm - một khoảng thời gian không dài mà cũng không phải là ngắn. Con cảm ơn vì tất cả những gì mọi người đã dành cho con.

Niềm vui tới trường. (Ảnh Hoàng Đô)

Tôi là đứa trẻ mồ côi được nội đem về nuôi. Mọi người gọi tôi bằng cái tên là “Mắm Đen”. Đơn giản chỉ vì tôi bị bỏ rơi ở quán mắm và da tôi đen thui. Tôi lớn lên trong tình yêu thương của nội và mọi người xung quanh…

“Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa…” - lời bài hát của nhạc sĩ Thế Song đã trở nên thân thuộc với bao trái tim Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục