Niềm tin của bạn đọc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/6/2015 | 3:11:03 PM

YênBái - YBĐT - Năm 1995 tờ Yên Bái vùng cao ra đời là sự quan tâm lớn của tỉnh với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng. Hơn thế ấn phẩm được cấp không thu tiền tới các đối tượng là trưởng thôn bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các trường học bán trú, dân tộc nội trú, thư viện, bưu điện văn hóa xã…

Báo Yên Bái vùng cao đến với thanh niên dân tộc thiểu số.
Báo Yên Bái vùng cao đến với thanh niên dân tộc thiểu số.

Năm 2007, báo Yên Bái vùng cao bắt đầu được biên dịch sang chữ Mông ở một số trang dưới dạng song ngữ Việt - Mông đây là một thuận lợi lớn không chỉ trong công tác tuyên truyền mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn chữ viết Mông vốn đang bị mai một.

Sau 20 năm hoạt động, báo Yên Bái vùng cao song ngữ Việt - Mông đã không ngừng phát triển, hiện nay luôn phát hành ổn định. Với chức năng “công cụ” tuyên truyền, tờ báo Yên Bái vùng cao song ngữ Việt - Mông đã trở thành cầu nối giữa Đảng với dân và ngược lại, là phương tiện hữu hiệu chuyển tải mọi thông tin về các sự kiện, sự việc, biểu dương, khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến và đặc biệt là đưa mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ, chính quyền địa phương đến với đồng bào trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tờ báo cũng đã phản ánh kịp thời về tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, sự ủng hộ của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đến với Đảng, Nhà nước.

Nhờ đó mà hiện nay đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao trong tỉnh không còn “đói thông tin” như trước đây, các thôn, bản ở những nơi xa xôi, hẻo lánh như: Tà Dông, Tà Sung của xã Chế Tạo hay Lùng Cúng, Phình Ngài của xã Nậm Có (huyện Mù Cang Chải), Tống Trong của Túc Đán, Cu Vai của xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu)... đã được tiếp nhận báo Yên Bái vùng cao song ngữ Việt - Mông.

Chị Đinh Thị Dương, dân tộc Mường, cán bộ Văn phòng UBND xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn phấn khởi cho hay: “Tôi thấy báo Yên Bái vùng cao đến với độc giả một cách đều đặn, các thông tin được đăng tải trên báo ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, hình ảnh đẹp, sát với thực tế, phù hợp với bạn đọc vùng cao, đã có tác động mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn sự đoàn kết làng xóm, láng giềng, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Xã tôi, có 5 dân tộc anh em cùng chung sống là: Mường, Kinh, Tày, Thái và Hoa thì hiện nay có khoảng trên 70% người dân đã đọc được báo, sau khi nhận báo, các trưởng thôn, bí thư chi bộ để ở nhà văn hóa cộng đồng của thôn...”. 

 Có thể nói, báo Yên Bái vùng cao song ngữ Việt - Mông  đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao dân trí, thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định dân cư, quảng bá những nét đẹp văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và động viên kịp thời những gương điển hình trong lao động, sản xuất, công tác xã hội...

Gặp chúng tôi, ông Thào Sáy Tủa, thôn Súa Giao, xã Xà Hồ (Trạm Tấu) phấn khởi nói: “Tôi biết cách chăn nuôi dê là nhờ đọc và học kinh nghiệm qua Báo Yên Bái vùng cao song ngữ đấy. 5 năm về trước, khi có ý định phát triển kinh tế hộ gia đình, tôi loay hoay mãi không biết làm cách nào thì được trưởng thôn cho mượn mấy tờ báo về đọc, tôi đã học được cách làm là phát triển chăn nuôi dê. Đến nay, đàn dê của gia đình tôi đang phát triển ổn định với số lượng trên 200 con/năm, cuộc sống của gia đình đã khá dần lên. Nay tôi đã mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt, phục vụ đời sống hàng ngày như: máy xát, ti vi, tủ giường, xe máy và ô tô...”.

Cùng phát triển kinh tế, giúp bà con, Báo Yên Bái vùng cao song ngữ Việt - Mông còn định hướng dư luận, hướng dẫn cho đồng bào thực hiện theo cái hay, cái đẹp như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ, lao động sản xuất, đưa con em đến trường, lớp học chữ, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, loại bỏ các hủ tục lạc hậu... , giúp đồng bào nhận ra những cái sai, cái xấu, cái lạc hậu như: nghèo vì hút thuốc phiện, nghèo vì du canh du cư, nghèo vì sinh đẻ nhiều con... Cùng đó, giúp đồng bào biết cách phê bình đúng đắn, đấu tranh ngăn chặn kịp thời những hành vi sai, trái với pháp luật, phê phán các thói hư tật xấu, tố giác tội phạm và phòng chống các tệ nạn xã hội đã và đang nảy sinh, tồn tại trong đời sống xã hội.

Ông Giàng A Chang - Chủ tịch UBND xã Tà Si Láng tâm sự: “Trên địa bàn xã, 100% người dân sinh sống là đồng bào Mông, trình độ dân trí còn thấp, nhận thức còn hạn chế cho nên trước đây người dân hay du canh, du cư, không chịu đổi mới trong lao động, sản xuất dẫn đến cuộc sống vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, đời sống của đồng bào đã có nhiều đổi thay, một phần cũng là nhờ có sự tác động mạnh mẽ của báo chí nói chung và ấn phẩm Yên Bái vùng cao song ngữ Việt - Mông nói riêng. Cụ thể là khi các thôn, bản họp chúng tôi thường lấy ví dụ về những tấm gương sáng làm kinh tế giỏi, những địa phương làm tốt công tác bảo vệ rừng, sản xuất giỏi mà có dịch chữ Mông cho bà con xem, thậm chí là đọc cho bà con nghe, từ đó vấn đề dân cư ngày càng được ổn định, nay bà con đã tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng và sản xuất thêm vụ, giúp đời sống ngày càng được nâng lên”.

Đức Hồng

Các tin khác

Sáng 4/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Báo Yên Bái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Báo Yên Bái xuất bản số đầu (05/11/1962 – 5/11/2022). Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tới dự và có bài phát biểu chỉ đạo định hướng công tác tuyên truyền đối với báo Yên Bái trong giai đoạn hiện nay. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

Sáng 4/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Báo Yên Bái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày xuất bản số đầu (05/11/1962 – 5/11/2022).

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 5/11/1962, Báo Yên Bái xuất bản số đầu tiên mang tên Cơ quan của Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Yên Bái, nay là Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Yên Bái, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Yên Bái. Ngày 5/11/1962 đã trở thành dấu mốc đặc biệt quan trọng, khẳng định vị thế của Báo Yên Bái hòa cùng hệ thống báo các đảng bộ địa phương để mở ra chặng đường phát triển mới của báo Đảng địa phương trong cả nước.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Dương Văn Thống cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn nút ra mắt giao diện trang Tiếng Anh trên Báo Yên Bái Online năm 2020.

Từ khi tái lập Báo Yên Bái năm 1991, nhiều thế hệ lãnh đạo Báo Yên Bái đã nghỉ hưu nhưng vẫn luôn đồng hành, tin tưởng và kỳ vọng Báo Yên Bái tiếp tục khai thác, phát huy vai trò, thế mạnh của mình qua việc thông tin khách quan, trung thực, chính xác, góp phần định hướng dư luận, giữ vững vị trí của báo chí cách mạng Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục