20 năm cầu nối đến vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/6/2015 | 3:22:55 PM

YênBái - YBĐT - Ngày 13/4/1995, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái có Thông báo số 295-TB/TU về một số chủ trương, trong đó có nội dung: “Đồng ý cho Báo Yên Bái xuất bản tờ tin “Báo ảnh Yên Bái vùng cao” trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng, có tác dụng thiết thực trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân vùng cao...”.

Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, tháng 5/1995, Báo Yên Bái đã xuất bản ấn phẩm Yên Bái vùng cao. Tờ Yên Bái vùng cao số 1 có 16 trang, in 4 màu khổ 21x29 chính thức ra mắt bạn đọc. Đến tháng 7/1995, báo Yên Bái vùng cao số 2 đã được xuất bản. Những số báo này, Ban biên tập đã trực tiếp chỉ đạo các Biên tập viên và họa sỹ của phòng Tòa soạn thực hiện trên cơ sở biên tập ngắn gọn các nội dung tuyên truyền trên báo thường kỳ và sử dụng lại ảnh màu của các phóng viên. Với số lượng 1.200 cuốn được phát hành chủ yếu ở địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian này ấn phẩm chính - Báo Yên Bái thời sự chỉ phát hành 2 kỳ trên tuần và in đen và xanh, trừ những số đặc biệt in 4 màu, thì việc xuất hiện ấn phẩm báo Yên Bái vùng cao nhiều ảnh màu, chữ to dễ đọc đã thu hút ngay sự quan tâm của bạn đọc. Tuy chất lượng in lúc đó chưa tốt, việc trình bày khá giản đơn mộc mạc song những nội dung trên báo lại mang lại giá trị tuyên truyền rất cao.

Đặc biệt là sự vào cuộc tuyên truyền cho cuộc vận động “ba bỏ” một cách kịp thời và thể hiện quyết tâm rất cao. Việc đăng ảnh HĐND biểu quyết thông qua nghị quyết vận động, những việc cần làm để xóa bỏ cây anh túc, những hỏi đáp pháp luật về hành vi nghiện hút, xử lý, rồi cách trồng cây mận tam hoa thay thế đã góp phần cùng các binh chủng thông tin tuyên truyền vận động đồng bào, nhất là đồng bào ở Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải thực hiện “ba bỏ”.

Phát huy hiệu quả của Yên Bái vùng cao số 1 và số 2, năm 1996 ấn phẩm Yên Bái vùng cao phát hành 4 kỳ báo (mỗi quý/1kỳ) 16 trang giấy cupse khổ 21x29 cùng với việc tuyên truyền các nội dung quan trọng của tỉnh diễn ra trong mỗi quý của năm, Báo tiếp tục tuyên truyền thực hiện cuộc vận động 3 bỏ, đồng thời giới thiệu những tiềm năng cây trồng ở vùng cao như: giá trị của cây quế, tiềm năng phát triển cây sơn tra, những kinh nghiệm rút ra sau khi tiến hành đại hội cơ sở và giới thiệu với bạn đọc về các huyện thị xã và các dân tộc chung sống trên địa bàn tỉnh. Thời gian này, việc xuất bản báo vẫn do các biên tập viên và họa sỹ trình bày của Phòng tòa soạn đảm nhiệm. Báo tiếp tục được in chữ to, ảnh màu để tạo điều kiện cho đồng bào vùng cao dễ đọc.

Có thể nói, ở giai đoạn mà thông tin báo chí ít, hệ thống phát thanh truyền hình hạn chế trong phủ sóng, chưa có internet, điều kiện văn hóa xã hội còn thấp kém thì tờ Yên Bái vùng cao đã cùng báo Yên Bái thời sự bổ sung thông tin đến nhiều các đối tượng là lãnh đạo các địa phương vùng cao. Có những lãnh đạo xã không đọc được, nhờ các cháu học sinh đọc hoặc mang về để con cháu đọc cho nghe để biết. Báo in 4 màu đẹp nên sau khi đọc, người dân đã lấy dán lên vách nhà để trang trí nên số người đọc đi rồi đọc lại để hiểu rõ hơn, người chưa đọc thì đọc để biết.

Từ năm 1997, Tỉnh ủy đã bổ sung kinh phí để báo Yên Bái vùng cao xuất bản đều đặn mỗi tháng 1 kỳ in 16 trang trên giấy tốt (cupse). Năm 1998, nội dung Yên Bái vùng cao được mở rộng đã tuyên truyền rộng rãi về các vùng miền Tổ quốc, các dân tộc Việt Nam, tuyên truyền kỹ thuật trồng cấy, các điển hình làm ăn góp phần xây dựng quê hương, về công tác dân số/KHHGĐ-SKSS… Số lượng phát hành giữ ổn định 1.650 tờ/kỳ tới tất cả các  thôn, bản xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, từ tháng 1/2006, báo Yên Bái vùng cao đã tăng kỳ, từ mỗi tháng 1 kỳ lên 2 kỳ/ tháng in 16 trang số lượng đã được nâng lên. Để đảm bảo hoạt động xuất bản, Ban biên tập đã tranh thủ ý kiến của tỉnh và quyết định thành lập Phòng báo Vùng cao Nội chính, chuyên phục vụ công tác xuất bản báo Yên Bái vùng cao và tuyên truyền về khối nội chính. Báo tăng 2 kỳ/tháng đã tăng được tính thời sự và có đổi mới trong công tác tuyên truyền, trong đó có các tên trang như: Sự kiện và vấn đề quan trọng, tin trong nước, các chuyên trang như Gương sáng vùng cao, nét đẹp quê hương, phòng chống HIV/AIDS, Dân số gia đình và trẻ em, nét đẹp quê hương.

Ấn phẩm đã thu hút được sự quan tâm của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn nhờ cách tuyên truyền ngắn gọn, in nhiều ảnh màu. Quan trọng hơn là việc rút ngắn thời gian xuất bản đã giúp cho bạn đọc tiếp cận những thông tin mới hơn, sớm hơn về thời gian, nên những câu chuyện đến với đồng bào đã trở lên gần gũi hơn.

Tháng 3/2006, Tỉnh ủy có Kết luận số 63 về kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại cuộc làm việc với Báo Yên Bái, trong đó đồng ý để Báo Yên Bái lập các đề án, tờ trình Thường trực xem xét một số nội dung liên quan đến việc đưa thêm ngữ địa phương (ngữ Mông) lên báo vùng cao. Thực hiện kết luận của Bí thư Tỉnh ủy, sau một thời gian chuẩn bị, tháng 1/2007, ấn phẩm Yên Bái vùng cao ra mắt bạn đọc với 2 ngữ là ngữ Việt và ngữ Mông. Báo đã in 20 trang với số lượng phát hành nâng lên 3.000 cuốn/kỳ. Có thể nói, đây là dấu ấn đặc biệt quan trọng trong hoạt động tuyên truyền, xuất bản của báo Yên Bái.

Từ đó đến nay, Báo đã có nhiều đổi mới trong lựa chọn nội dung tuyên truyền, về cách thức trình bày, chất lượng ảnh ngày càng được nâng cao. Nội dung tuyên truyền đã bám sát các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh diễn ra trên địa bàn tỉnh; hoạt động của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, góp phần quan trọng tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhất là việc thực hiện các chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng cao.

Đồng chí Phí Văn Nam - Phó tổng biên tập và lãnh đạo Phòng Yên Bái vùng cao kiểm duyệt makét trang báo trước khi chuyển chế bản, in ấn.

Báo Yên Bái vùng cao cũng xây dựng và duy trì tốt các chuyên mục như: Bảo vệ rừng; Đồng bào cần biết. Các chuyên trang Đời sống pháp luật, Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Học và làm theo tấm gương Bác Hồ, Gương sáng vùng cao, Chuyện ở bản mình đã có tác dụng tốt, động viên hướng dẫn đồng bào cùng làm theo. Các nội dung quan trọng đã được chuyển tải kịp thời, diện tuyên tuyền đều ở các địa phương vùng cao và diện đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Sau 20 năm, đã có 343 kỳ báo Yên Bái vùng cao được phát hành với khoảng 839 ngàn cuốn được chuyển đến tay bạn đọc. Hiện nay, Báo Yên Bái vùng cao tiếp tục duy trì mỗi tháng xuất bản 2 kỳ vào ngày 10 và 25 hàng tháng, mỗi số báo phát hành với số lượng 3.000 bản đến tận tay các trưởng thôn bản vùng cao, vùng sâu khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cán bộ địa phương, những trường học bán trú, trường dân tộc nội trú ở vùng cao, thư viện, bưu điện văn hóa xã...

Báo Yên Bái vùng cao đang góp phần cùng các loại hình, ấn phẩm của Báo Yên Bái thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số vững bước theo Đảng, theo Bác Hồ làm cho quê hương, đất nước thêm giàu đẹp. Đặc biệt, các trang biên dịch tiếng Mông đã mang lại hiệu quả trong tuyên truyền, tạo điều kiện để các lãnh đạo người dân tộc Mông, hoặc các cán bộ người dân tộc khác đang công tác ở vùng đồng bào Mông có thêm cơ hội để trau dồi vốn ngôn ngữ, nâng cao kỹ năng công tác ở cơ sở.

Kỹ thuật viên thực hiện công đoạn chế bản báo Yên Bái vùng cao.

Những bản dịch còn tạo ra sự hấp dẫn, sự hào hứng của các cháu học sinh vùng cao đang trong thời gian học chữ Mông trong chương trình bậc tiểu học của mình. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi đồng bào Mông được biết rằng, tiếng nói, chữ viết của mình đang được quan tâm gìn giữ và phát huy, phát triển, tạo niềm tin vững chắc và một lòng tin yêu Đảng, nghe theo sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó có ý nghĩa không nhỏ đóng góp vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng.

Cùng với kết quả đó, tháng 4 năm 2013, Báo Yên Bái tiếp tục nhận được lời mời của Thông Tấn xã Việt Nam trong việc xuất bản ấn phẩm Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ Việt - Mông. Đây là ấn phẩm có 48 trang, mỗi tháng một số in khổ 21x29 cm phát hành ở 13 tỉnh có đồng bào Mông, chủ yếu ở khu vực phía bắc với số lượng phát hành lớn. Qua 2 năm, báo Yên Bái đã khắc phục khó khăn về đội ngũ và cơ sở vật chất, phối hợp tốt để tổ chức biên dịch chữ Mông, dàn trang điện tử và xuất bản được 25 kỳ báo ảnh Dân tộc và Miền núi đáp ứng yêu cầu mà Ban biên tập báo ảnh của Thông tấn xã Việt Nam đề ra.

Thời gian tới, Yên Bái vùng cao tiếp tục kiên trì thực hiện quan điểm chỉ đạo là: "Thông tin của Báo vùng cao phải phù hợp trình độ và tâm lý đồng bào dân tộc thiểu số". Điều đó đòi hỏi những người làm báo Yên Bái phải tiếp tục nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, rèn dũa bản lĩnh và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Mỗi phóng viên, mỗi nhà báo sẽ lại ngày đêm có mặt trên khắp các nẻo đường vùng cao của tỉnh, đắm mình trong cái khó khăn của miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những địa phương đặc biệt khó khăn của tỉnh để phản ánh, để chia sẻ với đồng bào, làm sao để hiểu, để có thể nghe được tiếng nói, hiểu được những cái hay cái tốt, cái điển hình đồng thời nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân mà tuyên truyền cho đúng, cho trúng và mang lại hiệu quả cao nhất.

Cùng với phương châm tuyên truyền ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm theo, thì việc xây dựng các trang chuyên đề, số chuyên đề và tuyên truyền bằng ảnh báo chí nhằm tạo sự hấp dẫn riêng và tạo niềm tin sâu sắc hơn về những nội dung cần chuyển tải đến bạn đọc. Cùng với nâng cao chất lượng in ấn, mục tiêu tăng kỳ xuất bản Yên Bái vùng cao từ 2 kỳ lên 3 kỳ mỗi tháng và mở rộng diện phát hành cũng là vấn đề đặt ra trong thời gian tới. Đây sẽ là những giải pháp cơ bản để công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đồng bào tiếp tục đạt kết quả cao hơn, góp phần để Báo Yên Bái thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ giao phó.

Ông Hờ A Chỉnh - Bí thư Chi bộ bản Tú San, xã Nậm Có (Mù Cang Chải):

 “Tú San là một bản vùng sâu nên chỉ có báo mới đến được thường xuyên còn các kênh thông tin như phát thanh, truyền hình thì không có sóng nên không xem được, vì vậy tờ Báo Yên Bái vùng cao song ngữ Việt - Mông luôn là món ăn tinh thần của người Mông nơi đây. Học qua báo, hiện nay ở chỗ tôi đã có nhiều người biết cách phát triển kinh tế, sản xuất giỏi, làm tốt công tác bảo vệ rừng... đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng và sản xuất thêm lúa vụ hai đã giúp đời sống của người dân ngày càng được cải thiện hơn”.

 

 

Chị Sằm Thị Mới - Chủ tịch Hội phụ nữ xã An Phú (Lục Yên):

“Chị em chúng tôi ở xã đặc biệt khó khăn của huyện nên khi nhận được ấn phẩm nói về vùng cao, về đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi rất phấn khởi. Từ trang bìa đến các trang trong đều nói về vùng cao và các dân tộc. Ngoài nói về đời sống kinh tế - xã hội, báo còn nêu gương các điển hình, cách làm ăn của các dân tộc khác để chị em học tập. Tôi mong rằng báo in thêm để phát đến các tổ hội phụ nữ hoặc các đoàn thể khác cùng đọc thì sẽ tốt hơn”.

 

 

Ông Bàn Phúc Định thôn Khe Đóm 1, xã Xuân Tầm (Văn Yên):

 “Tôi rất phấn khởi vì ở những nơi vùng cao như chỗ chúng tôi đây không có điện, không có ti vi, không có sóng điện thoại nhưng lại nhận được nhiều thông tin bổ ích từ báo chí, trong đó có Báo Yên Bái vùng cao, đã giúp bà con người Dao biết cách chăn nuôi, bảo vệ rừng, trồng quế... Tôi thấy tờ Báo Yên Bái vùng cao rất phù hợp với người dân vùng cao chúng tôi, vì ít chữ, hình ảnh đẹp, câu từ dễ hiểu, dễ nhớ mà đưa đầy đủ các thông tin từ sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng và còn có các chuyên mục hướng dẫn người dân trồng trọt, chăn nuôi như chuyên mục: Đồng bào cần biết, chuyện làng, chuyện bản, câu chuyện pháp luật...”.

Nhóm phóng viên (thực hiện)

Quang Tuấn

Các tin khác

Sáng 4/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Báo Yên Bái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Báo Yên Bái xuất bản số đầu (05/11/1962 – 5/11/2022). Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tới dự và có bài phát biểu chỉ đạo định hướng công tác tuyên truyền đối với báo Yên Bái trong giai đoạn hiện nay. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

Sáng 4/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Báo Yên Bái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày xuất bản số đầu (05/11/1962 – 5/11/2022).

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 5/11/1962, Báo Yên Bái xuất bản số đầu tiên mang tên Cơ quan của Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Yên Bái, nay là Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Yên Bái, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Yên Bái. Ngày 5/11/1962 đã trở thành dấu mốc đặc biệt quan trọng, khẳng định vị thế của Báo Yên Bái hòa cùng hệ thống báo các đảng bộ địa phương để mở ra chặng đường phát triển mới của báo Đảng địa phương trong cả nước.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Dương Văn Thống cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn nút ra mắt giao diện trang Tiếng Anh trên Báo Yên Bái Online năm 2020.

Từ khi tái lập Báo Yên Bái năm 1991, nhiều thế hệ lãnh đạo Báo Yên Bái đã nghỉ hưu nhưng vẫn luôn đồng hành, tin tưởng và kỳ vọng Báo Yên Bái tiếp tục khai thác, phát huy vai trò, thế mạnh của mình qua việc thông tin khách quan, trung thực, chính xác, góp phần định hướng dư luận, giữ vững vị trí của báo chí cách mạng Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục