Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Báo Yên Bái xuất bản số đầu (5/11/1962 - 5/11/2022)

Tôi tự hào được làm báo Đảng

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/11/2022 | 7:30:39 AM

YênBái - Tôi yêu thích nghề làm báo. Nghề làm báo đã đem lại cho tôi niềm vui, nỗi gian truân và niềm kiêu hãnh mà không phải người làm báo nào cũng có được, ấy là những năm tháng làm báo Đảng.

Tác giả Nguyễn Bội Đông với tác phẩm “Người cầm cờ trên đỉnh núi” vinh dự đạt giải “Người cao tuổi có tác phẩm xuất sắc tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ 3 năm 2018”.
Tác giả Nguyễn Bội Đông với tác phẩm “Người cầm cờ trên đỉnh núi” vinh dự đạt giải “Người cao tuổi có tác phẩm xuất sắc tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ 3 năm 2018”.

Thi vào Khoa Toán - Lý trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mặc dù khi còn học phổ thông tôi yêu thích môn Văn hơn cả. Thời đó, học Đại học Sư phạm chỉ có hai năm. Không hiểu duyên cớ gì tôi lại không theo nghề dạy học dù nghề đó là một nghề vẻ vang nhất trong các nghề vẻ vang lúc bấy giờ và cả bây giờ. Tôi cùng người bạn lên Tây Bắc - một vùng rừng núi xa lắc, xa lơ để vào làm ở Đài Phát thanh Khu Tây Bắc. Khi ấy, cả Đài Phát thanh chưa có ai được đào tạo, bồi dưỡng về báo chí mà là cán bộ chính trị, giáo dục từ các ngành được điều sang.  

Vào làm việc ở Đài ít ngày thì được Ban biên tập phân công đi viết, giao cho đề tài gì tôi viết đề tài đó. Tôi viết nhanh, viết khỏe rồi mày mò viết ngay trên chiếc máy đánh chữ. Tuy không gõ được cả mười ngón, phải gõ mổ cò nhưng tôi gõ khá nhanh và thành thạo như ta gõ trên bàn phím máy tính bây giờ. 

Làm việc ở Đài không bao lâu, tôi được cử đi dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí vài ba tháng do Trường Tuyên huấn Trung ương tổ chức (gần như một, hai năm lại có một lớp như thế). Những người thầy giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng ngày ấy đều là những nhà báo nổi tiếng như nhà báo Lưu Quý Kỳ, Xích Điểu, Quang Đạm, nhà báo Xuân Thu chuyên viết phóng sự của báo Cứu Quốc, nhà báo Hữu Thọ... 

Những người thầy ấy viết rất giỏi và nói cũng giỏi. Các thầy nói cả buổi, cả ngày không phải nhìn vào sách, vào vở bao giờ. Học viên chúng tôi cứ há hốc mồm mà nghe, mà nhập tâm, mà ghi chép. Phải nói rằng phong cách, tư duy, kinh nghiệm của các nhà báo giỏi ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ các nhà báo trẻ chúng tôi thời bấy giờ.

Ít năm sau, khi đã viết báo khá thuần thục, tôi lại được đi học lớp đào tạo dài hạn tại Khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương. Học xong lại trở về Tây Bắc làm việc. Lúc này, đội ngũ những người làm báo khá đông đảo, ngoài những người được đào tạo, bồi dưỡng trong nước còn có người được đào tạo ở Trường Báo chí Bắc Kinh (Trung Quốc). Đội ngũ những người làm báo lớn mạnh làm cho nội dung, chất lượng các chương trình phát thanh phong phú hơn.

Mười lăm năm, làm việc ở Đài Phát thanh Tây Bắc, sau đó chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam là một trải nghiệm lâu dài, một khoảng thời gian đủ để tích lũy những vốn liếng thật quý về phong cách, kỹ năng, phương pháp thể hiện và bản lĩnh của người làm báo bắt nguồn từ những công việc của người phóng viên, biên tập viên; của người đứng đầu cơ quan thường trú ở các tỉnh và công việc của một phát thanh viên (nay gọi là người dẫn chương trình).

Đại thắng mùa xuân năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội là thời điểm tôi bắt đầu chuyển từ Đài Tiếng nói Việt Nam sang làm việc ở tờ báo Đảng của Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đã là làm báo thì mọi công việc đều giống nhau, nhưng mỗi loại hình báo chí lại có những đặc thù riêng, có cách thể hiện riêng phù hợp với nhiệm vụ và đối tượng của tờ báo. 

Làm báo Đảng không lâu tôi nhận ra rằng: Làm báo Đảng đòi hỏi phải có chuẩn mực cao hơn mà trước hết mỗi bài báo, mỗi số báo phải thể hiện được tính Đảng, tức là phải có ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa định hướng theo quan điểm đúng đắn của Đảng; mọi sự kiện đưa lên mặt báo phải đúng, phải được kiểm chứng, cái gì có lợi cho lợi ích chung của đất nước thì đưa, cái gì không có lợi thì không đưa. 

Tờ báo của Đảng bộ tỉnh trước hết phải hiểu đó là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ; Tỉnh ủy là cơ quan chủ quản, là người lãnh đạo trực tiếp của tờ báo; đồng thời, tờ báo còn là tiếng nói của chính quyền và là diễn đàn của nhân dân. Do đó, tờ báo phải bảo đảm tính Đảng, tính chân thật và tính quần chúng, đưa đến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những thông tin có chất lượng cao nhất, chính xác nhất, nhanh nhất và kịp thời nhất.

Báo Đảng cũng giống như các loại hình báo chí khác, là phải thực hiện tốt nhất chức năng tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận, bằng tin tức, sự kiện, báo Đảng còn phải có những tác phẩm mang tính chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm cho những chính sách, đường lối ấy trở thành hiện thực trong cuộc sống; đấu tranh phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, xuyên tạc và những hiện tượng tiêu cực, sai trái khác bằng lý luận và thực tiễn sâu sắc qua các tác phẩm chính luận như xã luận, bình luận, chuyên luận.

Đã là người có vinh hạnh được làm báo Đảng, từ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên dù là đảng viên hay chưa là đảng viên đều phải thể hiện rõ tính Đảng trong từng tác phẩm của mình; phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách; không ngừng nâng cao năng lực nắm bắt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; nắm bắt thực tiễn và khả năng tổ chức, thực hiện.

Vào làm báo Hoàng Liên Sơn không lâu, tôi được giao nhiệm vụ làm Trưởng phòng Phóng viên - cơ cấu tổ chức cơ quan báo khi đó chỉ có hai phòng: phóng viên, tòa soạn và bộ phận hành chính. Mấy năm sau, tôi được đề bạt làm Phó Tổng biên tập, rồi Tổng biên tập Báo Hoàng Liên Sơn. 

Năm 1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn chia tách thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai, tôi lại được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Báo Yên Bái. Bằng thực tiễn mười lăm năm làm báo ở Đài Phát thanh Tây Bắc và Đài Tiếng nói Việt Nam cùng với những hiểu biết về vai trò, trách nhiệm tờ báo của Đảng bộ tỉnh, tôi đã tổ chức nhiều đợt đi cơ sở cùng phóng viên, biên tập viên viết về những đề tài lớn và rất mới mẻ, đó là những đề tài về công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. 

Mở đầu là thời kỳ "làm cho sản xuất bung ra","xóa bỏ tình trạng cấm chợ ngăn sông" trong lưu thông hàng hóa, rồi đến "cải tiến chế độ quản lý trong các xí nghiệp công"; trên mặt trận nông nghiệp thực hiện khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động theo Chỉ thị 100 của Trung ương, tiếp đến là Khoán 10 theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị; đề tài về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... 

Nhiều tác phẩm viết về đề tài ấy, tiêu biểu là các tác phẩm: "Trang trại của ông Trương Cơ huyện Yên Bình", "Những vấn đề nảy sinh trong khoán sản phẩm của huyện Văn Chấn", "Khoán sản phẩm ở Báo Đáp", "Vì sao nông dân không gắn bó với hợp tác xã", "Hiện tượng sứ Yên Ninh"... và nhiều tác phẩm viết về cuộc chiến bảo vệ biên giới... đã chiếm được nhiều giải thưởng cao của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, của các bộ, các ngành ở trung ương và ở tỉnh. 

Có thể nói, tờ báo của Đảng bộ tỉnh với đội ngũ phóng viên, biên tập viên giàu nhiệt huyết, đầy trọng trách và tài năng đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống xã hội đang gặp muôn vàn khó khăn do chiến tranh để lại và do những sai lầm, thiếu sót chủ quan gây ra. 

Công cuộc đổi mới của Đảng đã làm nảy nở nhiều nhân tố mới, nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được báo chí phát hiện, nhân rộng lên thành phong trào. Báo chí đã góp phần làm bật lên một sức sống mới trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng, Nhà nước trong sạch,vững mạnh, xứng đáng với niềm tin tưởng và tự hào của nhân dân.

Kỷ niệm 60 năm Báo Yên Bái ra số đầu tiên, các thế hệ làm báo Yên Bái tự hào về những năm tháng được làm báo Đảng. Truyền thống vẻ vang của tờ báo là nguồn động lực, niềm tin để mỗi người dấn thân vào nghề với tâm thế của người chiến sĩ - một nghề đầy vinh quang, hạnh phúc nhưng cũng đầy khó khăn, gian khổ đòi hỏi mỗi người phải giàu nhiệt huyết và đầy trọng trách. Những người làm báo hôm qua và hôm nay sẵn sàng cống hiến, làm cho tờ báo Yên Bái luôn luôn chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng, góp phần xứng đáng đưa Yên Bái trở thành một tỉnh phát triển khá và toàn diện trong tương lai không xa.

Bội Đông

Tags Báo Yên Bái xuất bản số đầu tiên báo Đảng

Các tin khác

Sáng 4/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Báo Yên Bái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Báo Yên Bái xuất bản số đầu (05/11/1962 – 5/11/2022). Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tới dự và có bài phát biểu chỉ đạo định hướng công tác tuyên truyền đối với báo Yên Bái trong giai đoạn hiện nay. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

Sáng 4/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Báo Yên Bái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày xuất bản số đầu (05/11/1962 – 5/11/2022).

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 5/11/1962, Báo Yên Bái xuất bản số đầu tiên mang tên Cơ quan của Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Yên Bái, nay là Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Yên Bái, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Yên Bái. Ngày 5/11/1962 đã trở thành dấu mốc đặc biệt quan trọng, khẳng định vị thế của Báo Yên Bái hòa cùng hệ thống báo các đảng bộ địa phương để mở ra chặng đường phát triển mới của báo Đảng địa phương trong cả nước.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Dương Văn Thống cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn nút ra mắt giao diện trang Tiếng Anh trên Báo Yên Bái Online năm 2020.

Từ khi tái lập Báo Yên Bái năm 1991, nhiều thế hệ lãnh đạo Báo Yên Bái đã nghỉ hưu nhưng vẫn luôn đồng hành, tin tưởng và kỳ vọng Báo Yên Bái tiếp tục khai thác, phát huy vai trò, thế mạnh của mình qua việc thông tin khách quan, trung thực, chính xác, góp phần định hướng dư luận, giữ vững vị trí của báo chí cách mạng Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục