Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.
Còn nhiều khó khăn, bất cập trong giáo dục
Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, ngành giáo dục đã quyết liệt tổ chức thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… và đã đạt nhiều kết quả tích cực trong dạy và học.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành đã nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, chủ động, kịp thời tổ chức thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống dịch, thực hiện có hiệu quả phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học”, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn của ngành.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục. Giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập, nhất là việc học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp và sự phát triển của trẻ em, học sinh.
Một số địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội, trong đó có học sinh, sinh viên và nhà giáo đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần; học sinh ở nhiều nơi chưa được tựu trường.
Thực tiễn phát triển giáo dục và đào tạo ở địa phương cũng cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như việc quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp. Vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, chế xuất, vùng sâu, vùng xa. Cơ cấu đội ngũ giáo viên còn chưa hợp lý, thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết triệt để. Sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương đối với giáo dục có lúc, có nơi chưa ngang tầm, chưa thực sự đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước; chất lượng đào tạo nhân lực, việc dạy và học ngoại ngữ, tin học hiệu quả chưa cao.
Học sinh ở nhiều địa phương sẽ phải học trực tuyến ngay từ đầu năm học mới.
Đời sống giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn phổ biến. Vấn đề cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, điểm trường, đội ngũ nhà giáo chưa thật sự hiệu quả. Giáo dục văn hóa truyền thống lịch sử còn chưa được chú trọng đúng mức.
Linh hoạt ứng phó với dịch bệnh
Dự báo dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, để tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình, chất lượng và tiếp tục thực hiện mạnh mẽ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo. Những nơi an toàn trong phòng, chống dịch vẫn khai giảng bình thường như mọi năm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định các yêu cầu, nội dung cốt lõi, căn bản trong chương trình dạy học, làm cơ sở cho các địa phương, cơ sở giáo dục chủ động triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, nhất là ở những địa bàn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương thức dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa; phát triển nguồn học liệu điện tử, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu của phương thức này; quan tâm sâu sát, cụ thể đến điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ việc dạy, học đối với học sinh lớp 1, lớp 2.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi. Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, gửi Bộ Y tế cấp bổ sung và tiêm vắc xin cho tất cả giáo viên các cấp học theo quy định.
Toàn ngành quán triệt, thông tin, truyền thông tới các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh, cần nêu cao tinh thần chống dịch "mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người" thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch với thông điệp "tất cả vì tương lai con em chúng ta”; hướng dẫn các gia đình trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên bảo đảm an toàn, hiệu quả trong thời gian học trực tuyến.
Học sinh được xét nghiệm COVID-19.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại địa phương tổ chức học trực tuyến.
Bộ hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp; xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và các năm tiếp theo, phù hợp với tình hình thực tiễn bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từng bước chuyển đổi việc tuyển sinh, đào tạo, kiểm tra đánh giá và bảo vệ tốt nghiệp sang hình thức trực tuyến phù hợp với tình hình dịch bệnh; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách và hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học tổ chức thực hiện hiệu quả việc tự chủ, nhất là ở những nơi có điều kiện.
Bộ cũng cần chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp, sát với thực tiễn.
Những nhiệm vụ cần làm ngay
Chỉ thị cũng nêu rõ những việc cần làm ngay. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc của Thủ tướng với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/5/2021 (Thông báo kết luận số 104/TB-VPCP ngày 13/5/2021), khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra tại cuộc làm việc.
Trong đó, cần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng giáo viên, có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm, tạo môi trường, hệ sinh thái giáo dục phát triển lành mạnh, bình đẳng, sáng tạo, khuyến khích đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng vùng miền. Bộ nghiên cứu đề xuất chính sách ưu tiên cho giáo viên vùng sâu vùng xa, những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, bảo đảm hợp lý, không dàn trải.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục có giải pháp tổng thể, thiết kế chính sách từ đào tạo - tuyển dụng - sử dụng nguồn nhân lực bảo đảm thực chất, đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng xã hội, kiên quyết chống bệnh thành tích trong giáo dục góp phần đạt được mục tiêu "học thật, thi thật, nhân tài thật”, thu hút nhân tài, "học đi đôi với hành”, nhanh chóng khắc phục tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ”.
Bên cạnh đó, Bộ phải thiết kế chương trình học bảo đảm tăng cường kiến thức, kỹ năng sống; giảm tình trạng dạy thêm học thêm; biên soạn, phân phối, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo bảo đảm khoa học, công khai, minh bạch, tránh dư luận không tốt, bảo đảm không để học sinh nào thiếu sách học. Với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 phải sớm công bố phương án phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp và phương án các năm tiếp theo để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử, truyền thống đoàn kết, văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc, của cha ông ta; tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ, tin học gắn với việc đổi mới và sáng tạo, hội nhập quốc tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu kỹ, thấu đáo, khoa học, xuất phát từ thực tiễn về vấn đề tự chủ trong giáo dục. Chính phủ ủng hộ làm thí điểm tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ và các địa phương trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về số lượng thừa, thiếu giáo viên của từng trường, cấp học, môn học và toàn ngành thực hiện rà soát kỹ cơ chế, chính sách phân bổ biên chế giáo viên phù hợp, hiệu quả và triển khai các chương trình đào tạo, tuyển dụng theo lộ trình sát thực tiễn, trong đó ưu tiên những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Bộ Xây dựng phối hợp các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát quy hoạch xây dựng gắn với không gian xây dựng trường học phù hợp, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, chế xuất; quy hoạch không gian trường học phải có tầm nhìn xa, hiện đại.
Các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao xây dựng cơ chế, chính sách, phương án giải quyết, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn trong giáo dục theo đúng quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Quán triệt đầy đủ, sâu sắc, tổng thể, toàn diện tới từng cơ sở, từng cán bộ, giáo viên, từng người dân và học sinh, sinh viên về quan điểm của Đảng, Nhà nước về giáo dục.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở đánh giá thực trạng hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tại địa phương, thực hiện rà soát quy hoạch, cơ cấu lại trường, lớp học, điểm trường, đội ngũ giáo viên theo tinh thần "ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên” nhưng phải bảo đảm sắp xếp một cách khoa học, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.
(Theo TTXVN)