Thị xã Nghĩa Lộ: Trường học là nơi khám phá và bộc lộ bản thân

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/11/2021 | 7:30:37 AM

YênBái - Xây dựng trường học hạnh phúc, các nhà trường ở Nghĩa Lộ đã gắn việc xây dựng không gian trải nghiệm, đặc biệt là việc phát huy bảo tồn văn hóa dân gian, văn hóa địa phương vào chương trình giáo dục với việc thành lập và duy trì các câu lạc bộ (CLB) sở thích, CLB bảo tồn giá trị văn hóa của địa phương như: CLB Chữ Thái cổ, CLB Khắp Thái, CLB Xoè Thái….

Một tiết học của học sinh Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ.
Một tiết học của học sinh Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ.

Xác định trường học hạnh phúc là nơi học sinh thật sự muốn đến để học, để trải nghiệm, để thể hiện bản thân và được yêu thương, năm học 2020-2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã đã triển khai mô hình trường học hạnh phúc đến 100% trường học trên địa bàn. 

Bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Chúng tôi nhận thấy việc thay đổi để tạo nên ngôi trường hạnh phúc không chỉ của riêng ai mà cần thầy cô thay đổi, phụ huynh thay đổi, học sinh thay đổi. 1 năm thực hiện mô hình, giáo viên đã tự làm mới mình, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học, chủ động trong mọi tình huống giáo dục, tích cực lắng nghe, tôn trọng  ý kiến của học sinh để từ đó tự điều chỉnh bản thân và phối hợp với phụ huynh giúp học sinh ngày càng tiến bộ. Học sinh vui vẻ, tự tin, hứng thú học tập và tham gia các hoạt động một cách tích cực. Phụ huynh hài lòng, tin tưởng, yên tâm khi con được vui vẻ, mạnh dạn, nhận được sự yêu thương từ thầy cô giáo và các bạn”. 

Để xây dựng mô hình này, các nhà trường đã thay đổi môi trường giáo dục gắn với việc xây dựng không gian trải nghiệm, đặc biệt là việc phát huy bảo tồn văn hóa dân gian, văn hóa địa phương vào chương trình giáo dục. Theo đó, các nhà trường đã thành lập và duy trì các CLB sở thích, CLB bảo tồn giá trị văn hóa của địa phương như: CLB Chữ Thái cổ, CLB Khắp Thái, CLB Xoè Thái…. 

Đồng thời, tổ chức các hoạt động rèn kỹ năng sống cho học sinh gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch của thị xã như: tham gia giao lưu tại các homestay để quảng bá bản sắc dân tộc đồng thời trau dồi kiến thức ngoại ngữ; trang trí khuôn viên nhà trường, các lớp học theo hướng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...

Các hoạt động giáo dục được tích cực đổi mới không còn tính cứng nhắc: thay đổi hình thức tổ chức các hội nghị, hoạt động chào cờ đầu tuần, giờ sinh hoạt lớp, các buổi họp phụ huynh, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm… theo hướng tạo mối quan hệ thân thiết giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh và giáo viên với phụ huynh. 

Văn hóa ứng xử trong trường học cũng được đẩy mạnh, tuyệt đối không để xảy ra các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường trong các đơn vị. 100% các đơn vị trường đều có bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị được phổ biến, quán triệt tới 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. 

Đặc biệt, một số đơn vị trường đã tổ chức được các diễn đàn "Thay đổi để tạo nên một ngôi trường hạnh phúc” ở bậc học mầm non; diễn đàn "Lắng nghe học sinh nói” của bậc THCS; tích cực tham gia cuộc thi tuyên truyền về trường học hạnh phúc… 

Các nhà trường đều tích cực tự điều chỉnh theo nội dung của bộ 20 tiêu chí tạm thời của "Trường học hạnh phúc”, trong đó, chú trọng vào việc tổ chức khảo sát, lấy ý kiến đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và học sinh. Từ đó, phân tích, đánh giá để tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng đối với từng tiêu chí; phấn đấu nâng dần tỷ lệ cán bộ, giáo viên, học sinh cảm thấy hạnh phúc khi tham gia các hoạt động giáo dục tại nhà trường.  

Em Hoàng Thị Kim Oanh - học sinh lớp 7B, Trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ tâm sự: "Từ khi nhà trường triển khai mô hình trường học hạnh phúc, chúng em thấy thích thú hơn khi đến lớp, đến trường. Em cảm thấy trường học trở thành nơi thỏa mãn các nhu cầu học tập, khám phá và bộc lộ bản thân của học sinh. Thầy cô thân thiện, giảm áp lực trong từng tiết học. Học sinh chúng em thì được tạo môi trường học tập mới, tạo nên sự hứng thú, cảm xúc tích cực, giúp chúng em tích lũy kiến thức, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu”. 

Nhờ đó, chất lượng giáo dục toàn diện chung của thị xã ngày càng được nâng cao và cải thiện rõ rệt, điển hình như tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,47%, có 89 giải học sinh giỏi cấp thị xã; 16/45 học sinh dự thi cấp tỉnh đạt giải…
Hoài Anh

Tags Thị xã Nghĩa Lộ trường học khám phá trường học thân thiện học sinh tích cực Câu lạc bộ chữ Thái cổ Khắp Thái xoè Thái

Các tin khác

Tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds – Anh (QS AUR) vừa công bố kết quả của Bảng xếp hạng đại học châu Á. Theo đó, 11 cơ sở giáo dục Đại học của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng này.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dạy và học.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh hiện có con em của trên 10 dân tộc thiểu số Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái, Phù Lá, Giáy, Cao Lan, Mường... theo học. Nhà trường thực sự trở thành “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số của tỉnh.

Trung tá Vũ Xuân Hoàn - Giám đốc Viettel Yên Bái trao học bổng Chương trình “Vì em hiếu học” cho các học sinh Trường THCS Động Quan, huyện Lục Yên.

Năm 2021 là năm thứ 8 Viettel triển khai thực hiện Chương trình "Vì em hiếu học”. Năm nay, trị giá mỗi suất học bổng tăng lên 2 triệu đồng gấp đôi so với các năm trước. Viettel Yên Bái sẽ trao 700 suất học bổng trị giá 1,4 tỷ đồng cho 70 xã nghèo theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Chính phủ.

Học sinh thuộc các xã có mức độ dịch ở cấp độ 1,2 của Hà Nội sẽ trở lại trường học từ ngày 8/11

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị về việc cho phép học sinh trở lại trường học từ ngày 8/11 sau thời gian dài nghỉ chống dịch Covid-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục