Dùng thơ lục bát để viết sử
Tuy không sinh ra ở Yên Bái, nhưng sau khi tốt nghiệp khoa Lịch Sử trường Đại học Tây Bắc vào năm 2002, thầy giáo Lê Văn Cường (SN 1984, quê gốc ở Điện Biên) đã quyết định gắn bó với mái trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình như quê hương thứ 2 của mình.
Tại đây, thầy Cường được phân công phụ trách giảng dạy bộ môn Lịch Sử.
Với môn học ít người theo đuổi và đòi hỏi nhiều đam mê, nhiệt huyết, thầy đã tìm mọi cách để truyền tải cảm hứng, tình cảm của mình đến với các em học sinh.
Thầy giáo Lê Văn Cường tâm sự: "Từ khi về công tác, giảng dạy tại trường, tôi đã luôn nung nấu những cách truyền đạt mới để các em học sinh có cảm hứng với môn học, tìm tòi những cách dạy mới giúp cho bộ môn Lịch Sử được gần gũi và sâu rộng hơn đến mọi người. Từ đó giúp các thế hệ yêu, say mê hơn với môn học vốn khó chiều lòng người này”.
Nói là làm, qua những tìm tòi, khám phá, thầy Cường đã sáng tạo ra nét mới trong việc dạy học của mình. Từ những vốn từ khô khan của môn học, thầy đã khéo léo đan xen vào những vần thơ lục bát để giảng dạy trong các giờ học hàng ngày.
Trao đổi với PV, em Tạ Thị Quyên (học sinh Trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình) chia sẻ: "Cách giảng dạy của thầy Cường rất mới mẻ, những bài học của thầy truyền dạy không khô khan mà cho chúng em cảm thấy thú vị, thích thú.
Mỗi giờ học, thầy đều xây dựng sơ đồ tư duy để học sinh tự nói về phần Lịch Sử, sau đó thầy giáo sẽ tổng hợp và truyền tải thêm những kiến thức còn thiếu khiến cho giờ học thêm sinh động, dễ hiểu hơn”.
Bằng niềm đam mê, sức sáng tạo, thầy giáo Lê Văn Cường đã vượt qua nhiều khó khăn, viết lên những cuốn sách sử bằng thơ.
2 lần lập kỷ lục Guinness
Từ năm 2015 đến nay, thầy Cường đã xuất bản tất thảy 7 cuốn sách, trong đó có 4 cuốn chuyên khảo về Lịch Sử thì 2 cuốn đã được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập là người viết sử bằng thơ lục bát dài nhất.
Dù thành công nhiều trong việc sáng tác các bộ sách mới nhưng thầy Cường luôn được đồng nghiệp cùng học sinh mến mộ vì tính cách gần gũi, cầu thị.
Thầy giáo Lê Văn Cường chia sẻ: "Ban đầu, bản thân chỉ muốn vận dụng thơ để dạy sử được dễ hơn, nhưng sau thấy việc này giúp các em dễ tiếp thu, đam mê hơn, làm cho các em không còn cảm giác dài dòng, khô khan".
Thạc sĩ Lưu Khánh Linh – Hiệu trưởng trường THPT Cảm Ân cho biết: "Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện, biểu dương, ghi nhận những thầy, cô giáo có năng lực, chuyên môn, giàu đam mê và tâm huyết. Việc thầy Cường có những đổi mới trong việc giảng dạy bộ môn Lịch Sử đã giúp cho việc dạy và học tập trở nên thú vị, sinh động hơn”.
Đặc biệt, trong năm 2021, thầy Cường đã xuất bản 2 cuốn lịch sử về địa phương Yên Bái như cuốn "Ngang Trời mây đỏ thiên thư” được chuyển thể trực tiếp từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngọc Bái và cuốn "Yên Bái ghi dấu sử thiên” bằng ngôn ngữ thơ Lục bát.
Từ đó, thầy giáo Lê Văn Cường đã trở thành người đầu tiên ở tỉnh viết về lịch sử địa phương bằng ngôn ngữ thơ lục bát, những vần thơ của thầy đã khắc họa lên lịch sử của tỉnh từ thửa sơ khai đến những tháng ngày đấu tranh chống dịch, xây dựng, phát triển sau này.
"Đảng như đuốc sáng soi đường
Nhân dân Yên Bái đêm trường tiến lên
Long trời lở đất một phen
Xóa ách thống trị tối đen kẻ thù
Mật gai xơ xác, ngục tù
Con đường độc lập tự do lại giành".
(Theo Lao Động)