"Ba bên” cùng có lợi
Mô hình liên kết "3 nhà” mới bước đầu hình thành ở Yên Bái nhưng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chú trọng và thực hiện tốt việc liên kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình liên kết với doanh nghiệp trong đó đáng chú ý là mô hình phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nghề, thực tập. Điều này được xem như "một luồng gió mới” hỗ trợ các nhà trường và doanh nghiệp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực đóng góp quan trọng trong việc nâng cao năng suất, tạo việc làm, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái Lê Anh Tuấn, việc tham gia mô hình "3 nhà” đã giúp nhà trường bám sát chủ trương, chính sách của nhà quản lý, vừa nắm rõ nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp tại địa phương để đưa ra định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học viên, sinh viên, có giải pháp đào tạo sát thực, cung cấp nguồn lao động đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong tỉnh.
Đến nay, nhà trường duy trì đào tạo, thực tập cuối khóa, giới thiệu lao động cho hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước và là đơn vị đào tạo có uy tín theo chương trình hợp tác đào tạo với các nước Đức, Úc, Đan Mạch và cả tổ chức quốc tế… Những kết quả đạt được càng khẳng định nhà trường là một địa chỉ đào tạo nghề đáng tin cậy.
Ông Đỗ Đức Huy - Trưởng phòng Phòng Kế hoạch Công ty Gỗ Kim Gia - (Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh) khẳng định, là đơn vị hướng tới nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn về rừng trồng có nhà máy sản xuất tấm gỗ plywood công suất 6.000 m3/năm tại Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh, hiện Nhà máy giải quyết việc làm cho 150 quản lý và công nhân với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp luôn mong muốn đào tạo và hướng dẫn người lao động làm việc một cách tốt nhất, vì vậy Công ty rất sẵn sàng phối hợp với các cơ sở đào tạo nhằm giúp học viên, sinh viên có địa chỉ thực tập tay nghề, làm quen với công việc, nghề nghiệp.
Để việc hợp tác phát triển nhân lực phát huy hiệu quả trong thực tế, chị Nguyễn Thúy Hiền - Trưởng phòng Nhân sự của Công ty TNHH ô tô Vina Hòa Bình, cho biết: "Là doanh nghiệp chuyên sửa chữa máy móc, trang thiết bị vận tải nên chúng tôi có nhu cầu tuyển lao động có tay nghề về sửa chữa máy móc trong công xưởng. Qua nắm bắt thực tế tại địa phương, Công ty hoàn toàn tin tưởng, sẵn sàng liên kết đào tạo lao động và hướng tới thực hiện mô hình kết nối giữa người học với nhà trường và doanh nghiệp để góp phần hỗ trợ học viên, sinh viên trong việc học tập, hỗ trợ nhà trường trang thiết bị và tăng sự liên kết giúp cả ba bên cùng có lợi”.
Cần thắt chặt mối liên kết
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái Lê Anh Tuấn, việc hợp tác toàn diện, từ khâu quản lý đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho đến hỗ trợ việc làm cho sinh viên, học viên đã được nhà trường phối hợp với một số doanh nghiệp trong nước nên nhà trường đã nghiên cứu, trau dồi kiến thức dạy và học theo các giáo trình mới, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Hiện nhà trường đang thực hiện đào tạo 9 ngành nghề hệ cao đẳng phổ biến và dựa trên những ngành nghề thế mạnh tại địa phương như: công nghệ ô tô, gia công thiết kế sản phẩm mộc, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin… hầu hết đều đạt chuẩn nghề cấp độ quốc tế, ASEAN và quốc gia.
Thời gian tới, nhà trường sẽ phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thực tập cho sinh viên, bảo đảm công tác đào tạo nghề tiếp cận sát nhất với nhu cầu của thị trường.
Mô hình kết nối "3 nhà” đã được triển khai và khẳng định được tính hiệu quả trong thực tế đào tạo nghề ở Yên Bái. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lê Văn Lương cho biết: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn chú trọng tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, bảo đảm thích ứng với điều kiện sản xuất mới.
Việc hợp tác giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp đã trở thành mô hình thực sự hữu ích, giúp cho chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp. Từ đó, giúp giảm thời gian, chi phí đào tạo, vừa tiết kiệm, vừa đạt hiệu quả và nâng cao kỹ năng nghề cho học viên, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Cùng với đó, các trường dạy nghề trong tỉnh đã hình thành các bộ phận tư vấn giải quyết việc làm, kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong đào tạo; còn doanh nghiệp tham gia đánh giá kết quả đào tạo và tuyển dụng theo nhu cầu.
Để việc nhân rộng mô hình hợp tác "3 nhà” ngày càng hiệu quả, các bên cần tăng cường phối hợp đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất cho các trường dạy nghề, mời chuyên gia giỏi hỗ trợ đào tạo, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, cần có công cụ đánh giá theo tiêu chuẩn nghề của từng lĩnh vực…
Văn Dương