Đón mùa tuyển sinh 2025, các trường rốt ráo mở ngành mới
Từ năm 2025, Trường ĐH Thương mại dự kiến mở 7 chương trình mới về kiểm toán, marketing, luật, ngôn ngữ Trung Quốc...
GS.TS Nguyễn Hoàng Việt - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các ngành này thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), gồm: Quản trị thương hiệu (ngành Marketing), Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (Kiểm toán), Kinh tế và Quản lý đầu tư (Kinh tế), Luật kinh doanh (Luật kinh tế), Thương mại điện tử, Quản trị Hệ thống thông tin (Hệ thống thông tin quản lý), Tiếng Trung thương mại (Ngôn ngữ Trung Quốc). Dự kiến mỗi chương trình mới tuyển 80 - 100 sinh viên chính quy. Trường sẽ sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó ưu tiên học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS.
Chia sẻ lý do mở ngành mới, GS.TS Nguyễn Hoàng Việt cho hay, hiện tại và những năm tới, tân cử nhân sẽ gặp những thách thức về sử dụng công nghệ, xử lý dữ liệu lớn (big data). Các doanh nghiệp cũng đòi hỏi nhân sự về kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, nhà trường xác định phải thay đổi tư duy xây dựng chương trình đào tạo theo hướng cập nhật, có môn mới và gắn với thực tiễn. Trường sẽ tiếp tục lấy ý kiến về khung chương trình, chuẩn đầu ra, phương pháp đào tạo để hoàn thiện chương trình trước khi tuyển sinh từ năm 2025.
Mới đây, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường sẽ mở hệ kỹ sư chuyên sâu về ô tô số đầu tiên tại Việt Nam. Chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù kỹ thuật ô tô số tại ĐH Bách khoa Hà Nội là chương trình sau đại học, tương đương thạc sĩ, do đơn vị thành viên là Trường Cơ khí và Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông cùng xây dựng.
Sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân một số ngành phù hợp được đăng ký xét tuyển như Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật cơ điện tử, Điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện tử, Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật cơ khí điện lực... Việc mở chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù đến từ thực tế phát triển ngành công nghiệp ô tô và phần mềm dành cho ô tô.
Trường ĐH Luật TP.HCM dự kiến mở thêm 2 ngành mới nên sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Về phương án tuyển sinh, trường đang bàn thảo kế hoạch tuyển sinh năm 2025 sao cho phù hợp với thực tế. Trong đó, dự kiến có 3 phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng và xét tuyển sớm; xét điểm thi đánh giá năng lực (sử dụng kỳ thi của ĐH Quốc gia TP,HCM hoặc kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính do nhóm trường đại học tại TP.HCM hợp tác sử dụng chung kết quả); xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2025.
Trường ĐH FPT tiếp tục mở rộng danh mục đào tạo trong năm 2025. Cụ thể, nhiều chuyên ngành đang khát nhân lực, có triển vọng trong tương lai như: Công nghệ tài chính (Fintech), Tài chính ngân hàng số (Digital Banking and Finance), Tài chính doanh nghiệp, Tài chính đầu tư, Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế được đưa vào đào tạo.
Trường ĐH Tài chính - Marketing sẽ mở thêm ngành Luật thương mại và Kỹ thuật phần mềm năm 2025. Chỉ tiêu của trường là 4.350 (tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2024). Các phương thức xét tuyển được giữ ổn định như năm trước. Trường dự kiến chú trọng 2 môn chính là toán, ngữ văn. Các tổ hợp xét tuyển của trường sẽ hỗ trợ cho thí sinh, lấy trên tổng số 9 môn học thích ứng với các môn mà các học sinh đã lựa chọn để thi tốt nghiệp THPT.
Năm tới, Trường ĐH Cần Thơ dự kiến mở thêm 5 ngành mới bậc đại học gồm: Luật dân sự và tố tụng dân sự; Thương mại điện tử, Tâm lý giáo dục; chương trình chất lượng cao ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; Thú y.
Cần thận trọng khi mở ngành, tránh ồ ạt
Lưu ý các trường đại học khi mở ngành học mới, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, xu hướng mở ngành là tất yếu và nằm trong chiến lược phát triển của nhiều trường. Điều này giúp tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng để thu hút người học. Người học cũng có nhiều lựa chọn hơn. Dù vậy, các trường cần thận trọng khi mở ngành, tránh ồ ạt, chạy theo "trend". "Thực tế, nhiều trường chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn tự mở ngành đào tạo. Nhiều trường mở ngành nhưng không đảm bảo đủ các điều kiện".
TS. Lê Viết Khuyến cảnh báo, việc mở ngành khi không chuẩn bị kỹ lưỡng có thể dẫn đến một số hệ lụy. Chẳng hạn, chất lượng đào tạo không đảm bảo, không đủ sinh viên theo học… Vì vậy, cơ quan chức năng cần kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn nữa trong việc tự chủ mở ngành của các trường.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, khi mở ngành học mới, cơ sở giáo dục đại học phải xác định những ngành đó có phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội hay không. Đặc biệt, các trường phải có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng đào tạo; phải công khai, minh bạch mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, các phương thức xét tuyển, để thí sinh lựa chọn. Hiện, Bộ GD&ĐT quản lý việc tuyển sinh, mở ngành của các trường thông qua những dữ liệu này, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Thí sinh lưu ý gì?
Thực tế, các cơ sở giáo dục đại học mở thêm ngành học mới để phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và công cuộc chuyển đổi số. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội học tập cho thí sinh. Tuy nhiên, nhiều em thí sinh lo lắng do chưa đủ khả năng nắm bắt cơ hội để lựa chọn ngành học phù hợp.
Dành lời khuyên cho thí sinh, TS Trần Khắc Thạc - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi cho biết, chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá xu hướng phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới khi xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các lĩnh vực rất lớn. Nhiều ngành nghề phải kết hợp với công nghệ để tồn tại và phát triển.
Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế đã trở thành một xu thế lớn của xã hội hiện đại. Hầu hết các ngành nghề đều cần sự hợp tác quốc tế để có sự phát triển bền vững. Từ những phân tích điển hình trên, thí sinh có thể lập danh sách các ngành học liên quan, tìm hiểu và đưa ra quyết định cho tương lai.
"Bên cạnh việc xác định năng lực để chọn ngành chọn nghề phù hợp, thí sinh cần khai phóng chính bản thân mình. Nếu chỉ nằm trong vùng an toàn thì không thể tìm ra những điểm mạnh và giới hạn của bản thân. Phải bứt phá, vượt qua khả năng của chính mình mới có thể tồn tại và phát triển trong tương lai", TS. Trần Khắc Thạc lưu ý thí sinh.
(Theo SKĐS)