Thông tư 04/2025 do Bộ GD&ĐT ban hành quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 4/4.
Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo gồm 8 tiêu chuẩn: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo; hoạt động dạy và học; đánh giá kết quả học tập; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; các dịch vụ hỗ trợ người học; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và trang thiết bị; đầu ra và kết quả đầu ra.
Ngoài ra, Thông tư 04/2025 bãi bỏ nhiều quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo một số ngành đặc thù, đào tạo từ xa tại các Thông tư trước đó. Do những quy định này không còn phù hợp và không tương thích với cách đánh giá tiêu chí, tiêu chuẩn, chương trình đào tạo hiện hành.
Hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm
Ngày 3/3, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2020 ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm.
Nghị định mới được đưa ra trong bối cảnh sau 3 năm triển khai, Nghị định 116 phát sinh một số vướng mắc như: các địa phương cam kết đặt hàng nhưng không thực hiện, dẫn đến chậm chi trả kinh phí; quy định đấu thầu đào tạo giáo viên chưa có hướng dẫn cụ thể; khó khăn, không đủ kinh phí để hỗ trợ cho sinh viên. Cùng đó, việc đào tạo sinh viên Sư phạm và việc tuyển dụng sau khi ra trường vào ngành giáo dục chưa đồng bộ, từ đó dẫn đến việc bồi hoàn kinh phí gặp khó khăn, thiếu chặt chẽ.
Từ những hạn chế trên, Nghị định 60 ra đời nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nghị định cũ, đồng thời tiếp tục hỗ trợ, thu hút sinh viên giỏi, tâm huyết vào học và làm việc, cống hiến cho ngành giáo dục.
Theo đó, Nghị định 60/2025 quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong thu hồi kinh phí đào tạo sinh viên Sư phạm. Cụ thể, UBND tỉnh nơi sinh viên thường trú có trách nhiệm ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ. Sinh viên sẽ nộp tiền bồi hoàn cho cơ sở đào tạo hoặc cơ quan đặt hàng để nộp vào ngân sách nhà nước.
Sinh viên sư phạm bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc từ trần sẽ được xóa kinh phí bồi hoàn.
Nghị định 60 điều chỉnh quy định phương thức hỗ trợ kinh phí cho sinh viên Sư phạm, trong đó Nhà nước thực hiện hỗ trợ bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách. Nếu địa phương có nhu cầu nguồn giáo viên thì giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho trường sư phạm trực thuộc hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường đại học trên cả nước.
Với quy định này, các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm và sinh viên sư phạm sẽ được cấp kinh phí kịp thời, đầy đủ hơn, góp phần tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm yên tâm học tập, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Nghị định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/4 và áp dụng từ năm học 2025 - 2026 trở về sau.
Chế độ làm việc với giáo viên
Thông tư 05/2025 do Bộ GD&ĐT ban hành quy định về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/4, thay thế Thông tư 28/2009.
Thông tư 05/2025 làm rõ nguyên tắc xác định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học. Thời gian làm việc của giáo viên thực hiện theo năm học và được quy đổi thành tiết dạy. Thời gian làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng bảo đảm 40 giờ/tuần.
Việc phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên phải bảo đảm quy định về định mức tiết dạy, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường.
Trường hợp phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm, hiệu trưởng ưu tiên phân công kiêm nhiệm đối với giáo viên dạy chưa đủ định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần và bảo đảm giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Trường hợp phải phân công giáo viên dạy vượt định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần (bao gồm cả các tiết dạy quy đổi đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm) thì tổng số tiết dạy vượt trong 1 tuần không quá 50% định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần, tổng số tiết dạy vượt trong 1 năm học không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật về lao động.
Giáo viên giảng dạy ở trường phổ thông có nhiều cấp học được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên ở cấp học nào thì thực hiện định mức tiết dạy quy định đối với giáo viên ở cấp học đó.
Trường hợp giáo viên vừa được phân công giảng dạy ở cấp học theo chức danh được bổ nhiệm vừa được phân công giảng dạy ở cấp học khác thì mỗi tiết dạy ở cấp học khác được tính bằng 1 tiết định mức.
Ngoài ra, Thông tư 05/2025 cũng đưa quy định mới về việc giảm định mức tiết dạy cho giáo viên. Theo đó, thời gian làm việc trong năm học của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên trường phổ thông là 42 tuần. Trong đó, số tuần giảng dạy các nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông là 37 tuần.
Định mức tiết dạy với giáo viên trường tiểu học là 23 tiết, THCS là 19 tiết, THPT là 17 tiết. Giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú được quy định thấp hơn 2 tiết, lần lượt là 21, 17 và 15 tiết.
(Theo VTC News)