Các sản phẩm du lịch Yên Bái từ du lịch cộng đồng đến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm đang ngày càng được người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển theo hướng văn minh, văn hóa, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Từ chỗ chỉ có 3-4 cơ sở du lịch chuyên nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có 23 cơ sở xếp hạng từ 1 đến 3 sao và nhiều resort, khu du lịch được đầu tư bài bản. Nơi đây được đầu tư kỹ lưỡng về hệ thống phòng ở, được xây dựng từ những nguyên vật liệu địa phương mộc mạc, thân thiện như: gỗ, tre, nứa... nhưng được thiết kế đầy đủ tiện nghi, trang trí cầu kỳ, đậm chất văn hóa dân tộc.
Những cơ sở này còn chú trọng xây dựng không gian, khuôn viên, cách phục vụ và các dịch vụ bổ trợ độc đáo, đặc trưng, mang lại giá trị riêng cho du khách.
Tiêu biểu như: huyện Yên Bình có Khu nghỉ dưỡng OmTara với dịch vụ chăm sóc sức khỏe; huyện Văn Chấn có Lechamp Tú Lệ Resort với dịch vụ tắm suối khoáng nóng, spa và trải nghiệm kỳ thú cho những người thích phiêu lưu mạo hiểm tại Khu trải nghiệm Aeris Hill, Không gian văn hóa trà Suối Giàng với những trải nghiệm về cây chè tổ, thưởng thức trà Shan tuyết trứ danh cũng như văn hóa, ẩm thực của đồng bào Mông... Các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch từ nhà hàng, quán ăn, xe ôm, điểm tham quan cũng được người dân và chính quyền địa phương phát triển, quản lý để chuyên nghiệp hóa.
Ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: "Công tác quản lý các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện ngày một chuyên nghiệp. Các hộ kinh doanh lưu trú, hàng ăn, dịch vụ xe ôm được quản lý chặt chẽ. Giá vé tham quan tại các điểm du lịch được niêm yết rõ ràng. Đội xe ôm được quy định mặc đồng phục riêng của từng xã, quy định mức giá thu trên thẻ, được chính quyền quản lý cấp thẻ hoạt động. Các cơ sở kinh doanh hàng ăn được niêm yết giá cả các mặt hàng, thông tin số điện thoại đường dây nóng số các đồng chí lãnh đạo huyện”.
Phát triển du lịch theo hướng văn minh, văn hóa, chuyên nghiệp, hiện đại là một trong những giải pháp chiến lược để thực hiện mục tiêu năm 2025 là đón trên 1,5 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.500 tỷ đồng (Chương trình hành động số 05 ngày 25/5/2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24 tháng 02 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030).
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh cũng đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh Yên Bái quy định một số chính sách về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 gồm: hỗ trợ cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch, hỗ trợ nguồn nhân lực và hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ phát triển tài nguyên du lịch.
Năm 2022, ngành chuyên môn đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ các chính sách này với tổng kinh phí là 2,3 tỷ đồng. Các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản vùng miền cũng được tạo điều kiện chuẩn hóa thông qua Chương trình OCOP. Hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 191 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, phục vụ đắc lực cho thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh nhà.
Chị Nguyễn Thu Hà - du khách đến từ tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Sau 5 năm, đây là lần thứ 2 gia đình tôi quay trở lại Yên Bái. Lần này, chúng tôi chọn Homestay A Hùng ở Trạm Tấu. Cũng là homestay nhưng khác hẳn với du lịch cộng đồng 5 năm trước, chuyên nghiệp và tiện nghi hơn hẳn, rất xứng đáng cho những chuyến đi nghỉ dưỡng ngắn ngày.
Ở đây có những căn nhà gỗ nhỏ xinh có view đồng lúa, khu vệ sinh khép kín, khu bếp ăn sạch sẽ tiện nghi, sân vườn rộng rãi, thoáng mát, mọi góc trong homestay đều được bố trí, thiết kế rất hài hòa, đem lại cảm giác thư giãn, dễ chịu, giá cả cũng rất phải chăng”.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng, chuyên nghiệp; khuyến khích mỗi người dân, doanh nghiệp và mỗi khách du lịch có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, bền vững, phấn đấu để khách du lịch quay trở lại với địa phương nhiều hơn.
Hoài Anh