Vẹn nguyên ký ức
- Cập nhật: Thứ hai, 19/8/2013 | 2:55:50 PM
YBĐT - Ngót 7 chục năm ròng nhưng cụ Đào Duy Thái, 85 tuổi ở tổ 34, phố Hồng Phong, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái - một cựu sỹ quan quân đội nghỉ hưu vẫn vẹn nguyên ký ức hào hùng của những tháng ngày nhân dân thị xã Yên Bái chuẩn bị đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945.
Cụ Thái cho biết, năm 1944 cụ mới 15 tuổi, vì gia cảnh nghèo khó nên ngày ngày cụ đều đặn qua sông mang củi từ bên Giới Phiên về bán ở thị xã Yên Bái lấy tiền sinh sống. Thấy chàng trai là con nhà nghèo, có tinh thần yêu nước, khỏe mạnh, hoạt bát lại có điều kiện tự do ra vào thị xã nên Việt Minh đã tiếp cận vận động cụ tham gia liên lạc.
Vinh dự cho chàng trai nghèo là được trực tiếp làm liên lạc cho đồng chí Minh Đăng- một cán bộ được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công gây dựng phong trào cách mạng ở Yên Bái. Sau này, thành lập Ban Cán sự Đảng hai tỉnh Phú Thọ, Yên Bái do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư thì Đào Duy Thái lại làm liên lạc cho Ban Cán sự Đảng.
Vì được tiếp cận thường xuyên với lãnh đạo và cán bộ của Mặt trận Việt Minh nên ông Thái rất cảm phục tinh thần yêu nước, nhiệt tình cách mạng của các chiến sỹ cộng sản. Đặc biệt, những lần đi nhận nhiệm vụ hoặc may mắn được ngủ tại cơ sở bí mật, ông Thái thường được nghe đồng chí Minh Đăng nói rằng: "Muốn đánh đuổi được giặc Pháp thì phải bằng chính những con người ở đây đứng lên chứ không thể chờ đợi người ở nơi khác đến".
Có lẽ vì chủ trương ấy mà sau nhiều lần đưa thư vào nội thành cho các đồng chí đang hoạt động bí mật, ông Thái đã nhận thấy địa bàn thị xã nhỏ bé dọc bờ sông Hồng lên đến đầu cầu Yên Bái hiện nay với khoảng trên 3 trăm hộ dân ngày càng có nhiều thanh niên tham gia cách mạng.
Những người ở lại khí thế cũng không kém khi Việt Minh kêu gọi người dân kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Cảm kích nhất là những thanh niên đi làm thuê, trẻ em nghèo đi bán rạo lạc rang đã không ngại nguy nan hăng hái đi rải truyền đơn vận động nhân dân, công chức đứng lên ủng hộ cách mạng.
Trong đó, những nơi gần chỗ quân Nhật chiếm đóng và quản chế như Dinh Chánh sứ, Dinh Tuần phủ, trại lính bảo an… người lớn không thể tiếp cận được để rải truyền đơn thì nhiều thiếu nhi đã lợi dụng công việc bán dạo của mình để dán truyền đơn của Việt Minh kêu gọi quân Nhật đầu hàng.
Khi phát hiện truyền đơn, quân Nhật vừa hoang mang vừa hoảng loạn tưởng rằng Việt Minh đã tiếp cận đến nơi mà chúng không biết nên chúng phải chuyển địa điểm canh gác đến chỗ an toàn hơn. Có em nhỏ khi phát hiện thấy tên Nhật đi tuần độc lập đang bị thụt chân xuống đường lầy vì năm đó có trận lụt lịch sử gây ra nạn đói năm ất Dậu nên bùn sông tràn vào thị xã rất nhiều, thấy tên Nhật không thể rút ủng lên được, thiếu niên này đã nhanh trí giả lấy một cây củi đưa cho tên Nhật làm gậy. Tên lính này nhoài người để với thì em nhỏ kia giật mạnh làm tên lính ngã nhoài và em đã kéo khẩu súng dúi xuống bùn khiến tên lính này sợ hãi cố kiết tìm cách tháo thân.
Ở trong các công sở, cơ sở sản xuất như: Dinh Tuần phủ, Phủ đường Trấn Yên, Sở Đoan, Sở Dây thép, Sở Lục lộ, Nhà Đèn, Nhà Tằm, Đề pô Xe lửa… hầu hết quan chức, công chức, công nhân đều đã nghiêng về ủng hộ mặt trận Việt Minh. Bởi thế, Việt Minh đã tạo được cả thế và lực để tuyên truyền về phe phát xít đang thất bại nặng trên toàn thế giới và quân Nhật đã đầu hàng đồng minh nhằm ép quân Nhật đầu hàng và giao nộp vũ khí cho ta. Nhiều nơi công nhân đã thành lập lực lượng tự vệ kết hợp với thanh niên thị xã tấn công vào một số vị trí quân Nhật và lính bảo an đồn trú.
Ông Thái ấn tượng nhất là trận đánh ngày 17/8/1945. Lúc này giải phóng quân đã rút từ Nghĩa Lộ ra Âu Lâu rồi chia làm hai mũi từ Minh Tiến qua sông Tuy Lộc và từ Bảo Long (nay là Bảo Hưng) vượt sông sang khu chợ Yên Bái tấn công lên khu trung tâm có nhiều sở lỵ, Dinh Tuần phủ và Dinh Chánh sứ. Trận đánh bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng đến 8 giờ, buộc địch phải cố thủ tại chỗ. Sau đó, địch thấy ta đã ngơi tiếng súng nên chúng bắt đầu dùng hỏa lực mạnh phản công lại. Quân ta buộc phải rút lui nhưng cũng như những trận đánh khác, người dân thị xã tuy chỉ mở cửa sổ nhưng thấy quân ta đi qua, nhiều nhà đã gõ vào cửa hoặc lên tiếng báo cho các chiến sỹ rút ra phía sau nhà để tránh được thương vong.
Trận đánh trên tuy không thắng lợi nhưng buộc bọn Nhật ngày 19/8 phải cử đại diện cùng người của Dinh Tuần phủ sang Âu Lâu đàm phán với Việt Minh. Đồng thời, ngay trong ngày hôm đó, toàn bộ địa bàn thị xã đã do Việt Minh quản lý. Quân Nhật đồng ý rút lên Đồn Cao, giao nộp vũ khí và Việt Minh bảo đảm các điều kiện để quân Nhật rút khỏi Yên Bái.
Ngày 22/8, cả thị xã tràn ngập cờ đỏ sao vàng. Già, trẻ, gái, trai không quản đường sá lầy lội, ăn mặc quần áo mới nô nức kéo nhau về vườn hoa Nhà Kèn. Ai ai cũng rạng ngời chung một niềm vui khi đất nước thoát vòng nô lệ. Niềm vui ấy còn pha lẫn bao ngạc nhiên với sự tự hào khi một người bán củi, người đánh xe ngựa, những thanh niên vừa mới hôm nào rời thị xã đi vào chiến khu, những quan chức, công chức ở sở Tây trước đây nay về đứng trong hàng ngũ của đội quân cách mạng.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Hội nghị tổng kết công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam-Lào trên thực địa đã diễn ra ngày 19/8, tại Nghệ An.
YBĐT - Trải qua 68 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, được nhân dân hết lòng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Công an tỉnh Yên Bái luôn “Trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tuỵ với dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc, xây dựng và bảo vệ chế độ XHCN.
YBĐT - Mùa thu này 68 năm về trước, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng nhất tề vùng lên giành chính quyền về tay cách mạng, đạp đổ gông xiềng nô lệ, áp bức, đem lại độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân.
YBĐT - Ngày 22/8/1945, hàng ngàn người dân thị xã Yên Bái và các vùng xung quanh tập trung ở vườn hoa Nhà Kèn, dự mít tinh chào mừng khởi nghĩa Yên Bái thắng lợi, chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến, một kỷ nguyên mới ra đời, kỷ nguyên của một nước độc lập, tự do.