Từ “Đồi quế Bác Hồ” đến vùng quế hôm nay
- Cập nhật: Thứ ba, 24/9/2013 | 9:01:39 AM
YBĐT - Đã 55 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ lên thăm Yên Bái. Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu trồng cây, gây rừng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ông Hoàng Văn An (thứ 3 từ trái sang) kể về những ngày đầu trồng đồi quế ơn Bác.
|
Từ “Đồi quế bác Hồ” ngày nào, giờ đây, Yên Bái đã có một vùng nguyên liệu quế rộng lớn gắn với công nghiệp chế biến. Sản phẩm quế Yên Bái không chỉ nổi tiếng trong nước mà vươn xa ra nhiều nước trên thế giới.
Cho đến nay vẫn chưa ai biết cây quế được trồng từ bao giờ. Người ta chỉ biết từ những năm 50-60 của thế kỷ trước đã có nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao, dân tộc Tày ở khắp các vùng Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn có quế với cây to cả người ôm.Tuy nhiên, việc trồng quế lúc bấy giờ phát triển tự phát, mỗi nhà chỉ có chừng dăm, mười cây. Thế rồi nghe theo Đảng, Bác Hồ, đồng bào ở nhiều nơi định canh, định cư, tích cực lao động sản xuất, huy động sức người, sức của làm hậu phương cho miền Nam ruột thịt.
Ngày Bác mất, trong niềm tiếc thương vô hạn đối với Người, nhớ ơn Bác, nhớ lời Bác dạy, người Dao, người Tày ở nhiều nơi chung sức trồng nên đồi quế để tưởng nhớ công ơn của Bác, lấy tên là “Đồi quế Bác Hồ”. Quế trồng xuống như bén đất, bén người cứ thế lên xanh tốt.
Là người có vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ, được Bác chỉ dạy, dặn dò, ông Hoàng Văn An, thôn 1, xã Đại Sơn (Văn Yên) cũng là người tiên phong trồng quế để tưởng nhớ Bác. Ông nhớ lại: “Ngày Bác mất, thương Bác quá, gia đình tôi trồng 10 cây quế để tưởng nhớ Bác. Sau này thu hoạch bán được gần trăm triệu đồng, tất cả số tiền đó tôi mua công trái “Xây dựng Tổ quốc”. Khi làm Bí thư xã tôi xin phép huyện trồng một đồi quế “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” để khuyến khích người dân tham gia trồng quế”.
Vậy là từ “Đồi quế Bác Hồ” với hiệu quả kinh tế cao, người Tày, người Dao, người Kinh ở khắp các vùng định cư nhận đất trồng quế. Diện tích quế cứ lớn dần theo năm tháng, đời sống của đồng bào các dân tộc cũng vì thế bớt nghèo, bớt khổ hơn. Nhiều nhà thu nhập hàng trăm, hàng tỷ đồng từ quế. Cây quế trở thành cây xóa đói giảm nghèo, trồng quế trở thành một phong trào lớn ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Đến Văn Yên, nơi được coi là “khởi nguồn” của cây quế những ngày này, sân nhà nào cũng ngồn ngộn những quế, quế chất đầy nhà, quanh hè, quế tỏa ngát đường làng ngõ xóm. Quế phơi khắp nơi dọc các con đường, đủ loại xe vào mua quế, từ xe ôm đến những chiếc xe tải 10-15 tấn.
Ông Hà Đức Anh-Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Với diện tích trên 20.000ha, quế thực sự là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 16 triệu đồng mỗi năm, trong đó gia đình người trồng quế có thu nhập trung bình 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng”.
Cây quế đã làm thay đổi diện mạo các vùng quê, nhà xây, xe máy cũng từ tiền bán quế. Như hộ Hoàng Văn Minh, xã Đại Sơn (Văn Yên) trồng 15ha, cây to cũng 15 năm tuổi, mỗi năm bóc tỉa thu 60 triệu đồng, vừa qua có tư thương hỏi mua đồi quế và trả giá 2 tỷ đồng nhưng ông không bán. Hay gia đình ông Đặng Văn Hiện có 10ha, giá trị cũng tới 1,5 tỷ đồng, vụ quế năm ngoái gia đình bóc tỉa thu 60 triệu đồng, cùng với nguồn thu từ năm trước gia đình xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi. Nếu như trước đây trồng quế chủ yếu chỉ để bóc vỏ bán thì nay thân quế để làm nhà, làm nguyên liệu giấy, làm tăm, xẻ ván ghép sàn xuất khẩu; cành, ngọn, lá quế được đưa vào nấu tinh dầu quế cho giá trị cao.
Từ “Đồi quế Bác Hồ”, phong trào trồng quế ơn Bác đã phát triển rộng khắp tại nhiều vùng từ Văn Yên, Trấn Yên đến Văn Chấn. Đến nay, Yên Bái đã có một vùng nguyên liệu quế rộng lớn với trên 30.000ha. Cây quế trở thành cây xóa nghèo, làm giầu của hàng vạn người dân. Không dừng lại ở đó, gắn với vùng nguyên liệu này, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến tinh dầu quế đã ra đời, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động tại nhiều địa phương, đồng thời nâng cao giá trị, vị thế của quế. Sản phẩm quế Yên Bái giờ đây không chỉ có tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc và nhiều nước Tây Âu mang lại nguồn ngoại tệ lớn.
Cây quế đã và đang trở thành một cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giúp sức cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái.
Hùng Cường
Các tin khác
Việc ban hành Luật Đầu tư công cần phải tác động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu đầu tư; tăng cường, siết chặt kỷ luật về đầu tư công, khắc phục triệt để những tồn tại yếu kém trong quản lý Nhà nước về đầu tư công hiện nay.
YBĐT - Chiều 23/9, Đoàn công tác của Bộ Xây dựng do đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái về tình hình thực hiện công tác quản lý Nhà nước về phát triển và nâng cấp đô thị trên địa bàn.
YBĐT - Gần ngày kỷ niệm 55 năm, ngày Bác Hồ Lên thăm Yên Bái, chúng tôi tới Đảng bộ xã Báo Đáp huyện Trấn Yên; nơi vinh dự được nhận Bằng khen của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
YBĐT - Sau chuyến thăm và làm việc tại huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái), Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng đã rất ấn tượng về những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đạt được, đặc biệt là phong trào phát triển kinh tế - văn hóa xã hội và xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh của Đảng bộ, chính quyền xã Trạm Tấu.