Bình đẳng, đoàn kết, chung sức, sáng tạo, xây dựng quê hương giàu đẹp
- Cập nhật: Thứ hai, 11/8/2014 | 10:02:01 AM
YBĐT - Trong 5 năm qua, triển khai các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn và thực hiện những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Yên Bình đã có nhiều cố gắng, tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng chí Dương Văn Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình cùng các đồng chí lãnh đạo huyện trao đổi với đồng bào Tày xã Phúc Ninh về phát triển đường giao thông nông thôn.
|
Yên Bình có 26 xã, thị trấn với 284 thôn, tổ dân phố (trong đó có 6 xã đặc biệt khó khăn, 11 xã vùng II có 47 thôn đặc biệt khó khăn). Tổng dân số 105.992 người với 5 dân tộc chung sống (người Kinh chiếm 56% dân số, người Tày 17,4%, người Dao 16,2%, Cao Lan 6,8% và người Nùng chiếm 3%, còn lại là các dân tộc ít người khác). Đồng bào các dân tộc trong huyện có truyền thống đoàn kết gắn bó, phát huy truyền thống cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tương trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Các cấp ủy, chính quyền luôn xác định, công tác dân tộc, thực hiện các chính sách dân tộc có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, đời sống xã hội địa phương. Huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, đơn vị chuyên môn, chính quyền cơ sở tập trung thực hiện thống nhất, hiệu quả các chương trình, dự án chính sách trên địa bàn.
Cụ thể, triển khai Chương trình 135, từ năm 2009 đến năm 2014, huyện được đầu tư gần 44 tỷ đồng xây dựng 60 công trình, trong đó có 51 công trình giao thông, 3 công trình đường điện, còn lại là công trình nhà lớp học, trạm y tế, chợ và hội trường thôn; nâng cấp, sửa chữa 35 công trình sau đầu tư 135 với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng. Nhờ nguồn đầu tư và sự tham gia của đồng bào đã góp phần nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương và phát triển sản xuất.
Cũng từ vốn 135, Yên Bình đã tổ chức hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho hộ nghèo, nhóm hộ về giống vật nuôi, cây trồng, xây dựng mô hình sản xuất và các máy móc thiết bị cho nông nghiệp trị giá trên 6,3 tỷ đồng. Ngoài được tập huấn chuyển giao khoa học, hạch toán sản xuất và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hàng ngàn lượt người dân, hộ nghèo đã được hỗ trợ giống trâu, bò, lợn nái, giống lúa, ngô, giống cây lâm nghiệp, vật tư phân bón; được sử dụng máy cày bừa, máy tuốt, bình phun, máy băm thái thức ăn... phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Thực hiện dự án đào tạo, huyện đã tổ chức 14 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 409 cán bộ ban giám sát và ban quản lý Chương trình 135 cấp xã; mở 18 lớp dạy nghề cho trên 800 thanh niên là con của người dân tộc thiểu số và 56 lớp nâng cao năng lực cho 2.038 lượt người dân nghèo. Hỗ trợ nâng cao đời sống người dân, cùng với tổ chức trợ giúp nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào ở các xã, các thôn đặc biệt khó khăn, huyện đã hỗ trợ cho 8.403 lượt học sinh con hộ nghèo đi học với số tiền gần 9,4 tỷ đồng; hỗ trợ cho trên 1.000 hộ gia đình nghèo xây dựng công trình hợp vệ sinh, nguồn kinh phí trên 1 tỷ đồng. Các dự án di dân định canh định cư xen ghép theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg của Chính phủ đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định nơi ở, có thêm điều kiện sản xuất và thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày.
Từ năm 2009 - 2014, huyện Yên Bình đã quản lý, cấp phát trên dưới 195 ngàn thẻ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn theo Luật Bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số được khám chữa bệnh kịp thời, góp phần chăm sóc sức khỏe từ cơ sở.
Thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, đã có 74.684 lượt nhân khẩu được hỗ trợ trực tiếp với tổng kinh phí trên 6,2 tỷ đồng. Toàn huyện có khoảng 470 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được hỗ trợ vay vốn theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng nguồn vốn trên 2,5 tỷ đồng. Vốn vay đã được sử dụng đúng mục đích, giúp hộ gia đình phát triển sản xuất hiệu quả. Có mô hình quản lý vốn sử dụng, sản xuất tiên tiến đang được duy trì và nhân rộng. 5 năm qua, chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng bằng tiền cho 1.830 lượt hộ với số tiền gần 170 triệu đồng đã chi trả đúng đối tượng.
Các cấp, các ngành đã quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần phát huy vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, vận động gia đình và cộng đồng chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, chăm chỉ làm ăn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Việc cấp phát báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện đúng quy định giúp đồng bào được tiếp cận chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nắm bắt thông tin về phát triển kinh tế - xã hội; nhận thức của đồng bào vùng dân tộc được nâng lên, có điều kiện học hỏi những cách làm hay để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Đặc biệt, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, từ năm 2012 đến năm 2014, huyện Yên Bình đã được cấp kinh phí hỗ trợ trên 4,8 tỷ đồng để hỗ trợ 642 lượt học sinh dân tộc thiểu số với kinh phí gần 2,6 tỷ đồng; hỗ trợ cơ sở chăn nuôi cho hộ nghèo 817 triệu đồng; hỗ trợ trồng 1.113ha rừng sản xuất, kinh phí trên 1,1 tỷ đồng; hỗ trợ 150 triệu đồng giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ 1.500ha; hỗ trợ tiêm phòng dịch bệnh 169,5 triệu đồng. Tỉnh còn hỗ trợ các xã mở mới 48,3km đường liên thôn, làm 194 cống qua đường với tổng kinh phí trên 4,9 tỷ đồng. Chính sách của tỉnh đã động viên, khích lệ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và hỗ trợ học sinh vùng dân tộc có điều kiện học tập, phát triển...
Đồng chí Nguyễn Văn Trọng (ngoài cùng bên phải) - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình kiểm tra năng suất lạc được đồng bào trồng ở diện tích bán ngập hồ Thác Bà. (Ảnh: tư liệu)
Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, huyện Yên Bình đã lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 7.005 hộ năm 2011 giảm xuống còn 5.223 hộ năm 2013, trong đó số hộ nghèo là dân tộc thiểu số 3.394 hộ, chiếm gần 65%; người Tày và người Nùng được đánh giá có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Một số xã làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo là: Cảm Nhân, Đại Minh, Vĩnh Kiên, Hán Đà, Thịnh Hưng, Phú Thịnh, Mông Sơn. Những cá nhân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo như: bà Triệu Thị Lai, dân tộc Dao, xã Bảo Ái; bà Bàn Thị Khoa, dân tộc Dao, xã Yên Thành; ông Mã Đình Hoan, dân tộc Tày, xã Ngọc Chấn; bà Nông Thị Khuyến, dân tộc Tày, xã Tân Hương; ông Nguyễn Văn Điện, dân tộc Dao, xã Cảm Nhân...
Sự nỗ lực của đồng bào các các dân tộc trong huyện đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2014 ước đạt 28,6 triệu đồng, tăng 16,1 triệu đồng so với năm 2009; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế trong giai đoạn 2009 - 2014 tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Đến nay, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng nguyên liệu chè với diện tích 2.011ha, sản lượng bình quân đạt trên 17.000 tấn; vùng trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi Đại Minh. Số lượng đàn trâu, đàn dê phát triển, xây dựng được 172 cơ sở chăn nuôi lợn, gà, ba ba hàng hóa tập trung; phát triển mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có bước tăng trưởng mạnh mẽ, hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục ổn định và phát triển, lưu thông hàng hóa thông suốt giữa các vùng trên địa bàn huyện...
Phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng và đã xuất hiện nhiều tấm gương trong đồng bào dân tộc thiểu số góp sức, hiến đất, đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn ở các xã: Đại Minh, Văn Lãng, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Mông Sơn.
Đi đôi với phát triển kinh tế, đồng bào đã tích cực tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy các lễ hội truyền thống. Đây là một trong những việc quan trọng, tác động tích cực đến đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Nhiều cá nhân có tâm huyết như nghệ nhân Hoàng Tương Lai, dân tộc Tày, xã Xuân Lai; nghệ nhân Âu Thị Chính, nghệ nhân La Thị Tý, dân tộc Cao Lan, xã Vũ Linh; nghệ nhân Hoàng Định, dân tộc Dao, xã Yên Thành… đã sưu tầm và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, các làn điệu dân ca truyền thống được lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào; đời sống tinh thần của người dân được nâng lên. Trong 5 năm, Yên Bình đã ra mắt được 45 làng văn hóa, nâng tổng số làng văn hóa toàn huyện lên 190 làng. Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa tăng dần qua các năm và đạt 78,2% vào năm 2013. Sự nghiệp giáo dục có chuyển biến tích cực, đáng kể là việc thực hiện các chế độ, chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ, hỗ trợ học sinh bán trú... đã phát huy hiệu quả trong việc huy động trẻ ra lớp. Nhiều học sinh con em đồng bào đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu học tập đạt nhiều thành tích.
Các chương trình mục tiêu về y tế được triển khai đến tận xã, thôn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện. Giai đoạn 2009 - 2014, huyện có 13 trạm y tế và phòng khám được xây mới, tạo điều kiện cho công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn nhất là người dân tộc thiểu số. Công tác quốc phòng - an ninh được bảo đảm, trật tự xã hội trên địa bàn được giữ vững, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được phát động và thực hiện hiệu quả ở nhiều đơn vị. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.
Phát huy những kết quả đạt được, huyện Yên Bình tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác dân tộc nhằm tập trung các nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng đầu tư đồng bộ nhằm phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn, tạo tiền đề vững chắc đưa huyện trở thành địa phương phát triển nhanh và toàn diện trong giai đoạn tiếp theo.
Quang Tuấn
Các tin khác
Ngày 10/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM-47) đã ra thông cáo chung về kết quả đạt được của hội nghị về các vấn đề đã được các Bộ trưởng thảo luận.
YBĐT - Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giao ban đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 7 và triển khai nhiệm vụ tháng 8 năm 2014; UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ văn hóa - xã hội những tháng cuối năm; Sạt lở taluy tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái; Mỹ chính thức tham chiến tại Iraq, lần đầu tiên kể từ năm 2001... là những thông tin đáng chú ý.
YBĐT – Trong 2 ngày 7 và 8/8, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư năm 2014. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị.
Ngày 8/8, tại Hà Nội, Thượng nghị sỹ John McCain, thành viên Ủy ban Đối ngoại và Quân vụ cùng Thượng nghị sỹ Sheldon Whitehouse, thành viên các Ủy ban Tư pháp, Ngân sách, Kinh tế, Lao động-Tiền lương, Môi trường và Công chính, Thượng viện Hoa Kỳ, đã họp báo trong nước và quốc tế nhân chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.