Đa số tán thành việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
- Cập nhật: Thứ tư, 13/8/2014 | 2:22:06 PM
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 13/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu ý kiến tại phiên họp.
|
Các ý kiến tán thành với nhiều nội dung được đề cập trong Báo cáo của Ủy ban về các vấn đề xã hội về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tán thành việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
Đa số ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (Điều 2) đối với đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điểm b khoản 1 Điều 2).
Theo các đại biểu, việc đưa nhóm lao động trên tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động.
Đây là nhóm lao động có quan hệ lao động nhưng trên thực tế thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới ba tháng để tránh thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng để đảm bảo tính khả thi, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn và bảo hiểm xã hội Việt Nam phải tăng cường tuyên truyền, vận động, đổi mới công tác quản lý, thực hiện khai trình lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện quy định này.
Về bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn (gọi chung là cấp xã) tham gia bảo hiểm xã hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội là cơ quan thẩm tra dự án Luật nêu quan điểm đối tượng này cần áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong phạm vi chế độ hưu trí và tử tuất có sự hỗ trợ của nhà nước; khuyến khích các địa phương, căn cứ vào khả năng ngân sách để hỗ trợ việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đầy đủ 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tại nạn lao động và bệnh nghề nghiệp).
Theo Ủy ban, từ thực tiễn hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy, nhiều người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có quá trình làm việc tương đối lâu dài tại cơ sở có nguyện vọng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Cùng với chính sách liên thông giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ đảm bảo việc tham gia liên tục để đủ điều kiện hưởng lương hưu (trừ những người đang hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng).
Ủy ban cho biết nếu thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc với hai chế độ hưu trí và tử tuất cho nhóm này thì nhà nước sẽ hỗ trợ đóng 14% mức tiền lương cơ sở và người lao động sẽ đóng 8% còn lại.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và nhiều ý kiến khác trong Ủy ban thường vụ Quốc hội lại không đồng quan điểm với cơ quan thẩm tra về vấn đề này.
Các ý kiến đề nghị quy định đối tượng này thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ. Lý giải về đề nghị này, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng này không thuộc diện hưởng tiền lương mà chỉ hưởng chế độ phụ cấp, thời gian làm việc không trọn ngày và sẽ gặp khó khăn khi giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Theo ông Phan Trung Lý việc đưa đối tượng này vào diện đóng bảo hiểm bắt buộc hay tự nguyện phải xét trên các phương diện, đảm bảo cho cơ quan bảo hiểm thực hiện nhiệm vụ của mình là vừa đảm bảo an sinh vừa đảm bảo an toàn xã hội.
Giao chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với việc giao chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Bởi cơ quan bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến an sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động.
Đây không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy mà là một tổ chức tài chính, được Nhà nước giao chức năng quản lý, sử dụng và đầu tư sinh lời đối với quỹ bảo hiểm xã hội, thực hiện cung cấp dịch vụ công.
Nếu bổ sung chức năng thanh tra đối với việc đóng bảo hiểm xã hội sẽ khắc phục mạnh mẽ những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội...
Thảo luận về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng (Điều 57), nhiều ý kiến tán thành với phương án 1: Điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nữ và 20 năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu rõ trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ.
Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu bảo hiểm xã hội trên cơ sở mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 90 của Bộ luật Lao động để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó.
Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải cân nhắc bảo đảm bình đẳng giới trong khi điều chỉnh chính sách này.
Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị quy định lộ trình nâng số năm đóng bảo hiểm xã hội của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu (cụ thể, năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm).
Lộ trình này tạo điều kiện để lao động nam có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo hướng cân đối đóng-hưởng như mục tiêu xây dựng Luật đã đặt ra.
Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới.
Theo Chương trình, chiều 13/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thú y.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ II có các đồng chí đại diện Ban tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ II; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và 120 đại biểu tiêu biểu chính thức.
YBĐT - Lần đầu tiên, Hiến pháp nêu rõ vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp. Đây là cơ sở để phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Chiều 12-8, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn đã chủ trì buổi họp báo chương trình Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ III, năm 2014.
YBĐT- Trong 2 ngày (11 và 12/8), UBND huyện Yên Bình tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2014 nhằm đánh giá công tác dân tộc, khẳng định, ghi nhận những công lao to lớn của đồng bào các dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2009 – 2014, phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc đến năm 2019.