Kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2014)

Nhớ những ngày tháng Tám rực lửa

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/8/2014 | 9:29:42 AM

YBĐT - Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và chỉ trong một tuần đã đánh tan đội quân Quan Đông - lực lượng chủ lực của quân đội Nhật, tạo nên thế chủ động buộc Nhật phải tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vào ngày 14/8.

Vườn hoa Hồng Hà (tức vườn hoa Nhà Kèn), phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái - nơi cách đây 69 năm (ngày 22/8/1945) đã diễn ra cuộc mít tinh ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái, tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. (Ảnh: Ngọc Đồng)
Vườn hoa Hồng Hà (tức vườn hoa Nhà Kèn), phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái - nơi cách đây 69 năm (ngày 22/8/1945) đã diễn ra cuộc mít tinh ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái, tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. (Ảnh: Ngọc Đồng)

Tin Nhật đầu hàng nhanh chóng lan truyền khắp cả nước và thổi bùng ngọn lửa cách mạng, phát triển thành cao trào chưa từng thấy. Những tầng lớp trung gian, binh lính người Việt bắt đầu ngả hẳn về phía cách mạng và khắp toàn quốc đã nổ ra những cuộc biểu tình thị uy vũ trang do Việt Minh tổ chức ngay trước mắt quân Nhật và chính quyền bù nhìn. Tình thế này làm cho quân Nhật tê liệt trước cao trào cách mạng và thời cơ cách mạng đã chín muồi.

Ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh Tổng khởi nghĩa và cũng trong ngày này Ủy ban Quân sự cách mạng Yên Bái đã đề ra kế hoạch giành chính quyền ở tỉnh lỵ. Kế hoạch gồm hai bước: bước một, dùng lực lượng vũ trang có lính trong trại bảo an binh giúp đỡ tiến hành tước vũ khí của đơn vị này đem trang bị cho các đội tự vệ vũ trang ở thị xã Yên Bái; bước hai, sẽ huy động quần chúng ở thị xã và vùng xung quanh có lực lượng vũ trang làm áp lực đấu tranh buộc quân Nhật để ta giải tán chính quyền tay sai của chúng và lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân; nếu quân Nhật ngoan cố chống lại thì ta sẽ dùng lực lượng vũ trang tiến công tiêu diệt.

Theo kế hoạch đã định, ngày 15/8/1945, Việt Minh đã huy động 4 trung đội vũ trang đến tập kết ở hữu ngạn sông Hồng đối diện với thị xã và chuẩn bị thuyền bè sẵn sàng cơ động. Cùng ngày, Đỗ Văn Bình - Tỉnh trưởng Yên Bái báo cho Việt Minh biết quân Nhật muốn được đàm phán với ta và được ta đồng ý nên sáng 16/8 cuộc đàm phán hai bên đã được diễn ra tại dinh Tri phủ Trấn Yên. Phía ta đã đưa ra hai yêu cầu gồm: một là, quân đội Nhật không được can thiệp vào việc giành chính quyền của Việt Minh ở thị xã Yên Bái; hai là, Nhật phải trao toàn bộ vũ khí đã thu được của Pháp trước đây cùng với số vũ khí của Nhật hiện có cho Việt Minh.

Cuộc đàm phán căng thẳng trong nhiều giờ vì Nhật nhận giao cho ta toàn quyền chính trị, quân sự, hành chính cùng số vũ khí mà Nhật thu của Pháp nhưng vũ khí của Nhật thì xin 48 giờ sau sẽ trả lời vì còn xin lệnh cấp trên. Đây có thể là cớ để quân Nhật trì hoãn nhằm tẩu tán những vũ khí quan trọng thu được của Pháp và cất giấu vũ khí của chúng nhằm thời cơ lật lại thế cờ. Phía ta không chấp nhận ý kiến của quân Nhật nên hai bên không đạt được thỏa thuận.

Đêm 16 rạng ngày 17/8, Ủy ban Quân sự cách mạng lệnh cho 4 trung đội vũ trang vượt sông Hồng vào trại lính bảo an tước vũ khí địch. Ta đã khống chế được lính gác cổng, chặn các lối ra vào, bắt chỉ huy trại lính và buộc phải mở kho vũ khí và quân ta đã thu được hơn 300 khẩu súng các loại cùng nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng. Nhưng ngay sau đó lại xảy ra cuộc xung đột giữa lực lượng vũ trang của ta với quân Nhật. Ta đã đưa 3 trung đội vào tham chiến và ở những giờ đầu đã tạo được ưu thế khiến quân Nhật chỉ có thể phòng thủ ở đồn Cao.

Khu vực Di tích Cổng Đục - Đồn Cao là nơi diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa lực lượng vũ trang cách mạng của ta với quân Nhật trong những ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã tỉnh lỵ Yên Bái.

Khí thế đứng lên của nhân dân thị xã Yên Bái lúc này hừng hực dâng cao. Cờ đỏ sao vàng cắm đỏ rực khắp thị  xã và nhân dân các vùng xung quanh đánh trống liên hồi hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh và đuổi quân Nhật cút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, đến 9 giờ sáng 17/8, Nhật đã dùng khoảng 200 quân với hỏa lực mạnh đẩy lùi quân ta lùi xa dần đồn Cao về khu vực phía dưới cầu Yên Bái ngày nay.

Trước tình thế đó, Ủy ban Quân sự cách mạng lệnh cho các trung đội phân tán thành những tổ nhỏ ẩn nấp trong các nhà dân, nhất là những nhà 2 tầng để khống chế các ngã ba, ngã tư các con phố. Cuộc chiến đấu kéo dài cho đến cuối buổi chiều và quân ta mặc dù vũ khí sơ sài, chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu nhưng với sự mưu trí, tinh thần dũng cảm đã đánh trả quyết liệt tiêu diệt 11 tên lính Nhật và nhiều tên khác bị thương buộc chúng phải rút về đồn Cao.

Tối 17/8/1945, đồng chí Ngô Minh Loan và đơn vị vũ trang ở Nghĩa Lộ đã ra đến bến Âu Lâu. Lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc cũng được chuyển tới nơi. Ban cán sự Đảng tổ chức họp khẩn tại Nhà Tằm và chủ trương huy động quần chúng vào thị xã đấu tranh chính trị kết hợp với áp lực vũ trang giành chính quyền. Đồng thời, ta thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái và đưa thêm lực lượng vào chiếm các công sở, trại lính bảo an, kiểm soát các tuyến đường bộ ở thị xã.

Đến sáng 18/8/1945, Tỉnh trưởng Yên Bái cho 5 người mang cờ trắng cùng thư gửi lãnh đạo Việt Minh đề nghị ngừng bắn và tiến hành đàm phán với quân Nhật. Ta đồng ý ngừng bắn từ lúc 8 giờ sáng 19/8 đến 19 giờ cùng ngày và thực hiện đàm phán lúc 14 giờ tại dinh tỉnh trưởng.

Đồng chí Ngô Minh Loan làm trưởng đoàn và tại cuộc họp ta đã đưa ra hai yêu cầu: một là, quân đội Nhật không được can thiệp vào việc lập chính quyền Việt Minh ở tỉnh Yên Bái; hai là, quân Nhật đi lại ở thị xã Yên Bái phải báo cáo cho quân Việt Minh biết (nếu đi bằng ô tô, xe máy phải cắm cờ Nhật và cờ Việt Minh). Đại diện quân Nhật đã chấp nhận các yêu cầu của ta. Ta đồng ý để quân Nhật tiếp tục đóng ở đồn Cao, cung cấp cho chúng một phần lương thực, thực phẩm và tạo điều kiện cho chúng rút quân an toàn. Với thành công của cuộc đàm phán này, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nhân dân Yên Bái đã toàn thắng.

Sáng 20/8, các đơn vị vũ trang cách mạng tiếp quản toàn bộ thị xã Yên Bái. Hàng nghìn người già, trẻ, gái, trai từ căn cứ Vần, Đông Cuông, Yên Bình… mang theo cờ, hoa, biểu ngữ tiến vào thị xã chào mừng thắng lợi trong niềm vui khôn xiết từ nay trở đi đã được làm công dân của một nước tự do. Đến sáng 22/8/1945, Ban cán sự Đảng tiến hành tổ chức cuộc mít tinh quần chúng ở Vườn hoa thị xã (gần rạp Hồng Hà ngày nay) với gần một vạn người đến dự. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái làm lễ ra mắt nhân dân; đồng chí Ngô Minh Loan làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Phúc làm Phó chủ tịch.

Sau đó, đồng chí Nguyễn Phúc đã thay mặt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến; công bố chính sách của Mặt trận Việt Minh; kêu gọi nhân dân các dân tộc đoàn kết ủng hộ, giúp đỡ chính quyền cách mạng sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của đế quốc và các thế lực phản động, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng, từng bước xây dựng cuộc sống mới. Những ngày tháng Tám rực lửa năm ấy đã đi qua gần 2/3 thế kỷ nhưng nhắc lại vẫn thấy như vừa mới hôm nào.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng các Bộ: Tư pháp; Xây dựng, KH&CN và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Sự đoàn kết của cả dân tộc đã làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (Ảnh tư liệu).

Hào khí của Cách mạng tháng Tám thôi thúc chúng ta kiên trì con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

YBĐT - Thực hiện chương trình công tác, trong 2 ngày (15 - 16/8), đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng 7 tháng đầu năm và kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a tại huyện Trạm Tấu. Cùng đi có đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Huy, Công an huyện Mù Cang Chải, trao đổi nắm tình hình an ninh trật tự tại gia đình chị Lý Thị Xê, bản Dì Thàng, xã Chế Cu Nha. Ảnh: Thanh Miền

YBĐT - Ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định, lấy ngày 19/8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”. 9 năm qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” đã phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tạo thành thế trận an ninh nhân dân vững chắc, góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục