Đại biểu Quốc hội phải có bản lĩnh, tiếp xúc cử tri nhiều

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/9/2014 | 1:43:33 PM

Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã khai mạc sáng nay, 8-9 để thảo luận một số nội dung quan trọng cho kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, kỳ họp Quốc hội tới đây, số lượng luật thông qua rất lớn, với 17 luật, nghị quyết, đồng thời thảo luận cho ý kiến 12 luật, chưa kể những nội dung khác. Vì vậy, hội nghị ĐBQH chuyên trách lần này sẽ thảo luận, cho  ý kiến về 6 dự án luật trong số các luật sẽ được thông qua trong kỳ họp tới. Cụ thể, các ĐBQH chuyên trách sẽ cho ý kiến về các dự án luật: Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật căn cước công dân; Luật đầu tư (sửa đổi); Luật doanh nghiệp (sửa đổi); Luật nhà ở (sửa đổi); Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Luật tổ chức Quốc hội là luật đầu tiên sau sửa đổi Hiến pháp sẽ được thông qua để làm nền cho các luật khác. “Trình luật ra Quốc hội với tinh thần bảo đảm Hiến pháp, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, bảo đảm khả thi trong cuộc sống. Xem xét luật với tinh thần bảo đảm chất lượng cao nhất, luật nào chất lượng thì được Quốc hội thông qua, không vì tiến độ đã đặt ra mà phải thông qua”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Đề xuất tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách

Trong buổi sáng 8-9, các ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Về số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách, qua thảo luận Dự thảo Luật quy định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH nhưng nhiều ý kiến đề nghị tăng lên ít nhất 40%. Tại hội nghị sáng nay, các ý kiến vẫn chưa thống nhất. ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng, không phải là số lượng mà phải là tiêu chuẩn về chất lượng. Chất lượng ĐBQH chuyên trách phải được quy định rõ ràng, ít nhất phải là chuyên viên cao cấp, có 15 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực mà đại biểu tham gia, có năng lực giám sát, lập pháp. “Thực tế hiện nay ¾ thời gian ĐBQH giống như công chức, vì thế không có thời gian tiếp xúc cử tri, đại diện cho cử tri, vì thế mà bị cử tri chê. Phải tính lại tiêu chuẩn ĐBQH chuyên trách. Chỉ cần 35% ĐBQH chuyên trách để bảo đảm tính đại diện của Quốc hội, nhưng phải bảo đảm tinh, không cần đa. Phải quy định ĐBQH chuyên trách dành 1/3  làm việc thời gian tiếp công dân, tiếp xúc cử tri. Chế độ đối với ĐBQH chuyên trách cũng phải được phân rõ, không cào bằng, để có động lực phấn đấu”, ông Đương đề nghị.

ĐB Trần Ngọc Vinh lại cho rằng, tỷ lệ ĐBQH chuyên trách tối thiểu phải 40%. Đồng thời phân bổ ĐBQH chuyên trách ở cơ quan hành pháp phải ít hơn ở cơ quan lập pháp, tư pháp. Vì làm luật mà ở hành pháp nhiều sẽ không khách quan. Đồng thời bảo đảm ĐBQH chuyên trách không kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn, dành thời gian nhiều hơn cho hoạt động ở Quốc hội. ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đồng ý với ĐB Trần Ngọc Vinh, mỗi địa phương có ít nhất 2 ĐBQH chuyên trách, Hà Nội và TPHCM có thể nhiều hơn. Trường đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Nam đề xuất cần tăng thêm ĐBQH chuyên trách lên 50% để bảo đảm chất lượng hoạt động, đáp ứng  yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

Một số ý kiến đề nghị quy định ĐBQH chuyên trách phải dành từ ¼ đến 1/3 thời gian để tiếp xúc cử tri, để ĐBQH gần dân hơn, tránh hành chính hóa trong hoạt động Quốc hội.

Đừng làm ĐBQH “cho oai”

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, ĐBQH là nhân vật trung tâm của Quốc hội. “Tiêu chuẩn ĐBQH ghi trong luật giống hệt tiêu chuẩn của các cán bộ công chức khác. Nhưng đặc thù của ĐBQH phải là những người rất tận tụy, gắn với tâm tư nguyện vọng của cử tri, thực sự có tư duy phản biện, độc lập, vô tư, không bị tác động bởi bên ngoài, không bị tác động của lợi ích nhóm, có năng lực nhất định về lập pháp, giám sát. Vì thế tiêu chuẩn ĐBQH cần thiết kế thật rõ”, ĐB Đỗ Văn Đương nói.

Đồng quan điểm, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, tiêu chuẩn ĐBQH phải ưu tiên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, và đặc biệt phải có bản lĩnh. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng nêu quan điểm, hiện nay đang bị tình trạng cán bộ, công chức hóa tiêu chuẩn ĐBQH. “Phải nghiên cứu, đổi mới vấn đề này. ĐBQH là phải gắn với cử tri, phải quy định rõ bao nhiêu % anh phải ngồi ở địa phương, để giải quyết bức xúc của họ. Phải loại bỏ việc gửi ĐBQH bầu ở các địa phương nhưng không có thời gian tiếp xúc, giải quyết kiến nghị của cử tri. Đừng làm ĐBQH cho oai, không có thời gian tiếp dân, vì thời gian làm chuyên môn đã choán hết”, ĐB Trần Du Lịch thẳng thắn. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng đề xuất, luật lần này cần quy định rõ ĐBQH phải thực hiện trách nhiệm của mình.

(Theo SGGP)

Các tin khác

YBĐT - Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Văn Chiến và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự khai giảng tại nhiều địa phương; Yên Bái hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân năm 2014; Đoàn công tác liên ngành của Trung ương làm việc tại tỉnh Yên Bái; Khẩn cấp ngăn chặn dịch cúm A/H5N6 lan rộng; Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh NATO; Số người tử vong do nhiễm virus Ebola đã vượt quá 2.000; 96% kho vũ khí hóa học của Syria đã được tiêu hủy...là những thông tin đáng chú ý.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các Trưởng đoàn dự Hội nghị APEC lần thứ 6.

Ngày 6/9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp các trưởng đoàn dự Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về phát triển nguồn nhân lực lần 6 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hai bên nhất trí sẽ nỗ lực phấn đấu nhằm đạt mục tiêu kết thúc đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại tự do FTA.

YBĐT - Ngày 6/9, huyện Trấn Yên long trọng tổ chức Lễ Giao nhận quân đợt 2 năm 2014. Dự Lễ Giao quân có đồng chí Phạm Duy Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Trấn Yên và đại diện các đơn vị nhận quân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục