Các biện pháp thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ hai, 6/10/2014 | 10:45:15 AM
YBĐT - Suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Ngày nay, nguyên tắc này đã được nhiều Nhà nước coi là nguyên tắc của tố tụng hình sự và được đánh giá là thành tựu vĩ đại của văn minh pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người.
Ông Đỗ Thái Trung - Viện trưởng Viện KSND huyện Trạm Tấu.
|
Ở nước ta, nguyên tắc suy đoán vô tội quy định trong Hiến pháp 2013 đã được Quốc hội thông qua và đang được tổ chức viện kiểm sát nhân dân (KSND) các cấp từ Trung ương tới địa phương triển khai thực hiện nhằm đưa Hiến pháp vào cuộc sống.
Là một trong những địa bàn vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, cùng với các cơ quan thực thi pháp luật của huyện Trạm Tấu, Viện KSND huyện đã và đang tiến hành nhiều biện pháp tích cực thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội, góp phần đem đến sự cân bằng trong hoạt động tố tụng hình sự giữa một bên là các cơ quan tiến hành tố tụng với một bên là những người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Quyền con người được Nhà nước tôn trọng, thừa nhận và bảo vệ cả khi bị truy tố, xét xử là có tội vẫn được coi là không có tội cho tới khi được chứng minh và có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Trao đổi với ông Đỗ Thái Trung - Viện trưởng Viện KSND huyện Trạm Tấu về các biện pháp thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội được cơ quan Viện KSND huyện thực hiện ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh, ông Trung cho biết:
Là một hệ thống các cơ quan tham gia quyền tư pháp với chức năng, nhiệm vụ của Viện KSND quy định tại Điều 107 là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện KSND có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Với chức năng và nhiệm vụ đó, Viện KSND huyện Trạm Tấu đã thực hiện một số các biện pháp cụ thể thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định trong Hiến pháp 2013 như sau:
Một là: Phối hợp với với cơ quan điều tra và Tòa án nhân dân huyện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành để thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Tố tụng hình sự năm 2003 là "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng". Bị can, bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh là mình vô tội, mặc dù quyền im lặng của bị can, bị cáo chưa quy định cụ thể trong Luật Tố tụng hình sự Việt Nam.
Hai là: Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra, chống oan, sai đồng thời cũng không bỏ lọt tội phạm. Đảm bảo việc điều tra, truy tố và xét xử đúng quy định của pháp luật, việc thu thập chứng cứ đủ chứng minh, vì nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội của cơ quan công tố (viện kiểm sát) phải dựa trên chứng cứ xác thực, phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ và phải được thu thập theo đúng trình tự tố tụng. Nếu không làm rõ được thì phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Theo chúng tôi, đây là biện pháp cơ bản và xuyên suốt trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Ba là: Đảm bảo thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa (luật sư, trợ giúp viên pháp lý…). Hiện nay, ở Trạm Tấu, có tới 77% dân số là đồng bào dân tộc Mông, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp nên nhiều người khi vi phạm pháp luật không biết quyền được Nhà nước trợ giúp pháp lý. Họ sợ phải trả tiền khi đề nghị trợ giúp viên bào chữa. Vì vậy, trong thời gian vừa qua, Viện KSND huyện Trạm Tấu đã phối hợp với các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp tỉnh để giải thích và hướng dẫn cho người dân về thủ tục yêu cầu trợ giúp, sau đó cấp giấy chứng nhận người bào chữa và tạo điều kiện tốt nhất để các trợ giúp viên tác nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2014, có tới 50% số vụ và số bị can, bị cáo được thụ hưởng quyền trợ giúp pháp lý miễn phí khi họ có yêu cầu.
Bốn là: Viện KSND huyện Trạm Tấu đã đề ra các biện pháp tăng cường chất lượng tranh tụng, trong đó đã phối hợp với Tòa án nhân dân huyện mở các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp, chúng tôi đã mời các đồng chí lãnh đạo Viện, các phòng chuyên môn của Viện KSND tỉnh và viện KSND các huyện bạn đến dự, tham gia đóng góp ý kiến để giúp kiểm sát viên nâng cao kỹ năng thẩm vấn, kỹ năng tranh tụng, kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Theo đó, góp phần làm sáng tỏ sự thật vụ án, đảm bảo việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng trình tự của pháp luật.
Năm là: Tăng cường các kiểm sát viên có năng lực, có kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp để tham gia giải quyết các vụ án hình sự, nhất là đối với các vụ án phức tạp, án truy xét, các vụ án mà bị can không nhận tội.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Tỉnh uỷ Yên Bái rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ (2015 - 2020)/ Giao ban Khối các Ban và Cơ quan xây dựng Đảng và công tác dân vận 9 tháng năm 2014/ Trạm Tấu nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập huyện/ cả nước trên 6.700 người chết vì TNGT/ Trung Quốc cảnh báo nguy cơ hỗn loạn ở Hong Kong/ Mỹ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam... là những tin chính đáng chú ý.
YBĐT- Sáng 5/10, huyện Trạm Tấu long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập huyện (05/10/1964 - 05/10/2014).
Quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh; tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi; đảm bảo an sinh xã hội... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014.
YBĐT - Sáng ngày 3/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Tỉnh uỷ Yên Bái đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ (2015 - 2020).