"Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm"
- Cập nhật: Thứ tư, 8/10/2014 | 2:53:21 PM
YBĐT - Những năm qua, các cấp ủy Đảng thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh", mỗi đảng viên đều có bản cam kết thực hiện các nội dung "làm theo".
Nông dân thị xã Nghĩa Lộ tích cực trồng ngô đông.
(Ảnh: A Mua)
|
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bản cam kết chỉ là thứ giấy tờ thủ tục, có chi bộ còn phô-tô nội dung cam kết để các đảng viên ký vào làm hồ sơ theo dõi, kiểm tra. Song mọi lý thuyết chỉ có thể trở thành hiện thực và đi vào cuộc sống khi mỗi người tự ý thức được suy nghĩ và hành động của mình, phải thực sự cầu thị mới có thể học và làm theo cách nghĩ, cách làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghĩ vậy và làm như vậy, đội ngũ đảng viên và nhân dân ở tổ dân phố 10, phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) đã có những việc làm thiết thực thể hiện tinh thần của Bác "Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh". Khi đưa chuyên đề này ra bàn bạc, các đồng chí cán bộ, đảng viên thấy lời dạy của Bác thật dễ nghe, dễ hiểu nhưng thực hiện liệu có dễ?
Thực tế cuộc sống cho thấy, rất nhiều việc làm mang lại lợi ích cho nhân dân nhưng ở cơ sở còn phải biết lựa chọn việc nào thiết thực nhất mà nhân dân đang cần. Điều đó đã được Chi bộ đưa ra cân nhắc, lựa chọn. Trước mắt, với tổ dân phố 10, điều mà bà con nhân dân trông chờ là phải có một nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt, hội họp và có một hệ thống đường giao thông sạch đẹp, bộ mặt phố phường và lối xóm được khang trang. Vậy làm sao có thể quy hoạch được quỹ đất giữa phố thị đông đúc này? Sau đó, làm thế nào để có nguồn kinh phí vài trăm triệu đồng xây dựng công trình trong khi không có nguồn hỗ trợ từ cấp trên? Trăn trở mãi rồi cũng tìm được lời giải đáp, đó là làm theo lời Bác dạy "Phải lấy dân làm gốc", "Mọi công việc phải được đưa ra dân bàn bạc", khi dân đã hiểu, đã tin thì sẽ không tiếc công, tiếc của, chung tay, chung sức làm những việc nên làm.
Nhiều năm qua, do chưa có nơi sinh hoạt, hội họp nên tổ dân phố phải tổ chức các hoạt động tập thể nhờ nhà dân, địa điểm họp không ổn định; trời khô ráo thì họp ở sân ngay cạnh đường quốc lộ, gây mất an toàn về giao thông; gặp trời mưa thì họp trong nhà dân, không đủ diện tích với số người dự họp đông.
Trước tình hình đó, Chi bộ và tổ dân phố đã đề xuất ý kiến lên Đảng ủy, UBND phường. Được sự giúp đỡ của các cấp, tổ dân phố 10 đã được quy hoạch vị trí đất cho việc xây dựng nhà văn hóa. Cùng thời điểm đó, Thị ủy Nghĩa Lộ đã ban hành Nghị quyết về "Tăng cường lãnh đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình dân vận khéo", Chi bộ đã quyết tâm lấy việc lãnh đạo xây dựng nhà văn hóa làm mô hình chỉ đạo điểm, từ đó ra Nghị quyết và phân công các tiểu ban phụ trách, tổ chức họp dân, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà văn hóa.
Với sự lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của Chi bộ, các tiểu ban đã nhanh chóng đi vào hoạt động. Các mức đóng góp được đưa ra bàn bạc dân chủ trong nhân dân. Đảng viên đi đầu tình nguyện đóng góp ít nhất mỗi hộ 2.000.000 đồng tiền mặt và đóng góp thêm về vật liệu, trang thiết bị; những hộ có mức thu nhập khá đóng góp ít nhất 1.500.000 đồng/hộ, diện có thu nhập trung bình góp 800.000 đồng/hộ, có chính sách miễn cho hộ nghèo (nếu hộ nào có khả năng đóng góp vẫn tiếp nhận và hoan nghênh tinh thần).
Tiểu ban tuyên truyền, vận động còn kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn. Dù nắng hay mưa, dù đêm ngày gió rét, nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên vẫn miệt mài, nhẫn nại đến tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, từng đơn vị và cá nhân có lòng hảo tâm, tiêu biểu như các đồng chí: Phạm Tân Lập, Trịnh Thị Mai, Nguyễn Văn Tỉnh, Nguyễn Văn Hùng, Trần Đức Vinh, Nguyễn Danh Chiến… Các thành viên trong Ban xây dựng nhà văn hóa như: Nguyễn Xuân Tứ, Phan Mạnh Cửu, Nguyễn Xuân Hinh cũng tích cực tuyên truyền, kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng.
Chỉ trong thời gian ngắn, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tổ đã đóng góp được gần 200.000.000 đồng; các cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ gần 30.000.000 đồng. Đáng biểu dương là nhiều hộ dân trong tổ dân phố ngoài mức đóng góp bằng tiền mặt như thống nhất chung còn ủng hộ về vật chất như hộ ông Vũ Ngọc Bảo ủng hộ toàn bộ thiết bị điện, nước trị giá hơn 7.000.000 đồng; hộ ông Vũ Đoan Hùng ủng hộ toàn bộ vật liệu sơn trị giá 8.000.000 đồng; hộ anh Đỗ Tiến Dũng ủng hộ phần cửa sắt trị giá hơn 5.000.000 đồng; hộ ông Bùi Tống Trường ủng hộ phần lớn cát, sỏi, công máy xúc, máy ủi trị giá hơn 6.000.000 đồng; hộ anh Trần Văn Nam 2 lần ủng hộ thêm tiền mặt hơn 5.000.000 đồng…
Bên cạnh đó, nhiều hộ đã góp thêm hệ thống quạt, bàn ghế, đồng hồ, phông băng trang trí… Hội viên phụ nữ, cựu chiến binh, Đoàn thanh niên đóng góp gần 100 ngày công. Trong quá trình thi công, những vướng mắc về quan điểm và những thắc mắc của công dân được Chi bộ phối hợp với Đảng bộ phường giải quyết dứt điểm, đem lại niềm tin cho nhân dân. Công trình nhà văn hóa được khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 11 năm 2013. Đó là kết quả của một mô hình "dân vận khéo", hợp với ý Đảng lòng dân.
Tổ dân phố 10 là tổ có địa bàn rộng, bên cạnh trục đường Hoàng Liên Sơn đi qua còn có đường nhánh Tô Hiệu và nhiều ngõ vào các hộ dân cư là đường đất. Để hoàn thiện các tiêu chí tổ dân phố văn hóa, Chi bộ đã chỉ đạo tiến tới bê tông hóa một số đường ngõ chủ yếu như ngõ 396, đường dốc 395, đường ngõ vào cụm gia đình ở giáp ngã tư đi bản Lè. Sau khi xây dựng xong nhà văn hóa, Chi bộ tập trung lãnh đạo tổ dân phố, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể vận động nhân dân tự đóng góp với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".
Được UBND phường hỗ trợ vật liệu xây dựng, các hộ dân được tuyên truyền, vận động đã nhận thấy trách nhiệm và quyền lợi của mình nên vui vẻ đóng góp. Đường ngõ 396 có 11 hộ hưởng lợi đã đóng góp mỗi hộ 2.000.000 đồng và toàn bộ công lao động. Đường ngõ vào khu nhà ông Thám có 4 hộ hưởng lợi, mỗi hộ đóng góp 2.500.000 đồng. Gia đình ông Nam ủng hộ 1.000.000 đồng, gia đình ông Thường ủng hộ 400.000 đồng. Đường dốc 395 không có hỗ trợ của phường nên các hộ gia đình đã kêu gọi ủng hộ của các tổ chức, cá nhân được tổng trị giá hơn 23.000.000 đồng.
Với quyết tâm cao, với tinh thần học tập và thiết thực làm theo lời Bác, tập thể Chi bộ 10 đã biết huy động sức dân. Đúng là "Khó vạn lần dân liệu cũng xong", trong thời gian gần một năm, nhân dân trong tổ đã đóng góp sức người, sức của, làm cho bộ mặt của tổ dân phố văn hóa thêm đàng hoàng, sạch đẹp, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố và phát huy. Với cách thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" như vậy, tin tưởng rằng, trong thời gian tiếp theo, các đồng chí đảng viên và nhân dân tổ dân phố 10, phường Trung Tâm sẽ tiếp tục thực hiện được nhiều việc, góp phần làm cho cuộc sống của nhân dân ngày càng tươi đẹp hơn.
Nguyễn Thị Thanh
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số báo cáo, tờ trình, dự án Luật sẽ được trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới.
YBĐT - Học và làm theo Bác, trong đó phải kể đến những cách “học” hay, những phương pháp “làm” sáng tạo, những điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều…
YBĐT - Thực hiện Chương trình công tác, ngày 6/10, Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Nghĩa Lộ về tình hình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2014; kết quả lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ khóa XII, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ.