Quốc hội thảo luận hai Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/10/2014 | 4:19:34 PM
Ngày 24/10, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII tiếp tục làm việc với phần trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của hai dự thảo Luật này.
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đến nay về cơ bản các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, không bao gồm các giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở nhằm mục đích kinh doanh sẽ dẫn đến việc điều chỉnh không kịp thời các hoạt động xây dựng, giao dịch về nhà ở thương mại, nhà ở xã hội. Đề nghị nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở, vì quy định như trong dự thảo Luật: “… trừ giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở nhằm mục đích kinh doanh…” là chưa đầy đủ, bao quát những nội dung quy định trong các phần khác của dự thảo Luật này. Đề nghị bỏ đoạn “trừ giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở nhằm mục đích kinh doanh” vì vừa thừa lại vừa thiếu, chỉ nên đưa các nội dung mà phạm vi luật điều chỉnh là đủ.
Về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở, các đại biểu đề nghị cân nhắc quy định quyền được ở nhờ nhà ở của người khác, vì sẽ dẫn đến trường hợp công dân khi không có nhà ở hoặc vì lý do nào khác, họ có quyền vào ở nhờ nhà ở của người khác, không cần biết chủ sở hữu có đồng ý hay không vì Luật đã cho phép họ có quyền được ở nhờ. Do đó nên bỏ cụm từ “ở nhờ”. Đề nghị tách nội dung của điều này làm hai khoản: một khoản quy định về quyền có chỗ ở và một khoản quy định về quyền sở hữu nhà ở, cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Đề nghị quy định rõ hai nội dung về quyền có chỗ ở, quyền sở hữu nhà ở tách bạch thành hai khoản, đồng thời nên bỏ đoạn “Người có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật này có quyền sở hữu đối với nhà ở đó theo quy định của Luật này” vì không cần thiết.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Dự thảo Luật Nhà ở đã có nhiều quy định thể chế hóa quy định của Hiến pháp về quyền có chỗ ở của công dân, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu nhà ở, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở. Dự thảo Luật cũng đã có các quy định cụ thể chính sách về nhà ở xã hội (Chương IV) nhằm tạo điều kiện để các đối tượng xã hội, người thu nhập thấp, hộ nghèo được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với giá rẻ hoặc được Nhà nước hỗ trợ vốn. Tuy nhiên, để tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền có chỗ ở của công dân, đề nghị cho bổ sung quy định nghiêm cấm đối với hành vi xâm phạm nhà ở trái pháp luật (Điều 6), phát triển đa dạng các loại nhà ở, đặc biệt chú trọng đến quyền có chỗ ở của công dân, có cơ chế ưu đãi, khuyến khích mạnh hơn việc phát triển nhà ở cho thuê (Điều 13, Điều 58 và Điều 59).
Về chính sách nhà ở nông thôn, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chủ yếu tập trung điều chỉnh nhà ở tại khu vực đô thị, nhà ở theo dự án, nhà chung cư mà chưa quan tâm đúng mức đến việc điều chỉnh vấn đề nhà ở tại nông thôn. Có thể thấy, vấn đề nhà ở tại nông thôn cũng như việc quy hoạch nhà ở tại khu vực này hiện đã có nhiều luật khác nhau điều chỉnh, như vấn đề quy hoạch, xây dựng nông thôn mới được quy định trong Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và việc đầu tư xây dựng nhà ở được quy định trong Luật Xây dựng, Luật Đầu tư... Trong dự thảo Luật này không quy định cụ thể vấn đề nêu trên mà quy định dẫn chiếu sang các luật đó. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Về hoạt động kinh doanh nhà ở, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh nhà ở, quy định cụ thể về huy động vốn góp, tiền mua nhà ở trả trước của người dân. Ý kiến khác đề nghị những vấn đề liên quan đến kinh doanh BĐS thì nên để điều chỉnh trong Luật Kinh doanh BĐS để tránh trùng lặp. Bộ Xây dựng cho rằng: Vấn đề đại biểu Quốc hội nêu đã được điều chỉnh trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất và tránh trùng lặp, đề nghị Quốc hội cho phép không điều chỉnh về mua bán nhà ở thương mại nhằm mục đích kinh doanh trong Luật Nhà ở.
Ngày 25/10, Quốc hội sẽ nghe trình bày báo cáo và thảo luận tại Hội trường về các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT - Ngày 23/10, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Vũ Hữu Phê - Vụ phó Vụ Lý luận Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc kiểm tra học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khóa XI tại tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Ngày 23/10, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII tiếp tục chương trình làm việc tại Hội trường nghe trình bày về Tờ trình phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Tờ trình phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chiều 22/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về IPU- 132 đã chủ trì cuộc họp bàn về công tác bảo đảm an ninh và hậu cần phục vụ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132.
YBĐT - Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII/ Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Ngô Thị Chinh làm việc với lãnh đạo Ngân hàng CSXH Việt Nam/ Tuyên dương 30 thanh niên làm kinh tế giỏi/ Tăng thuế tiêu thụ thuốc lá, rượu, bia tới 15%/ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2014/ Liên hợp quốc bầu chọn 15 thành viên mới Hội đồng Nhân quyền… là những thông tin đáng chú ý.