Chuyện về những chiến sỹ cách mạng ở làng Đồng Phú

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/8/2015 | 9:52:50 AM

YênBái - YBĐT - Một ngày đầu tháng 8, vợ chồng ông Đinh Đình Phiệt - nguyên Phó trưởng ban Dân vận, Dân tộc tỉnh Hoàng Liên Sơn và bà Nguyễn Thị Kim Thoa nguyên Chủ tỉnh Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hoàng Liên Sơn mời tôi đến nhà chơi ở tổ 5, phố Phan Đăng Lưu, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái).

Ông Đinh Đình Phiệt đang xem lại cuốn biên bản ghi chép nội dung các cuộc họp tổ Đảng Đồng Phú, do bố ông để lại.
Ông Đinh Đình Phiệt đang xem lại cuốn biên bản ghi chép nội dung các cuộc họp tổ Đảng Đồng Phú, do bố ông để lại.

Trong cuộc trò chuyện thân mật, ông Phiệt đã “khoe” một kỷ vật quý giá, đó là cuốn sổ ghi biên bản họp tổ Đảng làng Đồng Phú, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên mà cụ thân sinh ra bác Phiệt là đồng chí Đinh Văn Cấp đã để lại. Lật từng trang viết, ghi lại nội dung các cuộc họp tổ Đảng, tôi thấy cảm phục những đảng viên lão thành hoạt động trong buổi đầu cách mạng. Xin được chép lại đôi chút nội dung biên bản các buổi họp của tổ Đảng Đồng Phú để giới thiệu cùng bạn đọc, giúp mỗi chúng ta tự hào hơn về những đảng viên đầu tiên của Cách mạng tháng Tám đã phấn đấu, hy sinh như thế nào cho hôm nay.

 “Tháng 7 năm 1947 tổ Đảng Đồng Phú tổ chức họp. Sau khi chào cờ, tuyên bố lý do, các đảng viên nghe thông báo của Đảng về tình hình giặc Pháp đã phát hiện ra làng Đồng Phú; tổ chức quyết định sơ tán đồng bào lên núi cao hoặc hẻm sâu để tránh địch; chú ý vận động bà con mang hết tài sản và lương thực đi cùng, không để giặc cướp, phá. Chi bộ yêu cầu các đảng viên của tổ Đảng vận động thanh niên trong làng xây dựng trận địa đánh giặc...”.

Được tiếp cận với cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Việt Cường nên tôi nhớ rõ: Năm 1947, giặc Pháp tăng cường càn quét, bắt bớ, cướp bóc; chi bộ Đảng xã Việt Cường (gồm các xã Việt Cường, Vân Hội, Việt Hồng ngày nay) đã quyết định tách chi bộ thành các tổ Đảng nhằm tránh tổn thất và thuận lợi cho lãnh đạo, chỉ huy phong trào cách mạng. Nhiều trận đánh lớn giữa du kích cách mạng với bọn thực dân và phản động đã diễn ra ngay tại Khe Đó, Khe Bát, Khe Đá Mài… khiến địch tổn thất nặng nề. Nhiều du kích anh dũng chiến đấu, hy sinh, trong đó tiêu biểu như đồng chí Đinh Văn Hữu hy sinh ngay tại đầu làng trong những trận đánh đầu tiên.

Trước sức mạnh hỏa lực của địch, nhằm hạn chế thương vong cho dân làng, cấp trên đã quyết định làng Đồng Phú tản cư đi Ẩm Phước, huyện Yên Bình (khi ấy thuộc tỉnh Tuyên Quang), Nga Quán (Trấn Yên) và một số xã tại huyện Lục Yên. Có dân là phải có tổ chức Đảng, dân đi là tổ chức Đảng phải đi cùng để lãnh đạo, đó là chỉ thị của cấp trên. Vậy là, các đảng viên của tổ Đảng Đồng Phú phải vận động gia đình, họ tộc cùng đi về Ẩm Phước nhằm thuận lợi cho việc tập hợp tổ chức cuộc sống, dễ dàng trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kháng chiến. Như vậy, một chuyện hy hữu đã xảy ra là, tổ Đảng Đồng Phú, Chi bộ Việt Cường lại tổ chức sinh hoạt tại tỉnh Tuyên Quang, cách xa núi Gạo, Khe Đó hàng trăm cây số!

Đọc những dòng lịch sử này, tôi chợt nghĩ, có lẽ chỉ những đảng viên cộng sản mới vất vả hy sinh, bám dân, bám cơ sở để hoạt động như vậy.

Những trang biên bản các cuộc họp từ năm 1950 ghi rõ: “Các đảng viên có trách nhiệm vận động quần chúng thương yêu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Phân công đồng chí Hà Kim Tráng, Hoàng Phúc Thăng, Đinh Văn Cấp, chỉ đạo bà con tăng gia, sản xuất, gieo cấy ngay vụ lúa chiêm”. Ở một cuộc họp vào ngày 8/10/1951 chi bộ họp tại Ẩm Phước: "Sau chào cờ, tuyên bố lý do, các đảng viên nghe tình hình kháng chiến. Về chính trị, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Phân công đồng chí Đinh Văn Truyền lên Lục Yên vận động bà con hồi cư vì quân ta đã mạnh, địch đã suy yếu".

Di chuyển từ Ẩm Phước lên Cổ Văn - Lục Yên đâu có gần và dễ đi, nhưng nhiệm vụ Đảng đã giao thì đảng viên phải thực hiện. Băng rừng, lội suối, ăn rau, ăn măng mà đồng chí Truyền vẫn vượt cả trăm cây số tìm được đồng bào rồi vận đồng họ trở về. Biên bản họp tổ Đảng Đồng Phú còn ghi lại câu chuyện về tình yêu thương đồng chí, trong thời buổi nghèo khó, khiến bất cứ ai đọc cũng thấy xúc động.

Chuyện rằng, giữa năm 1953 đồng chí Hà Kim Tráng vì nghèo khó nên không có tiền nộp đảng phí nên tại buổi sinh hoạt, đồng chí Tráng đã nhận khuyết điểm và xin chịu mọi hình thức kỷ luật. Các đảng viên tham dự buổi sinh hoạt đều phát biểu chia sẻ khó khăn với đồng chí Tráng, rồi cả tổ Đảng đi đến thống nhất, cùng nhau lên núi lấy song, mây về bán cho người dân để lấy tiền giúp đồng chí Tráng nộp đảng phí. Cũng xuất phát từ tình yêu thương mà những năm 60, tổ Đảng mà trực tiếp là các đảng viên đi đầu trong việc vận động đồng bào Dao ở trên núi cao hạ sơn về Khe Bát định cư. Gia đình các đồng chí đảng viên đều đi đầu trong việc nhượng lại ruộng đất, vận động nhân dân giúp bà con người Dao làm nhà ở, hướng dẫn bà con cấy lúa nước…

Ông Đinh Đình Phiệt tự hào rằng: “Đúng như lời Bác Hồ dạy, phải đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Người Tày, người Dao, người Kinh đều là anh em một nhà. Bản thân tôi cũng được một gia đình người Dao nhận làm con nuôi. Rất nhiều người Dao, người Tày, người Kinh ở Việt Cường, Hưng Khánh huyện Trấn Yên kết nghĩa anh em với nhau từ những năm kháng chiến rất khó khăn vất vả. Tình đoàn kết gắn bó là cao quý nhất và các đảng viên của Đảng là những hạt nhân liên kết dân tộc, tôn giáo và dân làng với nhau".

Đã 70 năm trôi qua, những đảng viên của tổ Đảng Đồng Phú thuở ban đầu ấy đã không còn, nhưng tinh thần vượt khó vươn lên, bám dân, bám làng lãnh đạo quần chúng sản xuất, dũng cảm chiến đấu và thương yêu đùm bọc lẫn nhau vẫn luôn được phát huy. Làng Đồng Phú giờ đã thành 3 thôn: Đồng Phú A, Đồng Phú B và Đồng Máy. Tổ Đảng Đồng Phú giờ đã phát triển thành 3 chi bộ, với trên ba chục đảng viên. Truyền thống cách mạng được xây lên từ những đảng viên đầu tiên của làng sau Cách mạng Tháng Tám đã thắp lên ngọn lửa của tinh thần đoàn kết, vì dân, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động vẫn được thế hệ hôm nay tự hào tiếp nối trên con đường xây dựng cuộc sống mới giàu mạnh và no ấm.

Lê Phiên

Các tin khác
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Lãnh tụ Cuba Fidel castro trong một cuốn sách xuất bản tại Cuba đã nói về những công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Trong đó,tư tưởng của Mác và Lênin về việc đoàn kết những người vô sản trên toàn thế giới và về sự cần thiết giai cấp vô sản ở chính quốc phải giúp đỡ giai cấp vô sản ở thuộc địa, mà tư tưởng của Người còn đưa ra vấn đề giai cấp vô sản ở thuộc địa cũng có thể đóng góp những bài học cho những người đồng chí ở “chính quốc”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng to lớn, toàn diện và triệt để nhất trong lịch sử nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã anh dũng vùng lên đấu tranh, lật đổ chế độ đô hộ, áp bức và bóc lột của bọn thực dân, phát xít cùng nhà nước phong kiến tay sai, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới, thời kỳ đấu tranh giành độc lập của các dân tộc bị đô hộ, áp bức và bóc lột trên phạm vi toàn thế giới.

Ngày 12/8/2015, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngoại giao, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm Ngoại giao vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Họp báo công bố các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Sáng 12/8, tại Hà Nội, Ban Tổ chức cấp quốc gia kỷ niệm các ngày lễ lớn đã tổ chức họp báo công bố các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày CMT8 (19/8/1945-19/8/2015) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945-02/9/2015).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục