Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến vĩnh biệt nhà báo Hữu Thọ
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/8/2015 | 2:26:34 PM
Sáng nay ngày 14/8, lễ tang nhà báo Hữu Thọ được tổ chức trọng thể tại nhà tang Quốc gia lễ số 5 Trần Thanh Tông Hà Nội. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến chia buồn cùng gia quyến và vĩnh biệt một nhà báo tài năng, sắc sảo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thắp nén hương từ biệt nhà báo Hữu Thọ.
|
Tang lễ nhà báo Hữu Thọ được tổ chức Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, theo nghi thức lễ tang cấp cao.
Đoàn của Ban Bí thư Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu; đoàn Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu; đoàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu, đã đến viếng Nhà báo Hữu Thọ.
Đoàn của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban dẫn đầu; đoàn Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội do đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu; đoàn Báo Nhân dân và Hội Nhà báo Việt Nam cho đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập dẫn đầu, vào viếng Nhà báo Hữu Thọ.
Các đồng chí nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh đến viếng Nhà báo Hữu Thọ.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; nguyên Chủ tịch nước: Lê Đức Anh, Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cùng đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi vòng hoa viếng.
Trong buổi sáng, 250 đoàn đại biểu của các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và địa phương đã có mặt tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bày tỏ niềm thương tiếc và tình cảm sâu sắc, tiễn đưa Nhà báo Hữu Thọ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhà báo Hữu Thọ, sinh ngày 8/1/1932, quê quán ở Phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ông Hữu Thọ nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X đã từ trần vào hồi 7 giờ 40 phút ngày 13/8.
Hữu Thọ trưởng thành từ một phóng viên và ông đã viết đến cả ngàn bài báo. Ông luôn là người trung thực trong ngòi bút. Với sự sắc sảo của mình, ông không chỉ là một nhà báo mà còn là một nhà văn hóa, tư tưởng.
Những năm cuối đời, dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng nhà báo Hữu Thọ vẫn là cây bút chủ lực của một số chuyên mục trên báo Nhân Dân cuối tuần như “Chuyện làm ăn”, “Bàn góp sự đời” hay trên tạp chí Thế giới mới với chuyên mục “Chuyện đời”… Các bài viết phân tích, bình luận được đánh giá rất chân thực, thẳng thắn, mang dấu ấn riêng của nhà báo Hữu Thọ.
Nhà báo Hữu Thọ từng xuất bản 20 cuốn sách. Trong đó, cuốn sách đầu tiên xuất bản năm 1962 có tựa đề “Cô gái thôn Bạt”; tiểu phẩm “Người hay cãi”, xuất bản 1991; “Theo bước chân đổi mới”, xuất bản năm 2002; “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, xuất bản năm 2001; cuốn hồi ký báo chí “Những ngày chưa xa”, xuất bản năm 2002…
83 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, nhà báo Hữu Thọ đã có nhiều công lao đóng góp xứng đáng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, của ngành tuyên giáo, của báo chí nước nhà. Cuộc đời làm báo nhà báo Hữu Thọ từng giành 8 giải Nhất, hoặc A của Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà báo Hữu Thọ cũng được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy chương “chiến sĩ văn hóa”, Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”…
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Sáng 14-8, tiếp tục Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đã thay mặt Ủy ban trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
YBĐT - 3 giải pháp Thủ tướng yêu cầu chú trọng là: bảo vệ phát triển rừng vừa giữ môi trường vừa giúp đồng bào có thu nhập; cho đồng bào vay chăn nuôi gia súc và trợ giúp lương thực cho vùng thiếu đói.
YBĐT - Cách đây 70 năm, trong Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương (diễn ra trong 2 ngày 14, 15/8/1945) tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đã thông qua nghị quyết về công tác giao thông liên lạc: “...Lập Ban Giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm tròn nhiệm vụ...”. Đây là sự kiện quan trọng, khởi nguồn cho sự ra đời của Bưu điện Việt Nam.
Trường Chinh là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam ở thế kỷ 20. Ông là một trong những học trò xuất sắc, bạn chiến đấu gần gũi, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.