Những quan điểm hiện đại về kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/8/2015 | 2:18:56 PM

Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước một cấp độ hội nhập mới, xin trích giới thiệu lại một số ý kiến này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một chuyến công du quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một chuyến công du quốc tế.

Hội nhập, lựa chọn tất yếu

Sau khi Việt Nam giành được độc lập vào năm 1945, nói về các cơ sở kinh tế của người Pháp đang còn lại trên đất Việt Nam, Hồ Chí Minh phát biểu:

“Có thể rằng: Những cơ sở mà người Pháp đã bỏ vốn ra gây dựng ở đây từ trước đến giờ, nếu xét ra cho nền kinh tế quốc gia Việt Nam, sẽ được chúng ta chuộc lại dần dần. Có thể rằng: Chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Có thể rằng: Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia. Nhưng, phải nhắc lại rằng, điều kiện chính vẫn là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này. Nếu không vậy, thì không thể nói chuyện gì được cả”.

Phát biểu này cho thấy, mặc dù đã giành được chính quyền, Hồ Chí Minh vẫn bỏ ngỏ khả năng người Pháp tiếp tục ở lại Việt Nam trên phương diện kinh tế, qua đó có thể tiếp tục đầu tư vào những lĩnh vực “chưa có ai khai thác”, cũng như sẵn sàng mời gọi chuyên gia quốc tế chung tay chấn hưng Việt Nam.

Theo một số nhà nghiên cứu, quan điểm này rất giống với quan điểm về thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực mà Việt Nam chưa làm được, đồng thời tận dụng nguồn lực chuyên gia nước ngoài qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài. Dĩ nhiên, điều kiện quan trọng vẫn là “nền độc lập của xứ này”.

Nhưng đáng chú ý nhất là quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế, như có thể thấy trong “Lời kêu gọi Liên hiệp quốc”, giai đoạn 1945 - 1946:

“Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hiệp quốc.

d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hiệp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài cǎn cứ hải quân và không quân”.

Theo một số nhà nghiên cứu, đây vẫn là những nội dung thời sự trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất là Việt Nam vẫn đang rất cần FDI. Thứ hai là Việt Nam đã và đang muốn thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, vấn đề hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế. Thứ ba là Việt Nam sẵn sàng hội nhập song phương và đa phương, nhấn mạnh là với “mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế”. Thứ tư là hợp tác quân sự, an ninh toàn cầu với trách nhiệm đầy đủ của một quốc gia độc lập.

Riêng ý thứ ba cho thấy, Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy rằng chỉ có con đường hội nhập sâu rộng là con đường mà Việt Nam chắc chắn phải lựa chọn nếu muốn đi lên, điều mà Việt Nam hiện nay đã và đang thúc đẩy, khi đang đứng trước ngưỡng cửa của những hiệp định thương mại tự do với độ hội nhập rất cao như TPP.

Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo

Một trong những vấn đề cũng khiến giới nghiên cứu rất chú ý là quan điểm của Hồ Chí Minh trong vấn đề quản lý kinh tế, khi sớm nhận ra rằng Nhà nước không nên ôm đồm quá nhiều, mà chỉ nên đóng vai trò kiến tạo.

Hơn một tháng sau ngày giành được độc lập, trong “Thư gửi giới công thương Việt Nam” vào ngày 13/10/1945, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải nhiệm vụ giành lấy hoàn toàn việc độc lập thì giới công thương phải cố gắng nhiệm vụ xây dựng nền tài chính kinh tế vững vàng và thịnh vượng”.

“Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”.

Theo nhận xét của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây chính là quan điểm rất hiện đại về quản trị quốc gia của Hồ Chí Minh, theo đó, Chính phủ sẽ chỉ đóng vai trò kiến tạo, còn “giới công thương” mới là lực lượng chính để làm nên “nền tài chính kinh tế vững vàng và thịnh vượng”.

Quan điểm “nhà nước kiến tạo” cũng được Hồ Chí Minh nhắc lại trong nhiều hoàn cảnh khác. Chẳng hạn, trong một lần phát biểu về kinh tế, Hồ Chí Minh nói: “Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm, Chính phủ chỉ giúp khuyến khích, cổ động”.

Vẫn theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, đây chính là tinh thần “Chính phủ làm thể chế”, đóng vai trò kiến tạo mà Chính phủ hiện tại cũng đang hướng tới.

“Hồ Chí Minh không chỉ là nhà yêu nước, nhà cách mạng mà còn là nhà kinh tế học về kinh tế thị trường”, ông Lộc nhận xét.

Trở lại với bức thư gửi giới công thương, cho đến nay, vấn đề quan điểm và tư duy kinh tế của Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục được phân tích. Đáng chú ý là, với quan điểm “nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”, Hồ Chí Minh đã nêu bật mối tương quan giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Đó chính là tinh thần “win - win”, tinh thần “đồng hành” thay vì quan điểm Nhà nước có thể ban phát điều gì đó cho doanh nghiệp, những điều mà trong thời gian gần đây vẫn còn đang tiếp tục được tranh luận trên nhiều diễn đàn, mà chưa hẳn vị quan chức nào cũng đã có thể thấm nhuần.

(Theo VnEconomy)

Các tin khác

YBĐT - Đến nay, 3.246 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, 583 chi đảng bộ cơ sở và 13 đảng bộ cấp huyện, thị và tương đương đã hoàn thành tổ chức đại hội. Đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho thấy, việc tổ chức đại hội diễn ra an toàn, nghiêm túc, thể hiện tinh thần tập trung, dân chủ, đánh giá được kết quả trong nhiệm kỳ qua và đề ra mục tiêu, phương hướng, giải pháp cho nhiệm kỳ mới.

Nông dân xã Bạch Hà phát triển hiệu quả giống bưởi Diễn tại địa phương.

YBĐT - Bước vào nhiệm kỳ mới với những kỳ vọng mới, các cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ huyện Yên Bình đang sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm, trọng điểm nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội khóa XXII đi vào cuộc sống.

Bà Võ Thị Thắng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho bà Võ Thị Thắng.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn những đóng góp của các thế hệ tiền bối trong Cách mạng Tháng Tám.

Chiều 19/8 tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 với chủ đề “Ký ức cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội” để bày tỏ lòng tri ân đối với các thế hệ lãnh đạo tiền bối, những con người đã góp phần tạo nên trang sử hào hùng trong lịch sử dân tộc - Cách mạng Tháng Tám.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục