Đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế
- Cập nhật: Thứ tư, 21/10/2015 | 7:49:42 AM
Trình bày trước Quốc hội chiều 20-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã nêu đề xuất về việc tập trung phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) để tăng cường huy động vốn cho ngân sách Nhà nước, đồng thời từng bước thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ.
Các giải pháp được đề xuất bao gồm việc đa dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP tại thị trường trong nước; cụ thể là phát hành TPCP với tất cả các kỳ hạn theo quy định tại Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn.
“Trên cơ sở chủ trương được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ sẽ tập trung điều hành phát hành TPCP có kỳ hạn dài từ 05 năm trở lên (dự kiến vào khoảng 60%-70% tổng khối lượng phát hành tùy vào tình hình thị trường). Theo đó, với điều kiện kinh tế vĩ mô, thị trường ổn định và khối lượng huy động qua kênh TPCP phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường, Chính phủ dự kiến kỳ hạn phát hành bình quân của TPCP là 5,5 năm trong giai đoạn 2016 – 2020”, người đứng đầu ngành Tài chính giải trình.
Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị huy động vốn thông qua phát hành TPCP tại thị trường quốc tế, nhằm giảm bớt áp lực huy động vốn tại thị trường trong nước và thực hiện các giải pháp để phát triển thị trường TPCP trong nước, từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại.
Vẫn theo Tờ trình của Chính phủ, trong năm 2015 - 2016, dự kiến sẽ phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ. Khối lượng phát hành dự kiến khoảng 3 tỷ USD. Kỳ hạn phát hành từ 10 đến 30 năm. Lãi suất phụ thuộc vào điều kiện thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành.
Chính phủ nhận định, việc phát hành về cơ bản không làm tăng dư nợ Chính phủ, các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định, đồng thời vẫn đáp ứng được mục tiêu cơ cấu nợ hợp lý theo chiến lược đã đề ra là đến năm 2020 tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ luôn thấp hơn 50% tổng nợ Chính phủ.
Việc phát hành cũng sẽ tạo ra tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư quốc tế về việc Việt Nam tham gia thị trường một cách thường xuyên, tác động tích cực đến tính thanh khoản của các trái phiếu hiện hành cũng như tạo ra sự hấp dẫn cho các trái phiếu mới để giảm chi phí huy động vốn trong tương lai; góp phần giảm áp lực về vốn ngoại tệ của các ngân hàng trong nước, duy trì lãi suất trong nước ở mức thấp để hỗ trợ cho vay đối với doanh nghiệp không có điều kiện vay vốn ngoại tệ từ nước ngoài. Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu quốc tế có tác động làm tăng cung ngoại tệ sẽ góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái và ổn định kinh tế vĩ mô.
(Theo SGGP)
Các tin khác
YBĐT - Tiếp tục chương trình làm việc tại huyện Lục Yên, sáng 20/10, đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của tỉnh đã có cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt huyện Lục Yên.
Sáng 20/10, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII khai mạc tại Hà Nội sau khi các đại biểu đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
YBĐT - Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường đã đi thăm, kiểm tra nắm tình hình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Lục Yên.
YBĐT - Ghi nhận những đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước của phụ nữ Yên Bái, trong 5 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.