Thành tựu quan trọng trên chặng đường 58 năm xây dựng và phát triển của huyện Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/10/2015 | 10:15:21 AM

YênBái -

YBĐT - Sau 58 năm xây dựng và phát triển (18/10/1957 - 18/10/2015) Mù Cang Chải ngày nay đã trở thành một địa danh với nhiều tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế - xã hội từng bước khởi sắc.

Thị trấn Mù Cang Chải hôm nay.
Thị trấn Mù Cang Chải hôm nay.

Mù Cang chải, mảnh đất vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái, với nhiều đặc điểm tự nhiên và xã hội đặc trưng đã tạo nên những nét đặc sắc riêng của huyện vùng cao. Cái tên Mù Cang Chải giờ đã không còn làm người ta liên tưởng tới sự hoang sơ, mù mịt ở vùng núi Tây Bắc với khí hậu khắc nghiệt, sự nghèo nàn, lạc hậu về đời sống vật chất và tinh thần.

Với trên 91% dân số là đồng bào dân tộc Mông còn lại là các dân tộc khác cùng đoàn kết chung sống, Mù Cang Chải là mảnh đất có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng. Có thể kể đến các cuộc kháng chiến điển hình như: chống giặc Lào năm 1976, chống giặc Cờ vàng năm 1872 và tiếp đó là kháng chiến chống thực dân Pháp, chống tàu, diệt phỉ...

Khi thực dân pháp xâm lược vùng đất này, chúng ta đã vấp phải sức kháng cự quyết liệt của nhân dân các dân tộc, đến năm 1896 (sau 10 năm) thực dân Pháp mới đặt được ách cai trị lên Mù Cang Chải, nhưng mảnh đất này vẫn luôn là căn cứ địa của nghĩa quân và các đội du kích của người Mông tiêu biểu như: Đội du kích Khau Phạ, Chế Tạo, Lao Chải huyền thoại với những người con anh hùng của dân tộc Mông như Lý Nủ chu, Giàng Khua Kỷ...

Các đội du kích đã dựa vào địa bàn rừng núi hiểm trở, lối đánh du kích, phối hợp với bộ đội chủ lực đã tổ chức 76 trận đánh lớn tiêu diệt 334 tên Pháp và Phỉ gây cho thực dân Pháp những tổn thất nặng nề, đồng thời tham gia kêu gọi được 750 tên quay trở về với nhân dân; huy động trên 80 tấn lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội, đóng góp hàng vạn ngày công cho kháng chiến... góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Hòa bình lập lại ở Miền Bắc, Đảng bộ và nhân dân huyện Mù Cang Chải đã làm tốt phong trào vận động cải cách dân chủ kết hợp xây dựng hợp tác xã, thiết lập quan hệ sản xuất mới. Cùng với quân dân cả nước, huyện Mù Cang Chải đã đóng góp trên 2 vạn ngày công, 3.500 lượt công dân, 210 tấn lương thực, 115 tấn thực phẩm, động viên 396 thanh niên lên đường nhập ngũ phục vụ tiền tuyến, góp phần cùng cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 18/10/1957, bộ máy chính quyền Châu Mù Cang Chải chính thức đi vào hoạt động, trước đó, ngày 2/7/1957, Ban chấp hành khu Tây Bắc ra quyết định thành lập Ban phụ trách Châu Mù Cang Chải tổ chức tiền thân của Đảng bộ Mù Cang Chải. Đảng bộ Châu Mù Cang Chải đã tập trung lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển đảng viên và thành lập các chi bộ đảng ở cơ sở.

Những cán bộ, quần chúng cốt cán được lựa chọn từ các bản, xã được đưa về Châu để tổ chức các lớp bồi dưỡng về mục đích, lý tưởng của Đảng; nhiệm vụ trách nhiệm của đảng viên... từ chi bộ xã ghép đầu tiên với 3 đảng viên thuộc các xã Mồ Dề, Kim Nọi và Dế Xu Phình, tới năm 1960 đã có 85 đảng viên thuộc 6 chi bộ của các xã Mồ Dề, Kim Nọi, Lao Chải, Khao Mang, Púng Luông và xã Dế Xu Phình và đến cuối năm 1962, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã có 17 chi bộ trực thuộc với 174 đảng viên. Việc thành lập chi bộ ở các xã đã góp phần củng cố một bước tổ chức đảng và chính quyền ở cơ sở, đánh dấu sự trưởng thành của hệ thống chính trị cơ sở ở địa phương.

Người dân xã Chế Cu Nha được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội
huyện để phát triển kinh tế gia đình.

Song song với việc xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, đoàn thể. Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế nông - lâm - nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh giáo dục và đào tạo diệt "giặc dốt" cho nhân dân, hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961 - 1965 diện mạo của Mù Cang Chải đã có sự thay đổi sâu sắc.

Từ cuộc sống tối tăm, mù chữ, đói nghèo, lạc hậu, du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy, phiêu bạt từ cánh rừng này sang cánh rừng khác. Giờ đây, các gia đình làng bản đã có ánh sáng điện lưới quốc gia, nước sạch, đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, hệ thống cơ sở giáo dục, y tế và mạng lưới thông tin liên lạc phát triển mạnh mẽ. Cái đói nghèo, các hủ tục lạc hậu đã được đẩy lùi, tập quán trồng cây thuốc phiện từng bước được xóa bỏ.

Sự thay đổi đặc biệt rõ nét từ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII nhiệm kỳ  2010 - 2015: huyện Mù Cang Chải đã vận dụng sáng tạo các chính sách của Đảng và Nhà nước vào phát triển kinh tế - xã hội; động viên được toàn thể nhân dân tích cực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Kinh tế phát triển khá toàn diện, mức tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 14,7%, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 13 triệu đồng, vượt 3 triệu đồng so với mục tiêu Nghị quyết. Có 18/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVII đề ra, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt, 10 chỉ tiêu đạt nằm chủ yếu trong nhóm về phát triển kinh tế - xã hội.

Trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể đã chuyển biến tích cực, đặc biệt là nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở, đổi mới phong cách lề lối làm việc, tận tâm tận lực với công việc, đội ngũ công chức xã sâu sát thôn bản, đã có nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Công tác xây dựng Đảng đạt được kết quả toàn diện; trong nhiệm kỳ đã kết nạp mới 619 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 2.154 đồng chí, sinh hoạt ở 31 chi đảng bộ trực thuộc.

 Trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã lãnh đạo và tổ chức tốt việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết các cấp; thực hiện nghiêm quy định, quy chế làm việc; đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc. Các giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã bước đầu phát huy hiệu quả ở cơ sở; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành nội dung sinh hoạt định kỳ của Chi bộ, Đảng bộ, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện được giữ vững và ngày càng củng cố vững chắc.

Kinh tế phát triển ổn định, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng diện tích lúa đông xuân của toàn huyện là 1.350 ha tăng 145 ha, lúa mùa 2.894 ha; tổng sản lượng lương thực năm 2015 ước đạt 34.894 tấn, tăng trên 2.159 tấn, vượt trên 5% kế hoạch năm. Tổng đàn gia súc chính toàn huyện 56.765 con tăng trên 7%. Đàn gia cầm 160 nghìn con tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trồng mới 700 ha rừng đạt 100% kế hoạch.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới có 2 xã đạt 11 tiêu chí, 1 xã đạt 10 tiêu chí, 6 xã đạt 9 tiêu chí và 2 xã đạt 8 tiêu chí, còn lại 1 xã đạt 7 tiêu chí và một xã đạt 5 tiêu chí. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 109 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt trên 76,6 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt gần 315 tỷ đồng. Lĩnh vực văn hóa xã hội đặc biệt là việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc được đảm bảo và hiệu quả.

Đó là những kết quả quan trọng trên chặng đường 58 năm xây dựng và phát triển của huyện, đồng thời là tiền đề để Mù Cang Chải - một trong 63 huyện nghèo của cả nước tiếp tục vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

Mạnh Cường

Các tin khác
Việt Nam sẽ chính thức bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ thành viên ECOSOC từ ngày 1/1/2016.

Việt Nam trúng cử với số phiếu cao là 182 phiếu trong tổng số 187 phiếu, và sẽ chính thức bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc từ ngày 1/1/2016.

Ngày 21-10, tại Geneva, Thụy Sĩ, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 133 (IPU-133) và các Hội nghị liên quan đã thành công tốt đẹp. Việt Nam là một trong hai quốc gia đại diện cho các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương được bầu vào Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện thế giới nhiệm kỳ 2015- 2019.

YBĐT - Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại huyện Lục Yên/ UBND tỉnh sơ kết công tác văn hóa – xã hội 9 tháng đầu năm/ Nhiều hoạt động kỷ niệm 85 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2015)/ Khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII/ Ông Justin Trudeau giành chiến thắng trong tổng tuyển cử ở Canada... là những thông tin đáng chú ý.

Các đại biểu nghỉ sớm lúc 9g15 sáng 21-10.

9g15 sáng nay 21-10, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tuyên bố kết thúc phần làm việc buổi sáng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục