Thảo luận về dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng
- Cập nhật: Thứ bảy, 24/10/2015 | 6:52:56 AM
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIII, ngày 23-10, các đại biểu QH thảo luận tại đoàn về dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Các dự thảo văn kiện gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng; Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Đoàn đại biểu QH thành phố Hà Nội thảo luận.
|
Xây dựng nhà nước pháp quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
Thảo luận tại đoàn, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và cho rằng, Đại hội XII của Đảng sắp tới được tổ chức đúng dịp đất nước trải qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới chính trị. Nhìn lại 30 năm đổi mới, kinh tế đất nước phát triển ngày càng mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nước ta từ nghèo nàn, lạc hậu phát triển thành một nước có thu nhập trung bình… Các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc sắp tới đã dựa trên các báo cáo chuyên đề, chuyên sâu trên từng lĩnh vực, đánh giá có nhiều thông tin, số liệu để minh họa, chứng minh, ngắn gọn, cách viết rõ, đánh giá thành tựu, vướng mắc, nguyên nhân, cách viết qua nhiều lần đóng góp có chỉnh sửa, các dự thảo văn kiện gọn rõ từng lĩnh vực…
Tuy nhiên, trước cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, cần tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền để tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới đất nước phát triển. Đề cập vấn đề này, đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An), cho rằng: Hiện nay, một số cán bộ lãnh đạo lấn "sân", một số cấp ủy yêu cầu duyệt dự án kinh tế… Do vậy, trong dự thảo văn kiện xác định xây dựng Đảng là then chốt, song phải rà soát lại, làm rõ mục tiêu, yêu cầu để tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng; phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng. Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền để Nhà nước phát huy vai trò trong quản lý, điều hành; phân công phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; xác định rõ vị trí, vai trò của từng cơ quan để bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo đúng quy định của Hiến pháp. Đồng thời, dự thảo báo cáo cần đề cập đến văn hóa công sở, văn hóa công chức, văn hóa lễ hội... và soát lại việc tổ chức các lễ hội, đại hội, kỷ niệm, khởi công… rất hình thức, gây tốn kém tiền của Nhà nước.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, dự thảo văn kiện lần này cần làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), khẳng định vai trò của Nhà nước XHCN để khắc phục những khiếm khuyết mặt trái của cơ chế thị trường. Tiếp tục hoàn thiện thể chế và các chế độ sở hữu. Đồng thời, cần xây dựng dân chủ XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đã nêu rõ vấn đề này từ các kỳ đại hội trước, bây giờ tiếp tục thể hiện lại điều này, nhưng phải thể hiện làm thế nào để thay đổi sang một thể chế nhà nước quản lý bằng pháp luật, nhà nước thật sự là nhà nước pháp quyền. Theo đại biểu, đổi mới chính trị liên quan đến nhà nước pháp quyền, là thành tựu lớn thứ hai của nước ta sau 30 năm đổi mới, đứng sau thành tựu về kinh tế. Do vậy, cần khẳng định vấn đề này trong dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sắp tới.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng cần nhìn nhận, đánh giá thực trạng hiện nay việc quản lý xã hội của bộ máy nhà nước còn tồn tại những bất cập và những vấn đề cần quan tâm giải quyết kịp thời. Thực tế cho thấy, pháp luật của nước ta không thiếu, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đầy đủ nhưng hiệu quả, hiệu lực hoạt động không cao, kỷ cương xã hội chưa được tuân thủ nghiêm túc. Nhiều sự việc xảy ra để lại hậu quả mới phát hiện những yếu kém, hạn chế của công tác quản lý và bộ máy nhà nước… Các vụ án kinh tế diễn ra ngày càng phức tạp, tội phạm ngày càng tinh vi và thất thoát ngày càng lớn…
Giải pháp để phát triển nền kinh tế đất nước
Góp ý kiến đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhiều đại biểu khẳng định báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, bố cục rõ ràng, mạch lạc giúp người đọc dễ tiếp cận các vấn đề, nội dung được nêu ra. Một số ý kiến đánh giá cao việc các dự thảo đã rút ra được những bài học kinh nghiệm, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế để đưa ra những nhận định, xác định phương hướng, nhiệm vụ, các giải pháp trong giai đoạn tới. Đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai) và một số đại biểu khác đề nghị, Báo cáo chính trị cần thể hiện rõ nét hơn, sâu sắc hơn những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực, như giao thông, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước… Đồng thời, tiếp tục thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; những bất cập trong quản lý nhà nước; bộ máy hành chính còn cồng kềnh. Qua đó đề xuất những giải pháp phù hợp, thiết thực.
Nhiều đại biểu QH có chung nhận định, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XII của Đảng có điểm mới, rất đáng trân trọng và ghi nhận, đó là việc khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong đời sống xã hội hiện nay. Đây là một chủ trương đổi mới, rất đáng quý trong sự nhìn nhận của Đảng ta đối với kinh tế tư nhân. Có đại biểu khẳng định, khi nghiên cứu Báo cáo chính trị, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp rất phấn khởi đối với sự khẳng định này.
Quan tâm nội dung về kinh tế thị trường hiện đại được Báo cáo chính trị đề cập, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần phân tích rõ hơn nữa, cụ thể hơn nữa kinh tế thị trường hiện đại bao gồm những yếu tố nào, khác với thị trường trước đây ở nước ta như thế nào; xu hướng vận hành ra sao… Đại biểu này đề nghị, Dự thảo Báo cáo cần lựa chọn năm lĩnh vực quan trọng nhất để tập trung phát triển trong thời gian tới, đó là nông nghiệp kỹ thuật cao để tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh toàn diện ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng phát triển kinh tế biển; mở rộng, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… Cùng quan điểm này, có đại biểu đề nghị nên bổ sung ngành dệt may vào các lĩnh vực trọng tâm trong phát triển kinh tế, vì dệt may Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong việc mở rộng thị trường ra thế giới…
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) quan tâm chủ đề của Đại hội lần thứ XII của Đảng, trong đó có nội dung: xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo đại biểu này, cần bỏ từ “sớm” vì tiến lên CNH, HĐH là cả một quá trình liên tục, không cần phải có từ sớm. Tuy nhiên, có đại biểu lại cho rằng, cần cụ thể hóa thời điểm “sớm” ở đây là năm nào. Bởi nước ta đã có 30 năm đổi mới, cũng từng đó năm cả nước nỗ lực xây dựng CNH, HĐH, tuy nhiên kết quả không được như mong muốn. Việc cụ thể hóa thời điểm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không chỉ là áp lực để các bộ, ngành, địa phương cùng cố gắng, mà còn thể hiện quyết tâm chính trị của dân tộc.
Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, Báo cáo chính trị của Đảng đề cập toàn diện trên các lĩnh vực, đúc rút được các thành tựu quan trọng của đất nước sau 30 năm đổi mới và 5 năm vừa qua. Trong đó, điểm mới của dự thảo lần này là đã xác định được thị trường là vấn đề cơ bản, Nhà nước điều tiết nền kinh tế trên cơ sở thị trường. Nhà nước xác định mục tiêu thị trường và thị trường là cái gốc để Nhà nước điều hành kinh tế, bảo đảm cho hoạt động kinh tế phát triển khoa học, đúng hướng. Dự thảo văn kiện ghi rõ, có chính sách phát triển doanh nghiệp Việt Nam là lực lượng đi đầu, nòng cốt trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Dự thảo Nghị quyết cũng xác định rất rõ mối liên kết kinh tế, nhấn mạnh vai trò liên kết giữa các thành phần kinh tế và các chủ thể là doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng, vì liên kết các vùng, các thành phần kinh tế sẽ phát huy được hiệu quả các nguồn lực, không để lãng phí, phát huy được sức mạnh của các vùng, các thành phần kinh tế, phù hợp nguồn lực hữu hạn của nước ta. Tuy nhiên, theo đại biểu, trong dự thảo văn kiện nêu nội dung khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân đang sở hữu và kinh tế tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước là mâu thuẫn với luật, với tiến trình cổ phần hóa, vì hiện các luật đều không có quy định này, điều này sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế…
Về các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, một số đại biểu đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần làm rõ hướng cụ thể cho từng lĩnh vực kinh tế, phát huy lợi thế trên bảy lĩnh vực. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết chỉ đề cập phát huy được ba lĩnh vực kinh tế là kinh tế biển, dịch vụ và nông nghiệp, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Trong nông nghiệp, chỉ định hướng phát triển theo hướng khoa học công nghệ cao, nhưng chưa làm rõ định hướng phát triển hữu cơ. Trong công nghiệp, chưa làm rõ vai trò của công nghiệp chế biến, chế tạo. Về khoa học công nghệ, dự thảo chưa làm rõ phương hướng chủ đạo trong thực hiện mục tiêu CNH, HĐH và nền kinh tế tri thức; phải có đề tài, tri thức của Việt Nam, phải tập trung đầu tư kinh phí và công nghệ để tạo ra sản phẩm kinh tế. Đồng thời, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn làm cơ sở, nền tảng cho phát triển nông thôn mới. Nếu đầu tư nhiều, nhưng người dân không tự tăng giá trị gia tăng thì việc đầu tư đó cũng không phát triển.
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đánh giá, dự báo tình hình đất nước và thế giới những năm tới, trong đó có tình hình trên Biển Đông nhưng chưa đầy đủ, chưa sâu sắc. Theo tôi, cần đề cập rõ ràng và nhấn mạnh hơn nữa những nguy cơ, thách thức trên Biển Đông mà nước ta đang phải đối mặt, từ đó, đề ra đối sách phù hợp, mạnh mẽ để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Ngoài ra, Báo cáo cũng đề cập những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Như vậy là chưa cụ thể, bởi có những tự diễn biến, tự chuyển hóa theo chiều hướng tốt và xã hội ta đang rất cần điều đó. Vì vậy, đề nghị Báo cáo cần chỉ rõ: Chúng ta cần đề phòng những tự diễn biến, tự chuyển hóa theo hướng tiêu cực.
Đại biểu TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (TP Hồ Chí Minh)
Kinh tế của nước ta cơ bản đang phát triển theo hướng chiều rộng, dựa vào ba yếu tố chính là: vốn, lao động và tài nguyên. Song, vốn đang rất khó khăn, lao động có năng suất thấp, tài nguyên thiên nhiên cũng đang bị khai thác rất mạnh. Do vậy, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế thời gian tới, Báo cáo cần nêu rõ phát triển kinh tế chiều rộng gắn với chiều sâu. Cần thay đổi phương thức phân bổ nguồn lực để phát triển; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ cao vào sản xuất. Cùng với đó, cần thay đổi tư duy đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế.
Đại biểu NGUYỄN PHI THƯỜNG (Hà Nội)
Khi đề cập quá trình cải cách hành chính thời gian qua ở nước ta, Dự thảo Báo cáo chính trị đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém. Tuy nhiên, Dự thảo Báo cáo chưa đề cập yếu tố con người bởi không ít cán bộ, công chức còn xa rời nhân dân, quan liêu, cửa quyền, hách dịch… Đây là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của đất nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Đại biểu TRẦN HOÀNG NGÂN (TP Hồ Chí Minh
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Bội chi của năm 2015 có thể sẽ không phải ở mức 5% GDP như báo cáo sẽ khiến việc cân đối ngân sách gặp nhiều khó khăn.
YBĐT - Đoàn lãnh đạo Hội đồng tỉnh Val de Marne (Cộng hòa Pháp) sẽ sang thăm và làm việc tại Yên Bái từ ngày 8 đến 15/11/2015.
Tiếp tục chương trình làm việc thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIII, ngày 22-10, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2016.
Giới chuyên gia Mỹ cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông là phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Việt Nam không có các hoạt động xây dựng mới các đảo tại biển Đông giống như Trung Quốc đang thực hiện trái phép.