Bộ trưởng Y tế làm rõ thông tin nhập 65 tấn chất cấm trong chăn nuôi

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/11/2015 | 7:43:33 AM

Bộ trưởng Y tế phủ nhận thông tin thời gian vừa qua ngành y tế cho nhập khẩu khoảng 65 tấn Salbutamol, mà lượng này là 3,5 tấn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Phát biểu tại Quốc hội, nhiều đại biểu khẳng định vấn đề an toàn thực phẩm đã đến hồi báo động. Người dân thực sự bất an trong quá trình sử dụng, tiêu dùng thực phẩm được sản xuất kinh doanh không đảm bảo an toàn, sử dụng hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc để tẩm ướp, ngâm rửa. Sử dụng bảo quản phân bón thuốc, vật tư để rồi kích thích vào quá trình tăng trưởng của cây trồng, vật nuôi tăng cân.

Báo động ung thư do ăn thực phẩm bẩn

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu): Do thực phẩm không an toàn khi con người sử dụng gây ra hàng ngàn người bị ngộ độc, nhiều trường hợp tử vong trong mỗi năm. Hậu quả nhân tố mầm mống không chỉ gây ngộ độc tức thời, mà có nguy cơ tích lũy thấm dần trong các mô cơ thể con người gây ra nhiều bệnh tật nan y.

Trong đó có căn bệnh ung thư quái ác, thậm chí còn là tác nhân làm suy yếu nòi giống, làm tiêu tốn khá nhiều chi phí tài chính, nhân lực xã hội cho điều trị và gây suy giảm niềm tin của thế giới đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết, mỗi ngày Việt Nam có 203 người chết do ung thư, một trong những nguyên nhân của căn bệnh quái ác này là do người dân ăn phải thực phẩm bẩn, do phải tiếp xúc với các chất độc hoặc ngửi không khí ô nhiễm. Đại biểu nghị phải giảm những đau đớn này của xã hội ta bằng sự cắt giảm đầu mối, không chỉ kỷ luật những người phân phối, lưu thông, chế biến mà ta phải kỷ luật cả những người ký cho nhập những sản phẩm này vào Việt Nam.

Theo các đại biểu, vấn đề an toàn thực phẩm đã được pháp luật điều chỉnh, nhưng tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ngày càng nhiều, chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Nguyên nhân do người sản xuất hám lợi, không có ý thức, không nhận thức được hậu quả nguy hại của thực phẩm không an toàn. Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa tốt, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đề nghị các Bộ ngành liên quan làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đã nhập khẩu 68 tấn tạo nạc là chất cấm trong chăn nuôi.

Chất cấm từ đâu ra?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng làm rõ: Các chất cấm và kháng sinh tồn dư không được phép ở trong các nông sản cũng như thịt gia súc, gia cầm như Cloramphelicon hoặc Salbutamol, là những dược phẩm cần thiết nhập khẩu để điều trị cho người.

Quy trình về quản lý các dược phẩm này khá chặt chẽ từ nhập khẩu nguyên liệu, quy trình sản xuất, kinh doanh phân phối và sử dụng phải qua đơn. Trong quá trình sử dụng, các nhà nhập khẩu đều phải báo cáo các hóa đơn xuất nhập khẩu và các hợp đồng. Bộ trưởng Y tế cũng phủ nhận thông tin thời gian vừa qua ngành Y tế cho nhập khẩu khoảng 65 tấn Salbutamol, mà lượng này là 3,5 tấn.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, khả năng thương lái hoặc doanh nghiệp mua các thành phẩm ở các hiệu thuốc để bỏ vỏ nghiền ra cho vào thức ăn gia cầm là khó, bởi quá trình quản lý chặt, giá thành để mua các thành phẩm đó rất cao. Nguyên nhân ở đây do người chăn nuôi muốn có lợi nhuận và đạo đức kinh doanh không được coi trọng, cho nên đã cho các chất cấm đó vào thức ăn của gia súc. Thương lái ép buộc người dân muốn thu mua giá thành cao thì phải cho các chất tạo nạc và các chất cấm đó để tăng năng suất.

Trong khi đó, những chất cấm này qua đường nhập lậu không quản lý gia tăng và tạo điều kiện cho các nhà chăn nuôi mua các sản phẩm này và cho vào thức ăn gia cầm.

“Chúng tôi đã, đang và sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa quy trình nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất và cùng với thanh tra, cho thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đến tận huyện, xã. Tiền phạt theo Nghị định xử phạt cho phép được huyện và xã giữ lại để thực hiện công tác thanh tra” – Bộ trưởng Y tế nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, qua thanh kiểm tra liên ngành cho thấy số mẫu vi phạm trong thời gian qua đã giảm từ 10-30% trên các nông sản, cũng như thực phẩm. Các cơ quan liên quan sẽ có họp định kỳ và đề xuất những chính sách, thường xuyên, quyết liệt trong thanh kiểm tra.

"Đấu tranh với chất cấm như với ma túy"

Trước đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát thừa nhận, kết quả giám sát trong 9 tháng đầu năm cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm còn cao, chưa cải thiện so với năm 2014. Về thủy sản có 1,01% mẫu có hóa chất và kháng sinh vượt ngưỡng. Rau có 10,3% có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. Thịt có 7,6% có hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng…

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã phát động đợt cao điểm hành động đảm bảo an toàn thực phẩm kéo dài đến hết tháng 2/2016. Qua đó để chấn chỉnh tình hình và rút kinh nghiệm, làm tốt hơn cho các năm tiếp theo, trong đó có kế hoạch riêng về kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Vừa qua, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh hơn, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có giảm, nhất là khu vực xung quanh TP HCM, nhưng tình trạng này vẫn còn. Việc kiểm tra mẫu thịt, nước tiểu của heo chỉ là cái ngọn. Vì thế nên Bộ chủ trương sẽ phối hợp làm rõ và xóa bỏ trong đợt này các đường dây buôn bán phi pháp chất cấm.

“Tôi nhất trí với đại biểu Đỗ Văn Đương phải đấu tranh với chất cấm như với ma túy. Tôi đã nêu với các cơ quan chức năng là việc sử dụng chất cấm là tội ác. Bên cạnh đó cần có sự vào cuộc của các Bộ ngành và các địa phương” – ông Cao Đức Phát nói.

Khoán xe công đối với một số chức danh từ năm 2016

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 3-11, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định, ngân sách nhà nước (NSNN) đang rất khó khăn, nếu muốn tăng lương Chính phủ cần phải tính toán chặt chẽ nguồn thực hiện.

- Cán bộ, công chức đang mong mỏi Chính phủ tăng lương đúng lộ trình nhưng thực tế cân đối thu chi cho thấy, việc thực hiện rất khó khăn. Vậy theo các thông tin ông nắm được, Chính phủ chủ trương bao giờ có thể tăng lương?

- Tình hình NSNN hiện rất khó khăn do giá dầu giảm bình quân 50 USD/thùng, hụt thu NSNN khoảng 61.000 tỷ đồng. Trong trường hợp ngân sách trung ương có thể tăng bù vào thì vẫn hụt thu 31.000 tỷ đồng. Tình hình thu nội địa năm 2016 cũng gặp khó khăn do chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp theo lộ trình… Chính phủ nói sẽ cố gắng để khai thác từ các nguồn thu, chống thất thu nhất, chống nợ đọng thuế, song song đó theo dõi xem tình hình giá dầu thế giới thế nào, khả năng cân đối NSNN rồi mới trình ra Quốc hội kỳ họp thứ 11, khóa XIII phương án tăng lương, riêng trong năm 2015 thì xin Quốc hội không bàn tăng lương. 50% thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng ý quan điểm này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến yêu cầu thời điểm tăng lương có thể là ngày 1-5 hoặc 1-7-2016 và chắc chắn phải thực hiện. Nói chung, phương án nào cũng có mặt nọ, mặt kia nhưng để đến tháng 11-2016 thực hiện tăng lương tôi cho là an toàn hơn.

- Với tình hình ngân sách rất khó khăn như hiện nay, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội có khuyến cáo gì để tăng thu, thắt chặt chi tiêu hơn nữa?

- Chúng tôi đã đề xuất Chính phủ quyết liệt chỉ đạo địa phương và bộ, ngành phải tiết kiệm các khoản chi tiêu điện, nước, hội nghị. Đồng thời, đưa vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội ngay ở kỳ họp này là: Giao Chính phủ thực hiện việc khoán xe công cho một số chức danh từ năm 2016. Việc khoán xe công sẽ tiết kiệm hơn nhiều, giảm chi phí xăng xe, giảm biên chế của những hợp đồng lái xe, chi phí bảo dưỡng. Tuy nhiên, không phải thực hiện với tất cả các loại xe và cụ thể chức danh nào. Xe công còn có xe cứu thương, xe chở rác, xe công an, xe quân đội phục vụ các hoạt động có tính chất thường xuyên không thể khoán được, chỉ tiết kiệm bằng quản lý xăng xe để cho các loại xe được sử dụng đúng mục đích, đúng nhiệm vụ và tiết kiệm ở mức cao nhất.

 

(Theo VOV)

Các tin khác
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng.

"Nên tổ chức cho nhân dân ra Trường Sa du lịch bằng hàng không, đường biển, thậm chí vận động các nhà đầu tư xây một số khách sạn trên các rạn san hô", đại biểu Đặng Ngọc Tùng đề nghị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.

Trả lời đại biểu Quốc hội sáng nay 3/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết 9 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ mẫu thực phẩm sử dụng chất cấm vượt ngưỡng còn cao, chưa có cải thiện so với năm 2014.

Đồng chí Phạm Duy Cường phát biểu lại buổi làm việc.

YBĐT- Tiếp tục chương trình công tác, ngày 3/11, đồng chí Phạm Duy Cường – Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của tỉnh Yên Bái đã đến thăm và làm việc tại Tỉnh ủy Cao Bằng.

YBĐT – Sáng 3/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ công tác giữa đồng chí Phan Văn Lái – nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT và đồng chí Trần Thế Hùng – Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục