Đề xuất chính thức thực hiện chế định thừa phát lại

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/11/2015 | 12:00:22 PM

Sáng ngày 9/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại (TPL).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình của Chính phủ.

Văn phòng TPL được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 5 năm

Trình bày Tờ trình của Chính phủ , Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Dự thảo Nghị quyết gồm 9 điều quy định về Thừa phát lại; tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm, hành nghề TPL; việc TPL được làm, không được làm; nhiệm vụ, quyền hạn và xử lý vi phạm đối với TPL; thủ tục thực hiện công việc của TPL; Văn phòng TPL; kiểm sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động TPL; quản lý nhà nước về hoạt động của TPL.

Thời gian qua, do đang là giai đoạn thí điểm, thời gian rất ngắn nên Nghị định của Chính phủ chỉ quy định về việc bồi dưỡng ngắn hạn đối với TPL, còn đối với thư ký nghiệp vụ thì chưa có quy định bắt buộc phải được đào tạo, bồi dưỡng. Trong khi đó, các công việc mà TPL thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp đều liên quan đến hoạt động tố tụng, thủ tục đòi hỏi phải chặt chẽ. Trên cơ sở đó, điểm đ khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị quyết quy định: “Người muốn được bổ nhiệm làm TPL phải có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo nghề TPL theo quy định của Chính phủ”.

Để tạo điều kiện ban đầu cho các Văn phòng TPL, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013) quy định Văn phòng TPL  được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian thực hiện thí điểm. Nay, cùng với việc cho phép thực hiện chính thức chế định này, để khuyến khích các cá nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia hành nghề TPL, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết quy định: Văn phòng TPL được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 5 năm kể từ ngày thành lập.

Dự thảo Nghị quyết quy định có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, giao Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức thực hiện, đồng thời xây dựng Luật Thừa phát lại, trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2017); quy định chuyển tiếp đối với các Văn phòng TPL đã được thành lập và hoạt động theo các nghị quyết trước đây của Quốc hội.

Cân nhắc quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế của TPL

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết: Qua đánh giá chung, Ủy ban Tư pháp thống nhất cho rằng, thí điểm chế định TPL là một chủ trương lớn về xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, có ý nghĩa quan trọng trong Chiến lược cải cách tư pháp được xác định rõ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Mặc dù còn có những hạn chế, bất cập nhưng đến nay, hoạt động của các tổ chức TPL đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng trên các mặt, phản ánh định hướng đúng đắn, phù hợp với chủ trương của Đảng và yêu cầu của Hiến pháp 2013.

Qua kết quả tổng kết, về cơ bản các vấn đề về lý luận đã rõ, kết quả hoạt động của các tổ chức TPL thời gian qua là cơ sở thực tiễn quan trọng để xem xét cho phép mô hình tổ chức này được chính thức hoạt động. Do vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết ghi nhận kết quả đạt được và cho kết thúc việc thí điểm để chính thức thực hiện chế định TPL.

Về hình thức, nội dung của Nghị quyết, theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện chế định TPL được soạn thảo dưới hình thức là nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, bao gồm 09 điều quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Nhà nước về TPL, trong đó, các điều cơ bản được nâng từ quy định hiện hành của Chính phủ.

Ủy ban Tư pháp nhận thấy, căn cứ Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, đến 31/12/2015 thời hạn thí điểm chế định TPL phải kết thúc, từ kết quả tổng kết thực hiện thí điểm như đã nêu trên, Uỷ ban tư pháp tán thành với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế định TPL theo hướng: chấm dứt thí điểm và cho phép chính thức hoạt động TPL trong phạm vi cả nước.

Về phạm vi hành nghề của TPL, đa số ý kiến Ủy ban tư pháp tán thành việc giữ quy định về phạm vi hành nghề của TPL như hiện hành. Tuy nhiên, trong phạm vi hành nghề có nội dung chưa có luật quy định (lập vi bằng). Vì vậy, trường hợp Quốc hội ban hành Nghị quyết theo phương án có chứa quy phạm pháp luật thì cần làm rõ được ranh giới, phạm vi các việc được lập vi bằng của TPL để tránh chồng chéo với công việc thuộc phạm vi của công chứng, chứng thực.

Về hoạt động thi hành án của TPL, Khoản 2 Điều 4 và Khoản 2 Điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định TPL có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục theo quy định của Luật THADS; có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế và bảo đảm cưỡng chế theo quy định, kể cả trường hợp cần huy động lực lượng hỗ trợ.

Nhiều ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng, cưỡng chế là quyền lực đặc biệt, chỉ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Việc quy định thẩm quyền này của TPL không phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TPL. Do đó, trường hợp Quốc hội ban hành Nghị quyết theo phương án nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật thì cần cân nhắc, chỉ quy định TPL áp dụng biện pháp cưỡng chế mà không có sự huy động lực lượng như: phong tỏa, khấu trừ tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án.

Liên quan đến chính sách ưu đãi đối với tổ chức hành nghề TPL (Điều 6 dự thảo Nghị quyết), đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng, chính sách ưu đãi chỉ nên áp dụng trong giai đoạn thí điểm. Hơn nữa, để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, việc ưu đãi về thuế phải do luật chuyên ngành quy định, không nên quy định ở Nghị quyết này.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đến nay, tại 13 địa phương thực hiện thí điểm đã có 53 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập với tổng số nhân lực đang làm việc tại 53 Văn phòng là 643 người, trong đó có 134 Thừa phát lại; 295 Thư ký nghiệp vụ. Tính đến hết ngày 30/9/2015, các Văn phòng TPL đã tống đạt 939.544 văn bản, thu được gần 70 tỷ đồng. Các Văn phòng TPL đã lập và đăng ký được 42.911 vi bằng, thu gần 59 tỷ đồng; xác minh điều kiện thi hành án 885 vụ việc, thu được 3 tỷ 234 triệu 336 nghìn đồng; trực tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc, thu được 4 tỷ 554 triệu 074 nghìn đồng…

(Theo Dangcongsan.vn)

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh với các đại biểu tại Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

YBĐT - Cách đây tròn 60 năm, ngày 10/11/1955, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Quyết định số 45-NQ/TU về thành lập Đảng bộ Dân Chính Đảng Yên Bái, trực thuộc Tỉnh ủy.

Nhiều nội dung quan trọng về kinh tế xã hội sẽ được Quốc hội thông qua tại tuận làm việc này. Ảnh minh hoa.

Nghị quyết về việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án giao thông cũng được Quốc hội thông qua.

YBĐT - Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường thăm một số cơ sở sản xuất của Tập đoàn Tây Giang tại Cao Bằng và Hà Giang/ Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam/ Khai mạc Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Yên Bái lần thứ IX – 2015/ Lãnh đạo các nước tham gia TPP họp tại Philippines cuối tháng 11/ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam... là những thông tin đáng chú ý.

YBĐT – Đồng chí Phạm Duy Cường – Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của tỉnh Yên Bái đã đi thăm một số cơ sở sản xuất của Tập đoàn Tây Giang đóng trên địa bàn hai tỉnh Cao Bằng, Hà Giang.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục